Chuyện thật như… đùa về bút danh nhà văn

Thứ Tư, 19/04/2006, 08:03

Những lần gặp nhà văn Bão Vũ, nhà văn Vũ Bão thường đùa trêu: “Tớ không phải tên Vũ Bão mà lấy là Vũ Bão. Còn cậu là Vũ Bão thật lại phải đổi tên. Đúng là đời nay, người ngay sợ... kẻ gian”.

Từ mấy chục năm nay, Vũ Quần Phương đã trở thành một cái tên quen thuộc trong làng thơ Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải tên thật mà là bút danh của ông. Theo Vũ Quần Phương cho hay thì tổng Quần Phương cũ (nay là huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) vốn dĩ là quê bố ông, nơi hiện còn ngôi mộ của cụ. Sau này do chiến tranh, sơ tán lưu lạc, gia đình ông ít có điều kiện trở lại. Vì thế, để khỏi mất gốc, ông đã lấy tên địa danh này làm bút danh của mình. Chính thực Vũ Ngọc Chúc mới là tên cúng cơm của ông.

Xung quanh cái bút danh nghe nửa Hán nửa nôm của Vũ Quần Phương, có nhiều chuyện vui. Nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là câu chuyện sau đây:

Lần ấy, căn nhà nhỏ hẹp của nhà thơ Vương Trọng ở khu tập thể Vân Hồ 3 (Hà Nội) liền lúc được đón tiếp hai vị khách quen. Nói “quen” là với chủ nhà chứ bản thân hai người khách này không hề biết nhau. Đó là nhà giáo Trần Tế và nhà phê bình văn học Vũ Phương. Trong đầu Vương Trọng chợt nảy ra một ý nghĩ hóm. Ông bèn giới thiệu hai vị với nhau bằng hai câu thơ mới ứng tác:

Đây là Trần Tế (không xương)

Còn kia đích thực Vũ Phương (không quần)

Chủ ý của tác giả đã rõ: Đây là Trần Tế chứ không phải Trần Tế Xương (tức nhà thơ Tú Xương). Và kia: Nhà phê bình Vũ Phương chứ không phải nhà thơ kiêm nhà phê bình Vũ Quần Phương. Thật là một cách giới thiệu vui và... độc đáo.

Khi câu chuyện này đến tai nhà thơ Vũ Quần Phương, ông tủm tỉm cười chịu rằng ông bạn đồng nghiệp Vương Trọng “quả là thông minh”. Nhân thể, ông đã đọc cho tác giả bài viết này nghe một bài thơ ngắn, chỉ có 4 câu, trong đó ông nói rõ lai lịch cái bút danh của mình:

Tên Quần Phương, thân tha phương

Tôi lấy tên quê làm độ đường

Sáu tuổi tiễn cha về với đất

Nấm mộ ven đồng hóa cố hương. 

Tuy ngắn nhưng bài thơ đã ký thác được rất nhiều tâm sự của tác giả.

Bút danh “thật” hơn tên thật

Vũ Bão là bút danh của một nhà văn khá thành công trong thể loại truyện hài, mặc dù ngay từ thuở lọt lòng, ông đã được cụ nội đặt cho cái tên rất ngay ngắn, nghiêm trang là... Phạm Thế Hệ.

Phạm Thế Hệ thuộc lớp người trưởng thành khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cam go nhất. Sẵn hào khí tuổi trẻ trong mình, nên khi nhìn sang các bạn viết cùng trang lứa, ông không khỏi cảm thấy bị “mê hoặc” bởi các bút danh tuy chỉ được ghép bằng những chữ nôm thôi, song ý nghĩa thì đậm tinh thần lạc quan Cách mạng. Ấy là Thép Mới, là Tre Xanh, là Lửa Hồng, là... Vốn sẵn định kiến với cái tên mang dấu ấn Hán ngữ của mình, chẳng khó khăn gì mà cây bút trẻ không xoay xỏa cho mình một bút danh. Và thế là cái tên Vũ Bão chính thức “trình làng” từ đây.

Nhà văn Vũ Bão (bên trái) trên đường phố mang tên liệt sĩ Vũ Bão ở Quy Nhơn.

Nhưng rồi, niềm vui ngắn chẳng tày gang, không ai khác mà chính cụ thân sinh ra Vũ Bão đã “mở mắt” cho ông thấy, ông đã “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”, bởi chữ “bão” tiếng vậy nhưng lại là chữ Hán. Nó có nghĩa là “no” (trong câu “thực vô cầu bão”, nghĩa là ăn chẳng cầu no), chứ không chỉ đơn giản như ông nghĩ “bão” là “gió bão”. Tuy nhiên, khi “ngộ” ra điều này thì cuốn tiểu thuyết “Sắp cưới” của Vũ Bão đang bị xem là “có vấn đề”, bị báo chí lên tiếng chỉ trích (sau Đổi mới, cuốn tiểu thuyết đã được NXB Phụ nữ tái bản với số lượng lớn). Trong tình cảnh ấy, nếu ông chọn cho mình một cái bút danh khác e bạn bè thân hữu hiểu lầm là tác giả có ý “bỏ của chạy lấy người”. Bởi vậy ông đành cắn răng giữ lại cái bút danh này.

Nhà văn Vũ Bão tâm sự: Càng cứng tuổi, ông càng nhận chân ra một điều: Cái tên Phạm Thế Hệ thoạt nghe có vẻ... ngang tàng, song kỳ thực cái tên Vũ Bão còn... ngang tàng hơn. Điều này làm ông có lúc cảm thấy ân hận, hối tiếc phút “hăng tiết vịt” của mình. Bây giờ, đi đâu nghe người ta giới thiệu tên mình là Vũ Bão, ông không khỏi có cảm giác sượng sùng, ngài ngại, vì cái tên nghe thì “hùng dũng” vậy, song bên ngoài thì lại là một ông già vóc dáng thấp bé nhẹ cân, bước chân tập tà tập tễnh, nói chung là “rất núng thế”. Ông không muốn mọi người bất ngờ về “nghịch cảnh” ấy.

Xung quanh bút danh Vũ Bão cũng lắm chuyện hài. Gần đây nhất là chuyện một ông kiến trúc sư tên khai sinh là Vũ Bão, nhưng vì nổi máu viết văn và thấy trước mình đã có “sư huynh” Vũ Bão án ngữ rồi, nên để khỏi phiền toái đã đổi tên mình thành Bão Vũ. Hiện tác giả Bão Vũ cũng đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Những lần hai ông gặp nhau, Vũ Bão thường đùa trêu: “Tớ không phải tên Vũ Bão mà lấy là Vũ Bão. Còn cậu là Vũ Bão thật lại phải đổi tên. Đúng là đời nay, người ngay sợ... kẻ gian”.--PageBreak--

Hiện tại, ở TP Quy Nhơn có một đường phố mang tên Vũ Bão. Tất nhiên không phải là để... ghi danh ông. Theo ông tìm hiểu thì phố mang tên một liệt sĩ thời chống Mỹ. Người này trong một lần đưa cán bộ qua sông đã bị địch bắn chết. Chuyện hai năm rõ mười là thế song thỉnh thoảng vẫn có bạn bè văn nghệ đùa trêu ông về chi tiết trùng tên này.

Thậm chí, trong một lần ghé qua Quy Nhơn, Vũ Bão đã được một người bạn có nhà ở phố Vũ Bão mời tới chơi và bố trí chụp ảnh ông đang điềm nhiên đứng hút thuốc ngay dưới tấm biển ghi tên phố Vũ Bão. Trong một chương trình truyền hình, Vũ Bão đã hóm hỉnh phát biểu, đại ý: Thường thì người chết sau 10 năm mới được đặt tên phố. Căn cứ theo cái biển tên phố này thì tôi đã... chết được 10 năm. Bởi vậy với tôi bây giờ, sống chết không quan trọng nữa.

Cũng theo Vũ Bão thì mặc dù tên thật của ông là Phạm Thế Hệ,  còn Vũ Bão là bút danh, song so sánh hai cái tên trên, nhiều người lại cho rằng cái tên Vũ Bão nghe có vẻ “thật” hơn. Nghĩa là chính cái tên Phạm Thế Hệ dễ làm người đời lầm tưởng đó là... bút danh.

Sao Mai thành... Sao Hôm

Mặc dù mang dòng máu thuần Việt, song nhà văn Sao Mai lại có cái tên khai sinh nghe rất “anh ba Tàu”: Tân Khải Minh. Sở dĩ có chuyện đầu Ngô mình Sở này là vì bố ông khi mới 3 tháng tuổi đã bị đưa đi làm con nuôi cho một gia đình Hoa kiều. Và thế là họ Tân đã thay thế hoàn toàn cái họ Nguyễn của cụ.

Trong suốt cuộc đời cầm bút, nhà văn Sao Mai còn có một số bút danh khác, như Mai Điệp, Tân Đạt Cơ, song có lẽ cái bút danh Sao Mai là “trường thọ” và làm rạng rỡ văn nghiệp của ông hơn cả. Tuy nhiên, cái bút danh này tiếng vậy song cũng không ít lần bị người đời “chỉnh sửa”. Thậm chí, một thời gian dài, người dân Văn Luông (một xã vùng cao thuộc huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) đã gọi ông là ông Sao... Men, vì nguồn sống chính của ông khi ấy là giã bột gạo làm men rượu phục vụ bà con địa phương.

Lại có không ít lần bạn bè văn nghệ đùa ông là ông Sao Hôm. Để cắt nghĩa tại sao ông được gọi bằng cái tên này, xin kể câu chuyện vui mà tôi được mắt thấy tai nghe như sau:

Đó là lần nhà văn Sao Mai, trên cương vị Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Vĩnh Phú (cũ) về dự Đại hội Văn nghệ Quảng Ninh. Ôi chao, lần ấy (cuối năm 1992), Hội Quảng Ninh làm “to” quá! Quan khách từ Trung ương và các tỉnh kéo về đông không sao kể hết. Nhà văn Sao Mai cứ đứng ở ngoài tiền sảnh khách sạn mà ung dung kể chuyện gia cảnh mình, chuyện “ngài” đã một lúc sống cùng với mấy bà vợ mà mọi sự vẫn êm đẹp đâu đấy, không hề có chuyện bà nọ ghen tuông với bà kia. Anh em nhà văn lứa sau tròn mắt ngạc nhiên, đứng vây ông vòng trong vòng ngoài. Nhà văn Sao Mai cứ vừa kể vừa hồn nhiên cười. Hàm răng ông nhỏ nhắn, rất đều, nhưng lại hơi vầu ra, trông càng đôn hậu.

Cho đến tận ngày bế mạc đại hội, các vị khách đã bắt tay nhau để lên xe mà xem chừng sự phấn khích, hồ hởi của lão nhà văn vẫn chưa hết. Ông quyến luyến với người này, tíu tít với người kia. Thậm chí, đã lên xe rồi, thấy có điều cần nói thêm với người ở xe trước, ông đã thúc lái xe phóng bằng kịp xe kia để thò đầu qua cửa xe...trò chuyện. Khi xuống phà, mọi người ra khỏi ô tô, nhận ra bạn bè văn nghệ ở một xe khác cũng đang “mắc” ở đây, ông lại len lỏi tới hỏi han, trò chuyện, đến độ xe của ông đã lên tới bờ một lúc rồi, “bác tài” phải bấm còi ông mới bừng tỉnh để chia tay. Nhà thơ Vũ Quần Phương từ nãy tới giờ vẫn ngồi trong xe kia, nhìn ra vội gọi với theo Sao Mai:

- Này bác Sao Mai ơi, đi nhanh lên nhé, kẻo Sao Mai thành... Sao Hôm ấy. Cứ thế thì đến chiều chưa chắc đã về tới nhà đâu.

Sao Mai cười như nắc nẻ. Ông leo tót vào trong xe và chiếc xe vù đi. Bạn bè ở xe sau vẫn kịp nhìn thấy mái đầu phơ phất tóc của ông đang nghiêng ngó ra ngoài cửa xe nhìn về phía sau cùng bàn tay vẫy vẫy...

.
.
.