Chuyển nhượng cầu thủ: Cười ra nước mắt

Thứ Năm, 11/01/2007, 11:07

Theo lời một ông bầu có tiếng tại Hà thành, cứ đụng vào "sao nội" là... "choáng ngay". Bởi trước khi nói về những điều khoản, về khả năng chuyên môn của cầu thủ, người ta thường nói ngay tới việc phải trả "bao nhiêu con số 0" cho hợp đồng ấy.

Mới đây, trong một buổi nói chuyện với các quan chức của bóng đá nước nhà tại trụ sở VFF, Tổng Thư ký LĐBĐ Đông Nam Á, ông Paul Mony đã đưa ra một loạt khuyến cáo về quy chế chuyển nhượng cầu thủ ở các CLB Việt Nam. Rất nhanh, ngay sau đó, Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Hỷ đã tuyên bố về một chế tài cụ thể cho hoạt động chuyển nhượng tại V-League mùa bóng 2007. Rõ ràng, đây là một động thái tích cực đối với giới hâm mộ, và đặc biệt là với các CLB.

VFF đã tuyên bố sẽ ủng hộ hết sức cho việc thành lập công ty môi giới, đồng thời quản lý chặt chẽ hơn các nhà môi giới (bằng cách thi tuyển). Tuy nhiên, có thực là những vấn nạn trên sẽ được giải quyết - dù chỉ là trước mắt - chỉ với bàn tay của VFF?

Chuyển nhượng cầu thủ ở Việt Nam "quá khó"!

Cùng với sự phát triển của bóng đá Việt Nam, giải V-League đã phần nào có thể xem là niềm tự hào của chúng ta trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, bất chấp những cố gắng đầy nỗ lực của những người trong cuộc, quá trình lên chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam cũng đã vấp phải lắm chuyện "cười ra nước mắt".

Với nhiều người, chuyện mua bán cầu thủ trong môi trường V-League hiện đã có những nét chuyên nghiệp, hơn rất nhiều so với quá khứ. Thế nhưng, cũng chính trong cái vỏ bọc "chuyển nhượng chuyên nghiệp" đó, có không ít kẻ đã lợi dụng những khe hở, cả khách quan lẫn chủ quan để trục lợi. Và sau những phi vụ như thế, đương nhiên, chỉ có các "khổ chủ" - các CLB là phải "méo mặt" ngậm bồ hòn làm ngọt. Rất nhiều các ông bầu đã phải thốt lên rằng: "Chuyển nhượng cầu thủ ở Việt Nam quả là quá khó!".

Từ hàng nội

Trong thời gian gần đây, vấn đề đi hay ở của trung vệ Sông Lam Nghệ An, Huy Hoàng đang trở thành đề tài nóng hổi trên hàng loạt mặt báo thể thao. Tới nay, trung vệ xứ Nghệ đang được đánh giá là hay nhất của bóng đá Việt Nam có vẻ vẫn đang bị xáo động từ những lời đề nghị hấp đẫn của các đại gia phía Bắc, nhưng bên cạnh đó, anh cũng còn không ít băn khoăn với đội bóng cũ.

Ở Sông Lam, Huy Hoàng hiện vẫn đang được đãi ngộ ở mức "sao", và thêm vào đó, những hứa hẹn về một tương lai tươi sáng ở BHL đội bóng xứ Nghệ cũng khiến anh phải lưỡng lự. Thế nhưng, SLNA vẫn đang lo sốt vó.

Một lãnh đạo xứ Nghệ đã thừa nhận: "Không chỉ là chuyện tiền bạc đâu".

Đúng thế, khi mà ở Việt Nam, những sự tiếp cận trong bóng tối để được việc đã là quá quen thuộc, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Cẩn thận vẫn hơn!

Tất nhiên, không chỉ ở Việt Nam mới có chuyện “đi đêm” trong giới chuyển nhượng cầu thủ. Thế nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận rằng, ở môi trường bóng đá mới chập chững "lên chuyên" của ta, bên cạnh chuyện “đi đêm”, cách mua bán cầu thủ kiểu "thích thì chiều", hay "không được thì đạp đổ"... vẫn luôn hiện hữu.

Trong thời gian trước, đã có tin cho rằng việc "bầu" Tuân của Mitsustar Haier Hải Phòng ra giá cho Đặng Văn Thành tới 1,5 tỉ đồng. Nhưng trong làng báo, đã có nhiều người nói rằng cái giá trên trời này chỉ dành cho... Gạch Đồng Tâm Long An, sau khi ông bầu của đội bóng 2 lần liên tiếp VĐ V-League "dám" tuyên bố: "Tại V-League, không có cầu thủ Việt Nam nào có giá trị hơn 1 tỉ".

Bóng đá hiện đại không còn là trò chơi nữa, khi mà lợi nhuận từ nó đã trở thành món mồi vô cùng béo bở - nếu biết sử dụng - cho mọi cá nhân, mọi tổ chức kinh doanh. Có lẽ, cũng chính từ điều này, người môi giới cầu thủ, xét trên phương diện kinh doanh, cũng quả là những người "có tài". Họ "đi đêm" ư? Nhưng nếu không chọn con đường đó, ai có thể đột nhập vào những chế tài khô cứng trong việc sở hữu nhân sự của các đội bóng trực thuộc sở, ngành, nơi mà các cầu thủ vẫn luôn bị trói buộc bởi hằng hà sa số những quy định, đó là còn chưa kể đến chuyện tình cảm.

Còn nhớ, hồi năm 2002, Nguyễn Minh Phương của Cảng Sài Gòn đã "suýt" bị Gạch Đồng Tâm "cướp đi" theo cái kiểu “đi đêm” ấy. Cuối cùng thì mọi chuyện cũng ổn thỏa sau khi VFF vào cuộc, và đội bóng của Calisto cũng đã phải trả 400 triệu cho hợp đồng mà mình muốn.

Thế nhưng, như để tức thời đối phó lại những kiểm định gay gắt của quá trình chuyển nhượng, những "phi vụ" săn cầu thủ lại ngày càng tinh vi hơn, được tổ chức thấu đáo và cẩn trọng hơn, khiến cho những nhà làm luật, cũng như các ông chủ có "sao nội" không khỏi ngao ngán, lo ngại.

Hiện nay, theo đánh giá chung của giới chuyên môn, "chiêu bài" thường thấy nhất để lôi kéo các cầu thủ nội sắp hết hợp đồng thật đơn giản: Tiền! Ngoài chi phí chuyển nhượng, các nhà môi giới đều hứa hẹn cho cầu thủ những khoản hoa hồng kếch sù. Về khoản này thì chắc chắn là các đội bóng doanh nghiệp có thế mạnh hơn cả.

Có thể hàng nội chất lượng cao hơi hiếm, nên theo lời một ông bầu có tiếng tại Hà thành, cứ đụng vào "sao" là... "choáng ngay". Bởi trước khi nói về những điều khoản, về khả năng chuyên môn của cầu thủ, người ta thường nói ngay tới việc phải trả "bao nhiêu con số 0" cho hợp đồng ấy.

Thật vậy, kể từ vụ Minh Phương tới nay, việc chuyển nhượng các ngôi sao Việt Nam luôn khiến người ta phải "giật mình" vì giá trị của hợp đồng. Người tài thì được trọng dụng, lẽ dĩ nhiên là thế, nhưng nó không đồng nghĩa với việc phá giá thị trường, như trong không ít các trường hợp ở V-League.

Tới hàng ngoại nhập

Có thể nói, trong vài năm trở lại đây, làn sóng ngoại nhập đã giúp ích rất nhiều cho những bước tiến của bóng đá nước nhà. Bên cạnh chất lượng vượt trội, các ngôi sao ngoại cũng đã gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của V-League bằng sức ép cạnh tranh. Thế nhưng, có phải cứ "ngoại" là tốt hơn "nội"?--PageBreak--

Trong những mùa giải đầu tiên được gắn cái mác "chuyên nghiệp",  các CLB Việt Nam đã phải đối mặt với biết bao tình huống "dở khóc, dở cười" với những chuyến hàng ngoại. Thôi thì đủ cả, từ "hàng rởm", hàng "không giấy tờ", tới hàng "quậy", rồi hàng "không biên giới" (chỉ những ngôi sao di chuyển trên hành tinh với tốc độ sao chổi, chẳng ai nắm bắt được, chẳng ai phạt họ được, vì có biết ở đâu mà phạt)... Những chuyến hàng như vậy phần nhiều là do các tay môi giới không chuyên phụ trách.

Lại một chiêu lừa dễ ợt: Lăng xê, lăng xê, và lăng xê. Các CLB nghe... "bùi tai", lao vào ký. Đầu tiên thì chỉ là thử việc thôi, nhưng có lẽ "nể" quá, hoặc "mến khách" quá, nên dù không đạt yêu cầu, các ông Tây ba lô từ trên trời rơi xuống vẫn có một khoản tiền kha khá để lên máy bay về nước. Kết thúc một chuyến du lịch thú vị trên đất nước Việt Nam xinh đẹp.

Vừa qua, giới truyền thông cùng VFF mừng rơn, khi xuất hiện nhà môi giới chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, bà Mae Mua (người trước đó đã được biết đến với tư cách đại diện cho Công ty Tiếp thị tài trợ Strata). Thế nhưng, lập tức, chính người phụ nữ mang quốc tịch Anh quốc đã tuyên bố "sẽ chẳng có gì đảm bảo chất lượng và tính trong sạch của thị trường chuyển nhượng Việt Nam", cho dù có các nhà môi giới chuyên nghiệp hay không.

Thật đáng ngạc nhiên, và đáng sợ nữa, khi người ta biết rằng, từ trước bà Mae Mua, trong số những tay môi giới nổi danh ở V-League như Mauro, Nelson, Tubine, hay cả Mongkol, chưa ai được cấp phép môi giới chuyên nghiệp tại Việt Nam. Nói dại, nhỡ có chuyện gì xảy ra, những cái tên xa lạ biến về đất nước họ, thì biết đâu mà lần. Ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm (ngay cả khi hợp đồng chuyển nhượng đã được ký), khi mà chẳng có gì ràng buộc được những tay môi giới nghiệp dư, ngoại trừ... "uy tín miệng".

Chắc chưa ai quên trường hợp "một đi không trở lại" của tiền đạo Rwanda Jimmy, người đã "biến mất" ngay khi đang còn trong hợp đồng với M.H Hải Phòng, chuyện Đà Nẵng tá hỏa khi biết Amaobi đang có một hợp đồng khác ở tận... Bồ Đào Nha, trong khi vẫn đang chơi cho đội bóng sông Hàn, hoặc chuyện Achilefu "ăn gian" tuổi....

Tất cả đã nói lên một thực trạng thiếu chuyên nghiệp, thậm chí "ngây ngô" trong công tác chuyển nhượng ở Việt Nam. Trong số các nhà môi giới kể trên, đáng tin cậy nhất, và cũng đáng nể nhất, có lẽ là cái tên Mongkol. Mongkol Thongdang là người Thái, nhưng nói tiếng Việt như... tiếng Thái, và đã khẳng định được tên tuổi của mình qua những hợp đồng nặng ký như Sakda, Niweat Siriwong, Chaiman, Issawa...

Nói gì thì nói, qua các giải khu vực, dù sao thì các nhà tuyển trạch Việt Nam cũng đã biết được chân cẳng của các "sao" Thái, nên các cuộc chuyển nhượng có phần dễ giải quyết hơn, và cũng dễ... hiểu nhau hơn. Thế nhưng, với các ông bầu châu Phi và Nam Mỹ đang tràn ngập khu vực phía Nam, có thể nói, các món hàng của họ để mà kiểm chứng thì...

Cứ như thể Việt Nam là mảnh đất màu mỡ đến mức dễ dãi, các cầu thủ ngoại nhập, phần lớn là da màu vẫn đang tràn ngập khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, TP Hồ Chí Minh. Họ ăn ở, chơi bời, thậm chí phá phách, như những người tị nạn, gây ra không ít phản cảm cho người dân địa phương, cũng như các nhà quản lý thành phố. Nhưng cũng đáng buồn, và đáng trách nữa, khi nhiều người trong số họ lại thừa nhận chính họ cũng... bị lừa, bị mang sang đây, rồi phải sống trong cảnh... "hết đường về quê mẹ".

Những người "thất nghiệp" đã vậy, còn những người đã được trọng dụng, phần đông cũng chẳng hơn nhiều. Tới một đất nước xa lạ, nhưng phần nhiều trong số họ chẳng biết (hoặc cũng chẳng cần biết) tới phong tục, văn hóa, cách ứng xử, hay cả pháp luật nước sở tại. Quậy phá, cặp kè, gây rối tại sàn nhảy, đi đêm, thiếu kỷ luật, rồi bực tức, cáu giận, hờn dỗi vô cớ với cả đồng đội, với HLV.... những chuyện đó thiết nghĩ chẳng phải kể thêm làm gì. Nó quá nhiều, và đã quá cũ ở môi trường V-League.

Khó, nhưng vẫn phải làm!

Những cú lừa đau đớn, những chiếc bánh vẽ đắng ngắt, hay cả những mâu thuẫn "gà nhà" không đáng có... điều đó chẳng thể làm chúng ta vui. Nhưng ở một khía cạnh khác, nó lại làm cho bóng đá Việt Nam vững vàng hơn, cứng cáp hơn, trong quá trình "lên chuyên".

"Cứ đi, khắc đến" - những nhà làm luật, các ông chủ CLB, hay cả đông đảo giới hâm mộ, ít nhiều đều có một niềm tin như thế, bởi chẳng có cơ hội phát triển nào lại không chứa đựng những cạm bẫy, rủi ro. Trong giai đoạn "tranh tối, tranh sáng" của bóng đá nước nhà, những hạn chế, tiêu cực, và cả lừa đảo đã xuất hiện như một quá trình tất yếu của hội nhập. Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, nhiều khi, sự thiếu hiểu biết, cách làm tùy tiện, hay cả sự thiếu thận trọng trong cung cách làm việc, cũng có thể xem là một loại tiêu cực - những tiêu cực mà chính những người làm bóng đá nội phải chịu trách nhiệm.

Đã từ lâu, chúng ta quen với cung cách làm việc đơn lẻ, thiếu tính hệ thống. Nhưng trong thời gian qua, đã có không ít những tấm gương sáng để chúng ta phải hãnh diện, tự hào. Đó là một Hoàng Anh Gia Lai "chịu chơi", mà vẫn đầy khôn khéo. Là Hòa Phát đầy tham vọng, nhưng cũng rất biết dừng. Hay trên hết, đó là Gạch Đồng Tâm Long An, đội bóng có thể xem là chuẩn mực cho cách phát triển bóng đá doanh nghiệp tại Việt Nam. Đó là một đội bóng dám thẳng thừng tuyên bố "không bao giờ bán mình vì cái xấu", là một đội bóng dám nuôi dưỡng, đào tạo, và tạo cơ hội cho những lứa cầu thủ trẻ, dám đầu tư mọi cơ sở vật chất để tập luyện và huấn luyện. Dám tin, dám làm, và dám... hưởng thụ thành công với cái đầu ngẩng cao.

Mong lắm, sẽ có thêm nhiều những CLB có được những ngoại binh khiến người ta phải ngưỡng mộ như Fabio Santos, anh em nhà Rodriguez, những cầu thủ nội địa chất lượng như Tài Em, Văn Giàu, Minh Phương, Hoàng Thương, Trường Giang, Xuân Thành, hay cả những "phù thủy" như... Henrique Calisto - những viên gạch hảo hạng để xây nên ngôi nhà chắc chắn cho bóng đá Việt Nam

Yến Thanh
.
.
.