Chuyện một người góp phần làm đổi mới nền kinh tế

Thứ Năm, 22/05/2008, 19:50
Không biết bây giờ, tính tổng tài sản gồm tiền, đất đai, nhà xưởng... thì ông đã được coi là người giàu nhất Việt Nam hay chưa. Nhưng có một điều chắc chắn là, số tiền mà vợ chồng ông đưa vào quỹ hỗ trợ người nghèo, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện... thì chưa doanh nhân nào ở Việt Nam đóng góp nhiều hơn thế.
Chỉ trong năm 2007 và 3 tháng đầu năm 2008, ông đã dành hơn 41 tỉ đồng cho các hoạt động này. Một người đã từng nổi danh về sự giàu có gần 15 năm nay, ấy vậy mà cũng đã có thời kỳ "nước mắt... chan cơm". Ông là Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty Golf Long Thành.

Tôi biết tới danh tiếng ông Lê Văn Kiểm từ năm 1998 với cái tên được nhiều người nhắc đến có pha chút ghen tị, xách mé “Kiểm Huy Hoàng”. Người nói về ông Kiểm với tôi đầu tiên chính là một doanh nhân cũng lừng lẫy một thời, nay đã thành người thiên cổ: Tăng Minh Phụng.

Trong một lần gặp Tăng Minh Phụng ở trại giam, khi mà vụ án Minh Phụng - Epco sắp bước vào giai đoạn kết thúc điều tra, tôi có hỏi Phụng:

-  Anh có biết về ông Kiểm ở Tổng Công ty Huy Hoàng không?

Minh Phụng gật đầu và nói: “Tôi có biết, và biết rõ là đằng khác. Nhưng cơ nghiệp của ông ấy cũng sắp sụp đổ rồi. Tôi sợ số phận ông ta rồi cũng như tôi mà thôi”.

Nghe Phụng nói vậy, tôi thấy ớn lạnh. Phụng nói: “Cũng như tôi mà thôi...”  thì điều đó có nghĩa là sẽ sắp tới ngày ông Kiểm vào nhà giam. Một người bỏ tiền ra xây dựng nút giao thông Hàng Xanh hoành tráng nhất TP HCM góp phần giải quyết ách tắc giao thông cho một điểm đen về giao thông và làm đẹp thêm bộ mặt ở cửa ngõ ra vào thành phố... mà lại có kết cục như... Minh Phụng thì quả là bất ngờ.

Nhưng với những thông tin mà tôi biết được thì Huy Hoàng đang nợ nần chồng chất có tới gần 500 tỉ  và không có khả năng chi trả. Và bên cạnh đó,  người ta còn đồn thổi về một ông Kiểm ăn chơi, tiêu tiền không bao giờ đếm. Rồi mỗi khi vợ ông đi mua đồ, có 3 nhân viên đi theo vừa là bảo vệ, vừa làm hóa đơn chi tiền, rồi những món đồ trang sức mà bà Kiểm đeo có thứ trị giá cả trăm ngàn đôla... vân vân và... vân vân!.

Cũng phải nói thêm rằng, vào thời điểm cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đang rất ít và yếu. Số doanh nhân thành đạt có thể đếm ra được ngay. Và ngày ấy, xã hội vẫn còn rất mặc cảm, thậm chí coi rẻ những người làm kinh tế tư nhân. Các nhà doanh nghiệp tư nhân được coi là đồng hạng với những người buôn thúng bán mẹt và dĩ nhiên, họ có vô vàn thói hư tật xấu.

Câu nói “Vi phú... bất nhân” thường được áp dụng cho các doanh nhân thời đó.

Rồi Minh Phụng cũng kể cho tôi nghe đôi điều về ông Lê Văn Kiểm bằng một sự kính nể thật sự pha chút cám cảnh cho ông. (Mãi sau này tôi mới được biết là ông Lê Văn Kiểm cũng đã tìm nhiều cách cứu giúp Minh Phụng, trong đó cho Minh Phụng vay khá nhiều tiền).

Theo lời Phụng kể thì ông Kiểm làm giàu là từ hai bàn tay trắng và bươn chải trên thương trường với đủ thứ nghề. Vận may đúng là có đến với ông Kiểm, nhưng để nắm bắt được cơ hội, vận may đó, ông Kiểm là người có nghị lực phi thường và rất bình tĩnh. Kết thúc buổi gặp, Phụng thở dài, nói với tôi: “Nếu để cho tôi sống, 5 năm sau, tôi trả hết nợ, cả lãi lẫn gốc cho Nhà nước, còn bắn tôi bây giờ, Nhà nước sẽ chẳng được gì, ngoài việc mất tiền”.

Lúc ấy, nghe Minh Phụng nói, tôi không tin, bởi vì số nợ của Minh Phụng đã quá lớn. Mỗi ngày ngủ dậy, phải trả lãi ngân hàng đến cả trăm triệu thì làm cái gì cho ra tiền. Còn toàn bộ đất đai, tài sản của Phụng nếu bán hết đi chắc gì đã đủ trả nợ... Nhưng thực lòng, tôi rất trọng Minh Phụng bởi lẽ đó là một người tốt.

Hiếm có một doanh nhân nào sống giản dị, tốt bụng với mọi người như Phụng. Không cờ bạc, rượu chè, không có thói “trăng hoa” chơi bời, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo... đó là phẩm chất của Minh Phụng. Tiếc thay, chỉ vì những sơ sẩy trên bước đường làm ăn mà đến nỗi thân tàn ma dại.

Bây giờ khi vụ án Minh Phụng đã lùi xa, tôi mới thấy điều Phụng nói có phần đúng. Nếu để cho Phụng sống, thì có lẽ bây giờ chúng ta có thêm một doanh nhân giỏi.

Trở lại chuyện ông Kiểm, vào thời điểm đó và cho đến hết năm 2001, chuyện của ông và Công ty Huy Hoàng trở thành vấn đề “có tính thời sự”. Nhiều người thì thắc mắc: “Tại sao chưa xử lý Huy Hoàng? Tại sao chưa bắt ông ta?”. Rồi lại có tin là ông đi bán Huy Hoàng cho một công ty Hàn Quốc nọ với giá... 99 USD? Và tất nhiên, để sở hữu được Huy Hoàng, đối tác kia đã phải trả hơn 600 tỉ tiền nợ.

Rồi người ta cũng chỉ biết thêm rằng, Chính phủ đã cho phép khoanh nợ của ông Kiểm lại để trả dần. Những người am hiểu kinh doanh thì hồ hởi, vì biết rằng từ đây, các doanh nhân có thể yên tâm làm ăn với chính sách mới, quan điểm mới của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là chuyện “hình sự hóa quan hệ kinh tế” đã giảm đáng kể. Nhưng cũng có không hiếm người cay cú mà cho là ông Kiểm đã “chạy” được để thoát bản án... tử hình đang chờ đợi.

Bẵng đi một thời gian im hơi lặng tiếng, từ năm 2005, tên tuổi ông Kiểm lại xuất hiện ngày một nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng với một vị thế khác hẳn: Đó là một doanh nhân thành đạt và có tấm lòng cao cả.

Tôi được gặp ông Kiểm lần đầu trong chương trình ca nhạc “Ngẫu hứng Hữu Ước” để quyên góp tiền mua 1.000 con trâu ủng hộ bà con miền núi bị thiệt hại trong đợt rét hồi đầu năm. Khác hẳn với sự cởi mở, tự tin, kiêu hãnh mà tôi gặp ở một số doanh nhân, ông Kiểm rất kiệm lời và thậm chí hơi có chút “cảnh giác” với phóng viên.

Cái sự “cảnh giác” với nhà báo thì không chỉ ông Kiểm mới có mà rất nhiều doanh nhân tôi biết cũng tâm sự như vậy. Hồi cuối năm ngoái, Hội Nhà báo TP Hcm có mở một cuộc hội thảo với chủ đề “Báo chí với doanh nghiệp và doanh nghiệp với báo chí”. Tại cuộc hội thảo này,  có doanh nhân đã bộc lộ rằng,  họ rất sợ nhà báo bởi họ từng chịu hậu quả do lối đưa tin thiếu trách nhiệm, suy diễn và sai sự thật của một số phóng viên.

Hẹn hò mãi rồi cuối cùng tôi cũng có được một buổi trò chuyện với ông khá thoải mái trong căn phòng làm việc của ông mà bằng khen cùng các loại huân, huy chương treo kín bốn bức tường.

Câu đầu tiên tôi hỏi ông là: “Tại sao hồi đầu năm 1979, ông đang là Phó ban Quản lý Đường bộ miền Nam, con đường làm quan của ông đang rất rộng mở, ông lại từ bỏ để làm kinh tế tư nhân?”.

Ông trầm ngâm hồi lâu rồi kể: Sau chiến thắng 30/4/1975, tôi được giao nhiệm vụ là Phó ban Kiến thiết cầu, đường bộ Việt Nam. Lúc ấy, tôi đã được sử dụng xe riêng, có lái xe riêng. Tôi phụ trách 31 nhà thầu công trình lớn và chịu trách nhiệm xây dựng, sửa chữa toàn bộ hệ thống cầu đường từ Cam Ranh vào đến miền Tây Nam Bộ. Ngày ấy số lượng cầu bị tàn phá, hư hỏng có tới hàng trăm.

Cái thì bị ta phá để chặn đường rút của địch, cái thì bị địch phá để ngăn đường tiến của ta... Trên Quốc lộ I, từ Cam Ranh vào đến Sài Gòn có 14 cầu bị hư hỏng nặng và nhà thầu Mai Hà trúng thầu sửa chữa hoặc xây dựng lại.

Điều làm tôi ngạc nhiên là họ làm rất nhanh, rất kỹ thuật mà chẳng phải có... phong trào thi đua gì cả! Sửa chữa và xây dựng 14 cây cầu lớn nhỏ họ làm chỉ có một năm. Trong khi đó, có một công ty Nhà nước, làm cây cầu dài chưa đến 30 mét mà mất... 2 năm.

Và từ thực tế trong những lần đi cùng nhà thầu Mai Hà kiểm tra công trình, tôi đã có dịp so sánh cách làm của họ với cách làm của các công ty Nhà nước. Tôi thấy rõ cách làm việc trì trệ, bảo thủ, dựa dẫm của các công ty Nhà nước.

Có một chuyện này khiến tôi nhớ mãi. Đó là lần đi cùng với ông chủ nhà thầu Mai Hà đến kiểm tra việc xây dựng một cây cầu ở Ninh Thuận. Tới nơi, thấy công nhân đang nghỉ việc, hỏi ra mới biết là chiếc máy ủi duy nhất của công trường bị hỏng.

Sân golf Long Thành.

Máy ủi hỏng, không mở được đường, thế là xe tải chở vật liệu, đất đá phải nằm ngoài chờ... cả công trình phải ngừng hoạt động, phương án khắc phục được đưa ra là: Gọi xe chuyên dụng từ Sài Gòn ra, chở chiếc xe ủi này về, sửa chữa xong lại chở ra... Tính thời gian đi về và sửa chữa, nhanh ra cũng mất 5 ngày. Và tất nhiên, cả công trường phải nghỉ cho đến khi máy ủi sửa xong...

Trong khi mọi người chưa biết quyết định ra sao thì ông chủ thầu Mai Hà rút tiền ra đưa cho một người thợ đi mua can rượu đế, kèm theo vài con gà luộc. Rồi ông cho mời mấy người lái máy và thợ sửa chữa đó ở lại.

Sau một hồi “nâng lên đặt xuống” và “dô... trăm phần trăm”, ông chủ Mai Hà lại đưa cho mỗi người 50 đồng và bảo: “Các anh làm thế nào, từ nay đến sáng mai phải chữa xong máy ủi. Cần chi bao nhiêu, cứ chi. Không được tiếc tiền(?!)”. Việc làm đó của ông chủ Mai Hà khiến tôi ngạc nhiên hết mức. Suốt đêm hôm đó, mấy người thợ trần lưng ra sửa chữa.

Và sáng hôm sau, từ tờ mờ sáng, chiếc máy ủi đã nổ ròn rã. Ông chủ Mai Hà nói với tôi: “Anh thấy chưa, nếu không thưởng và động viên họ, thì sẽ tốn gấp nhiều lần, rất nhiều lần”.

Sau cái lần đó, tôi cứ bị ám ảnh bởi cách làm, cách xử lý của ông chủ Mai Hà. Nhưng tôi cũng thấy rõ một điều là chắc chắn chả có vị giám đốc doanh nghiệp Nhà nước nào dám rút tiền đưa cho thợ kiểu ấy và làm gì có cơ chế “thưởng phạt” như ông chủ Mai Hà.

Và nếu không tốn tiền như vậy, thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều. Càng ngày, khi càng phải tiếp xúc, chứng kiến sự cứng nhắc, bảo thủ trong quản lý kinh tế của một số doanh nghiệp Nhà nước, thì ý định phải tự mình làm chủ càng lớn dần...”.

Ông Lê Văn Kiểm quê ở Huế, khi ông lên 4 tuổi thì cha ông hy sinh và đến năm 1954, ông được đưa ra miền Bắc học tại các trường học sinh miền Nam. Tốt nghiệp Đại học Thủy lợi năm 1969 và về nhận việc tại Ty Thủy lợi tỉnh Hải Dương.

Năm 1971, ông làm đơn tình nguyện nhập ngũ nhưng không được chấp nhận vì ông là con liệt sĩ, mà lại là con một. Một lá đơn, rồi hai lá đơn... ông gửi đi vẫn không được chấp nhận, cuối cùng ông chích ngón tay lấy máu viết đơn và thế là nguyện vọng của ông được chiếu cố.

Trước khi đi, ông đã tổ chức đám cưới với chị Trần Cẩm Nhung, cũng là một học sinh miền Nam và đã tốt nghiệp Đại học về chuyên ngành Hóa. Bà Nhung sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Thân phụ của bà từng tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ.

Bây giờ, ở trong phòng làm việc của ông còn một bức ảnh đen trắng chụp ông bà trong ngày cưới. Ông chỉ tấm ảnh và nói với tôi: “Hôm ấy, sau khi lễ cưới xong, chúng tôi chỉ còn đủ tiền chụp... một pô ảnh, tại hiệu ảnh quốc tế ở Bờ Hồ”.

Cưới nhau được nửa tháng thì ông Kiểm lên đường nhập ngũ. Người vợ trẻ đi tiễn chồng đã kín đáo gạt nước mắt, gượng cười động viên chồng “yên tâm vững bước mà đi”. Đấy là lần đầu tiên ông được chứng kiến nước mắt của vợ và sau này đã nhiều lần lau nước mắt cho bà, nhưng lại là những giọt nước mắt trên thương trường.

Sau 3 tháng huấn luyện, ông hành quân vào chiến trường B2. Nhưng chí trai mong được xông pha nơi trận mạc của ông lại không được thỏa mãn bởi cấp trên điều ông về Ban Giao thông công chính của Trung ương Cục miền Nam. Và khi quân ta giải phóng Sài Gòn, ông trong đoàn quân vào tiếp quản Bộ Giao thông công chính ngụy quyền Sài Gòn.

Vào cuối thập niên 70 thế kỷ trước, nền kinh tế nước ta bắt đầu xuống dốc không phanh. Thấy cuộc sống khó khăn quá, ông Kiểm quyết định làm kinh tế tư nhân "chui" - nghĩa là hằng ngày ông vẫn đi làm ở Ban Kiến thiết cầu, đường bộ miền Nam, nhưng tối về, hai vợ chồng lao vào làm... thức ăn gia súc.

Khi ông nói với vợ là phải kiếm việc gì đó để làm thì bà Nhung nhìn chồng bằng ánh mắt ngạc nhiên hết mức, rồi bà hỏi: “Vốn ở đâu?”. Ông Kiểm nhìn vào chiếc xe Honda cũ duy nhất của gia đình... Thực lòng lúc đó, bà Nhung cũng không muốn  chồng thay đổi công việc. Bởi vì dù sao, đang là người “nhà nước” dù gì thì tháng cũng được hơn chục cân gạo và hơn cân thịt...

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bà thấy phải kiếm việc làm thêm, đó là lối thoát duy nhất cho gia đình. Thế là với số vốn ban đầu chưa đến một cây vàng từ tiền bán xe, ông Kiểm bắt tay mở “xưởng chế biến thức ăn gia súc”.

Sở dĩ ông chọn “ngành nghề” này là vì hồi ấy, việc cán bộ, công nhân viên chức đua nhau chăn nuôi lợn để cải thiện đời sống đang là phong trào. Và nếu nuôi được con lợn độ cỡ dăm bảy chục cân là coi như đã có một món tiền khá lắm. Con lợn đã trở thành cứu cánh của nhiều gia đình công chức. Chả thế mà ngày ấy,  người ta nuôi lợn và cho lợn ở chung với người... Rồi lại có câu: “Người ốm không lo bằng... lợn ốm!”.

Nhưng nuôi lợn cũng vất vả lắm. Phải chạy vạy đi xin nước gạo, xin từng cọng rau, tiết kiệm từng hạt cơm rơi... Từ thực tế đó, ông Kiểm thấy nếu chế biến được thức ăn gia súc thì việc chăn nuôi lợn, gà sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Quả nhiên, loại thức ăn gia súc do ông Kiểm chế biến đã nhanh chóng trở thành một mặt hàng được ưa chuộng của bà con dân phố. Thức ăn dù chả có nhãn mác gì nhưng  làm ra bao nhiêu cũng bán hết. Và thế là gia đình ông đã có của ăn, của để.

Còn tiếp

N.N.P.
.
.
.