Chuyện một người góp phần làm đổi mới kinh tế (kỳ 2)

Thứ Hai, 26/05/2008, 19:55
Các cụ xưa có câu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” thật không sai. Vào thời điểm năm 1986 mà trong tay ông đã có tiền tỉ, nhiều tỉ nữa đằng khác thì còn biết... sợ gì. Với ý chí đi lên “làm ăn lớn”, ông quyết định đầu tư vào công nghiệp may mặc và xây dựng. Công ty Cổ phần May & Xây dựng Huy Hoàng ra đời ngay khi Đảng, Chính phủ bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước.

Những Ngày huy hoàng của công ty Huy Hoàng

Trở lại chuyện cũ, việc sản xuất thức ăn gia súc của ông Kiểm đã thu được kết quả đến không ngờ. Hàng làm ra không đủ bán, cho nên nhiều người đã đến đặt tiền trước. Còn những người cung cấp nguyên liệu như ngô, cám, bột cá, họ sẵn sàng giao trước cho ông hàng chục tấn mà không hề băn khoăn.

Không phụ lòng tin của mọi người, cơ sở sản xuất của ông luôn coi chất lượng sản phẩm là hàng đầu và cũng sẵn sàng cho người nghèo vay trước nguyên liệu. Được 2 năm thì các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc khác cũng lần lượt mọc lên và cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Không hiếm cơ sở đã mua thức ăn gia súc của ông về, trộn thêm các phụ gia giá rẻ rồi đem bán.

Nhưng làm nghề khác là nghề gì bây giờ thì ông nghĩ mãi mà chưa ra. Vào một ngày chủ nhật, ông đưa vợ con đi ra Đồng Nai chơi. Đến một cánh rừng cao su rất đẹp, ông nổi hứng và dừng lại đó rồi... mắc võng nằm nghỉ. Có một người gánh khoai lang đi qua, bà Nhung mua luôn mấy ký. Thấy có khoai, ông Kiểm nảy ra ý muốn ăn khoai nướng.

Thế là cả nhà đi vun lá khô, nhặt củi đốt đống lửa giữa rừng cao su. Đống lửa đang cháy bình thường bỗng từ trong có những tia lửa bắn ra thành tia. Ông Kiểm ngạc nhiên nhìn những tia lửa lạ lùng ấy và không hiểu sao lại có hiện tượng như vậy. Ông bới ra xem và phát hiện những tia lửa đó là từ hạt cao su.

Tự dưng trong đầu ông lóe lên một suy nghĩ: Hạt cao su đã cháy và bắn ra tia lửa thì chắc phải... có dầu. Nhưng từ hồi nào tới giờ, chỉ thấy có dầu lạc, dầu đậu tương, dầu vừng, dầu hướng dương... chứ có ai nói đến dầu hạt cao su? Ông nêu thắc mắc ấy với vợ và thế là họ quyết định đi nhặt hạt cao su rơi khắp rừng... chỉ chốc lát, ông bà và các con nhặt được hai bao tải.

Về Sài Gòn, bà Nhung đem ép lấy dầu và cùng một số bạn bè  là kỹ sư hóa mày mò làm thí nghiệm xem cái thứ dầu này làm được vào việc gì. Đem nấu ăn thì không được rồi, cô đặc tra vào máy móc để bôi trơn cũng không được... sau nhiều lần pha chế, thử nghiệm, cuối cùng họ thấy dầu của hạt cây cao su đun pha chế sơn quét tường là tốt nhất. Thứ sơn này có độ dẻo, không bị rạn nứt khi phơi nắng, phơi mưa. Việc lấy dầu từ hạt cao su để pha sơn đã là một thành công bất ngờ thì việc sử dụng bã sau khi ép dầu lại còn bất ngờ hơn nữa - đó là một thứ phân bón rất tốt.

Vậy là với những cỗ máy chế biến thức ăn gia súc, ông bà cải tiến thành máy ép dầu hạt cao su. Nguồn nguyên liệu thì sẵn và rất rẻ vì đó là thứ bấy lâu nay toàn vứt đi. Chi phí cho ép dầu cũng không tốn mấy, bã hạt cao su đem bán làm phân bón đủ chi cho toàn bộ “đầu mò”, còn dầu thu được coi như lãi.

Cơ sở ép hạt cao su lấy dầu của ông phát triển nhanh chóng và sản phẩm của ông không đủ cung cấp cho thị trường. Ông phải tổ chức đi mua hạt cao su không chỉ ở các tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Lắk, Lâm Đồng mà còn phải sang tận Campuchia. Không thể tính hết được là có bao nhiêu ngàn người đã có thu nhập kha khá nhờ đi nhặt hạt cao su bán cho ông.

Nhưng ở đời chả có cái gì “ăn được một mình” mãi. Các cơ sở ép hạt cao su cũng bắt đầu mọc lên và cuộc tranh mua, tranh bán, giành giật quyền mua gom hạt của từng lô cao su diễn ra ngày một khốc liệt. Đã có những lái xe chở hạt cao su cho ông bị hành hung, rồi lại có những chủ vườn cao su bị đe dọa nếu “còn bán hạt cho Huy Hoàng”...

Trong làm ăn, ông quyết đoán và táo bạo bao nhiêu thì trong cạnh tranh - mà lại là thứ cạnh tranh bằng các thủ đoạn hạ đẳng - ông lại “nhát” bấy nhiêu. Thấy quá phức tạp nên dù đang ăn nên làm ra, ông lại chuyển nghề sang sản xuất bột màu dùng cho sản xuất gạch lát nền nhà và ốp tường. Điều khác biệt của loại bột màu này là không bị phai màu theo thời gian và sự mài mòn do đi lại hay do mưa nắng. Sản xuất bột màu được khoảng hai năm thì ông lại “chán” bởi lẽ sản phẩm bột màu “Huy Hoàng” của ông bị làm nhái nhiều quá, và thế là ông lại... chuyển nghề.

Các cụ xưa có câu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” thật không sai. Vào thời điểm năm 1986 mà trong tay ông đã có tiền tỉ, nhiều tỉ nữa đằng khác thì còn biết... sợ gì. Với ý chí đi lên “làm ăn lớn”, ông quyết định đầu tư vào công nghiệp may mặc và xây dựng. Công ty Cổ phần May & Xây dựng Huy Hoàng ra đời ngay khi Đảng, Chính phủ bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước.

Trước khi chọn thiết bị để xây dựng xưởng, ông “lọ mọ” đi hết các nhà máy, xí nghiệp may mặc lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ như May 10, X28, Hữu Nghị, Đồng Nai... Rồi ông lại đi Indonesia, Trung Quốc, đi Thái Lan, đi Pháp, Italia... để xem công nghệ dệt may của họ. Và ông nhận thấy thiết bị may của các đơn vị trong nước còn quá lạc hậu so với các nước Tây Âu. Vậy là ông quyết tâm đầu tư một nhà máy may với thiết bị hiện đại nhất nhập từ Nhật Bản, Italia...

Công ty May Huy Hoàng đã trở thành nơi có thiết bị tiên tiến nhất Việt Nam và dĩ nhiên, sản phẩm làm ra cũng có chất lượng cao nhất, cho nên được khách hàng châu Âu ưa chuộng. Không chỉ nhận may gia công mà ông còn nhập nguyên, phụ liệu về sản xuất rồi bán FOB. Cách làm này đòi hỏi vốn lớn và nắm bắt thị trường tốt.

Suốt từ năm 1987 đến 1996, hàng may mặc nhãn hiệu Huy Hoàng nổi tiếng ở châu Âu và được Chính phủ chọn làm hàng trả nợ cho một số nước XHCN trong khối Đông Âu vừa bị sụp đổ... Đơn đặt hàng với Huy Hoàng nhiều đến nỗi ông phải thuê một số đơn vị khác trong ngành may làm “vệ tinh” cho mình.

Bên cạnh việc tập trung vốn liếng xây dựng xưởng may hiện đại với hơn 2.000 công nhân, ông Kiểm còn mở rộng sang xây dựng nhà cửa, và chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã có trong tay hàng chục dự án. Trong đó có những dự án mà vốn đầu tư lên tới gần 30 triệu USD... Vào ngày ấy, với dự án có số vốn như vậy, kể ra cũng là khổng lồ.

Năm 1995, tên tuổi Công ty Huy Hoàng lại sáng chói với việc thi công cải tạo nút giao thông Hàng Xanh. Với người dân Sài Gòn, nạn ách tắc giao thông ở ngã tư Hàng Xanh là một nỗi cực hình cho ai phải đi qua đó.

Chuẩn bị cho kỷ niệm 20 năm giải phóng Sài Gòn, UBND Thành phố quyết định cải tạo toàn bộ khu vực ngã tư Hàng Xanh. Thiết kế đã được duyệt, nhưng tiền thì thiếu. Và thế là lần đầu, một phương thức xây dựng mới được đưa ra làm thí điểm, đó là nhà đầu tư bỏ vốn ra xây dựng, sau khi hoàn thành, chuyển giao thì Nhà nước thanh toán.

Nút giao thông ngã tư Hàng xanh do công ty Huy Hoàng xây dựng.

Cách làm này đòi hỏi nhà đầu tư phải có vốn lớn, có kinh nghiệm xây dựng và đầy đủ trang thiết bị cần thiết. Nếu chọn được nhà đầu tư mạnh, trường vốn thì chắc chắn tốc độ thi công nhanh, chất lượng đảm bảo. Nhưng sau khi công trình hoàn thành, nếu bên A không thanh toán đúng theo hợp đồng,  thì nhà đầu tư... “chết” vì phải lo trả nợ.

Với số tiền đầu tư cho việc cải tạo nút giao thông Hàng Xanh là trên 20 tỉ, ông Kiểm gần như dốc toàn lực vào làm. Trong khu vực phải giải tỏa, có hàng trăm gia đình. Nếu cứ đền bù theo giá quy định thì không biết đến khi nào mới xong; mà trong lúc này, thời gian chính là tiền bạc. Vì vậy, ông Kiểm đã phải đến từng gia đình vận động và tìm cách “xé rào”, nâng mức tiền đền bù cho họ.

Khi bắt đầu thi công, hầu như ngày nào ông Kiểm và bà Nhung cũng có mặt trên công trường. Những người công nhân làm ở đây quá quen với hình ảnh bà Nhung mang nước uống hay đồ ăn đến cho công nhân lái máy ủi, máy gạt. Ông Kiểm thì còn có ngày không tới, nhưng bà Nhung có khi ngủ lại ngay ở công trường bên cạnh các nữ công nhân trong những căn nhà tạm nóng hầm hập.

Cách cư xử với công nhân như những người thân trong gia đình của ông bà đã khiến mọi người rất xúc động, và tự họ cảm thấy cần phải lao động có trách nhiệm hơn. Trong quá trình thi công, có một sự cố nghiêm trọng xảy ra, đó là việc vỡ đường ống dẫn nước.

Đây là đường ống lớn, tải mỗi giờ gần 2.000m3 nước cho gần như toàn bộ thành phố... Nguyên nhân gây ra sự cố là do công ty cấp nước thành phố đưa ra sơ đồ mạng đường ống cho bên thi công không đầy đủ. Một chiếc máy xúc đã làm vỡ đường ống, nước phun lên làm ngập toàn bộ ngã tư Hàng Xanh. Nếu không kịp thời sửa chữa thì thành phố sẽ mất nước và các bệnh viện, nhà trẻ là nơi phải gánh chịu hậu quả đầu tiên.

Tin vỡ đường ống nước gây chấn động thành phố. Đích thân đồng chí Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy và đồng chí Nguyễn Kế Nghiệp, Chủ tịch UBND đã đến hiện trường. Trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” ấy, ông Kiểm vẫn bình tĩnh chỉ đạo các kỹ sư để tìm ra phương án xử lý, còn bà Nhung thì đóng vai trò “chính ủy”.

Bà lo nấu cháo gà cho công nhân ăn, mang từng lon nước ngọt, từng gói thuốc lá chia cho thợ. Để có bêtông tươi bịt lại toàn bộ đường ống bị vỡ, ông Kiểm phải thuê một trạm trực bêtông gần đó làm cả đêm. Và thế là kể từ lúc bắt tay vào xử lý, cho đến lúc xong chỉ chưa đầy 2 giờ. Việc cung cấp nước của thành phố không bị ngắt quãng. Sau 9 tháng trời thi công, nút giao thông Hàng Xanh đã được khánh thành đúng thời hạn.

Để chuẩn bị trang trí cho bùng binh giữa ngã tư có đường kính 60m, ông Kiểm cho mua về cả ngàn chậu hoa các loại và đem về sân Công ty May Huy Hoàng. Ông cho vẽ một vòng tròn cũng có đường kính tương tự và để cho công nhân “thực tập” cách xếp hoa... Đêm trước hôm khánh thành, hàng chục công nhân vận chuyển hoa ra ngã tư sắp xếp theo đúng “mẫu”... Sáng hôm sau, vào ngày 20/4/1995, người dân đi qua ngã tư Hàng Xanh sững sờ trước một bùng binh rực rỡ hoa tươi...

Trong lễ khánh thành, ông Đặng Văn Thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã đánh giá rất cao trình độ tổ chức thi công của Công ty Huy Hoàng và cho biết nếu so với  mặt bằng giá quốc tế thì chi phí cho Công ty Huy Hoàng chỉ bằng một phần ba. Sau khi được thành phố thanh toán, trừ các loại chi phí đi, ông Kiểm thấy còn lãi được hơn trăm triệu. Thế là ông đem đóng góp vào việc xây dựng đền thờ các anh hùng liệt sĩ ở Bến Dược - Củ Chi.

Bây giờ thì tên tuổi doanh nhân Lê Văn Kiểm đã được rất nhiều người, trong đó có cả các bạn Cuba, Lào biết đến bởi những đóng góp của vợ chồng và  các con ông vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ bà con các vùng bị thiên tai, bệnh dịch... Nhưng cũng không mấy người biết rằng, ông bà đã tham gia vào việc làm từ thiện này khi mới khởi nghiệp làm kinh tế tư nhân. Chỉ có điều là ông ít nói về mình.

Ông đóng góp vào các quỹ từ thiện một cách lặng lẽ và hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng của mình. Ông luôn tự nhủ rằng, mình còn được đến ngày nay là nhờ biết bao đồng chí, đồng đội  đã ngã xuống... Cho nên phải biết trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. 

Với ông, kiếm ra tiền là việc đơn giản phải làm, còn việc phải dùng đồng tiền như thế nào thì mới là quan trọng. Vì vậy, ông luôn sẵn sàng giúp đỡ các tổ chức xã hội từ thiện, các hoạt động có tính chất nhân đạo. Theo con số thống kê chưa đầy đủ thì  từ năm 1996 cho đến hết quý I năm 2008, số tiền ông bà và các con đóng góp cho xã hội là trên 110 tỉ đồng... Ngoài ra, ông còn vận động các doanh nghiệp được gần 100 tỉ đưa vào các quỹ xã hội từ thiện.

 Vào các năm từ 1990 đến 1997, tên tuổi Công ty Huy Hoàng lừng lẫy khắp cả nước và ông trở thành doanh nhân thành đạt nhất ở TP HCM.

Nhưng ở đời mấy ai học được chữ ngờ...?

Còn tiếp

N.P.P.
.
.
.