Chuyện một người, chuyện bóng đá ở Việt Nam

Thứ Tư, 01/06/2011, 12:02
3 năm về trước, khi Lee Nguyễn đồng ý về đầu quân cho HA.GL thì cả làng bóng nháo nhào với sự xuất hiện của một cầu thủ còn có tầm ảnh hưởng lớn hơn và mạnh hơn cả Kiatisak trước đây. 3 năm về trước, khi đặt chân lên phố Núi Pleiku, Lee Nguyễn mang theo thật nhiều hoài bão với một CLB và một nền bóng đá mà anh tin chắc là một cầu thủ đẳng cấp như mình rồi sẽ thành công.

Vậy mà bây giờ, Lee đã đi khỏi nền bóng đá này - âm thầm, lặng lẽ, khác hẳn so với khi mình đến.

Phần 1 của vở kịch: Không thành công

Bây giờ, nhớ lại quãng thời gian Lee đặt chân tới Việt Nam, phải thừa nhận rằng anh đã được đón tiếp không thể nồng hậu hơn. Bầu Đức tổ chức hẳn một cuộc họp báo hoành tránh ở trung tâm TP HCM để giới thiệu Lee và khẳng định là có Lee, Hoàng Anh rồi sẽ có ngôi vô địch.

Thế nhưng lại cũng có một chi tiết dự báo những cái khó của Lee trong chính buổi họp báo ấy, đó là lúc mà các đồng đội lần lượt tới bắt tay anh. Lúc đó ai cũng cười rất tươi, riêng có Thonglao - con át chủ của HA.GL là mặt lạnh như tiền, và sau một cái bắt tay rất nhanh thì cũng lập tức quay đi không thương tiếc.

Thực tế là những trận đấu đầu tiên trong màu áo Hoàng Anh, Lee đã chơi thứ bóng đá cực kỳ đẳng cấp, và trận đấu nào cũng có bàn. Thế nhưng cùng với thời gian, tầm ảnh hưởng của Lee cứ giảm dần. Một phần do anh dị ứng nghiêm trọng với thứ bóng đá "chém đinh chặt sắt" vốn trở thành đặc sản của V.League, một phần vì những cầu thủ Thái Lan trong đội hình Hoàng Anh, mà dẫn đầu là Thonglao dường như không có chung tiếng nói với Lee.

Lee Nguyễn (phải) đã phải về Mỹ chữa chấn thương bàn chân, mà không hẹn ngày trở lại. Ảnh: Quang Minh.

Khi trả lời báo chí, cả Lee lẫn "Lao" đều cực lực phủ nhận thông tin này, thế nhưng thực tế là một năm sau, khi ông thầy Thái Lan Kiatisak nhiếp chính ở Hoàng Anh thì những bất hòa âm ỉ giữa Lee với "quyền lực Thái" đã phát lộ ra ngoài.

Bằng chứng là Kiatisak với sự hậu thuẫn của bầu Đức nhiều lần đã lên tiếng Lee thiếu chuyên nghiệp trong tập luyện và sinh hoạt, trong khi ngược lại, Lee một mực cho rằng mình đã không được tạo điều kiện tốt nhất để chơi bóng. Thế là điều gì phải đến rồi cũng đến: Lee lặng lẽ rời Hoàng Anh, và đến lúc này, phần 1 của vở kịch giữa Lee với bóng đá Việt Nam coi như đã khép lại trong một cái kết bi đát hơn tất thảy những gì người ta tưởng tượng.

Phần 2 của vở kịch: Tan vỡ

Phần 1 của vở kịch vừa kết thúc thì phần 2 lại đã mở ra khi "ông kẹ" Bình Dương ngay lập tức mua Lee và trả cho Lee một mức lương khủng trên dưới 10.000 USD/tháng. Thật ra ngay từ lúc Bình Dương mới chỉ "ướm lời" cũng đã có người phân tích cho Lee rằng về Bình Dương cũng có nghĩa là anh phải cạnh tranh với "con hổ Leandro" - cầu thủ ngoại xuất sắc nhất V.League trong 3 mùa giải gần đây, và cũng có nghĩa là phải chấp nhận sống trong một đội bóng phức tạp, khôn lường nhất V.League.

Được phân tích rõ ràng là thế, nhưng xét đi cũng phải xét lại: Chỉ có Bình Dương với cái hầu bao rủng rỉnh cùng độ chịu chơi của một "ông lớn" mới có thể chấp nhận cái khoản lương kỷ lục mà Lee mong muốn. Vậy nên cuối cùng Lee vẫn cứ về Bình Dương với một lý lẽ như thể động viên chính mình: "Tôi tin là cứ sống và đá bóng chuyên nghiệp là sẽ được đối xử một cách chuyên nghiệp".

Thực tế là trong màu áo Bình Dương, ở lượt đi V.League 2011, Lee cũng đã để lại một vài khoảnh khắc tỏa sáng- điển hình là khoảnh khắc anh sút phạt 40m tung nóc lưới Thanh Hóa - một trong những bàn thắng xứng đáng được coi là tuyệt phẩm V.League trong lịch sử tồn tại của giải đấu này. Nhưng bên cạnh những khoảnh khắc lóe sáng hiếm hoi ấy lại là hình ảnh một Lee Nguyễn chết chìm cả trên sân lẫn những mối quan hệ ngoài sân.

Đơn cử như mối quan hệ giữa Lee với "át chủ" Leandro - cái mối quan hệ mà cả hai đều không ngừng nói là "rất tốt", và thậm chí đã chủ động thể hiện cái "tốt" ấy trước đông đảo mọi người bằng cách cứ thế bắt tay, ôm hôn nhau khi một trong hai người ghi bàn thắng.

Nhưng phía sau những điều "ai cũng nhìn thấy và nhìn rõ" là một sự thật như thế nào thì thật khó mà kiểm chứng. Đấy là còn chưa nói tới việc cả Lee Nguyễn lẫn Leandro có được phần còn lại của đội bóng hỗ trợ một cách tốt nhất hay không cũng là dấu hỏi rất khó trả lời.

Chỉ biết là trên thực tế, cả hai đều đã thất bại, và với riêng  Lee Nguyễn, sự thất bại thê thảm tới mức Bình Dương đã đăng ký Lee vào danh sách những cầu thủ nội với hy vọng là anh kịp thời nhập quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp quá trình nhập quốc tịch diễn ra không như ý thì Bình Dương sẵn sàng ưu tiên suất ngoại binh cho cầu thủ khác, và sẵn sàng để Lee sắm vai khán giả.

Giữa lúc những bùng nhùng về chuyện nhập quốc tịch xảy ra thì Lee lại dính chấn thương bàn chân khá nghiêm trọng. Thế là mới đây Lee đã bay về Mỹ, đã rời V.League. Nhưng ngay cả khi cái luận điểm Lee về Mỹ là để chữa chấn thương, chứ không phải về vì bị "ghẻ lạnh" được những người ủng hộ Lee thi nhau xác tín thì cũng không thể không thừa nhận rằng: Tính đến thời điểm này, 3 năm ở Việt Nam với Lee là 3 năm thất bại.

Chuyện bóng đá ở Việt Nam

Một cầu thủ đã từng khoác áo ĐT trẻ của Mỹ, đã từng có mặt trong đội hình của CLB PSV Endhoven của Hà Lan, một cầu thủ đã trở thành niềm mơ ước cháy bỏng của Bóng đá Việt Nam và từng được kỳ vọng vô bờ bến khi đặt chân đến Việt Nam, rốt cuộc đã thất bại ở Việt Nam một cách ê chề như vậy đấy. Thương cho bản thân Lee với những mộng đẹp không thành và không thể không suy nghĩ về bóng đá ở nước ta dường như chỉ có thể thích hợp với những cầu thủ vừa tài vừa "quái".

Và như thế, nếu chúng ta coi vở kịch của Lee Nguyễn và Bóng đá Việt Nam là một vở kịch thất bại của bản thân nhân vật chính, thì dường như phía sau nó lại là một sự thất bại đáng nói hơn: Sự thất bại trong xây dựng và phát triển của bóng đá Việt Nam để tạo điều kiện và chắp cánh cho sự thăng hoa của một cầu thủ - một ngôi sao mà đã có lúc từng là niềm mơ ước xa xỉ của chính mình!

Phan Đăng
.
.
.