Chuyện lạ về những pho tượng cổ tại làng tạc tượng Bảo Hà

Chủ Nhật, 14/10/2012, 12:44
Pho tượng Đức Linh Lang Đại Vương được các nghệ nhân tài hoa làng Bảo Hà (Hải Phòng) tạc trong tư thế ngồi trên ngai, tay cầm văn tự có thể chuyển động, đứng lên nhẹ nhàng, khoan thai, rồi lại từ từ ngồi xuống. Đây là tác phẩm điêu khắc “độc nhất vô nhị” trong nghệ thuật tạc tượng tại Việt Nam.

Xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng là địa danh nổi tiếng về nghề tạc tượng và rối nước. Hơn 700 năm trước, các nghệ nhân tài hoa của làng Bảo Hà thuộc xã Đồng Minh đã tạc nên pho tượng Đức Linh Lang Đại Vương trong tư thế ngồi trên ngai, tay cầm văn tự có thể chuyển động, đứng lên nhẹ nhàng, khoan thai, rồi lại từ từ ngồi xuống. Đây là tác phẩm điêu khắc “độc nhất vô nhị” trong nghệ thuật tạc tượng tại Việt Nam.

Theo thần phả, Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông sinh ngày 13 tháng Chạp, năm Giáp Thìn (1064), được đặt tên là Hoằng Chân, mẹ là cung phi thứ 9, quê ở Bồng Lai, Đan Phượng, trấn Sơn Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Linh Lang được sinh ra tại làng ở Trị Chợ, Thủ Lệ (quận Ba Đình ngày nay). Khi giặc Tống xâm lược nước ta, hoàng tử đã cầm quân chống giặc. Trong một lần hành quân, ngài đã tới trang Linh Động (làng Bảo Hà ngày nay) dựng đồn binh, luyện tập binh sĩ, tuyển mộ quân. Khi ngài mất, dân làng xây miếu thờ ngay trên nền đồn binh xưa. Các triều đại sau như Cảnh Thịnh (1796), Tự Đức, Duy Tân và Khải Định đều phong sắc cho ngài là thượng đẳng thần, còn dân làng tôn ngài là thành hoàng và tạc tượng thờ.

Bức tượng Linh Lang Đại Vương trong tư thế chuyển động “đứng dậy”.

Theo cụ Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý di tích miếu Bảo Hà, Linh Lang Đại Vương là một bức tượng độc đáo, hiếm có trong kho tàng tượng cổ tại Việt Nam do kết hợp tài tình giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối. Tượng Đức Linh Lang cao bằng người thực, nét mặt rất khôi ngô, đầu đội vương miện, mình mang quần lụa, áo đào và thần thái khoan thai, đĩnh đạc. Bí mật về sự chuyển động nằm ở cánh cửa bên tay trái của điện thờ, khi mở dần cánh cửa thì bức tượng dần đứng lên nhưng khi khép lại thì bức tượng lại trở về tư thế ngồi ban đầu. Nghệ nhân xưa đã sử dụng cách chuyển động trong nghệ thuật múa rối để “thổi hồn” vào bức tượng - một sự kết tinh sáng tạo đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng thế kỷ XIII. Bức tượng được dân làng giữ gìn như một báu vật.

Di tích miếu Bảo Hà còn có nhiều di vật tiêu biểu cho từng thời kỳ lịch sử của dân tộc. Hệ thống tượng được bố trí như một triều đình thu nhỏ gồm: vua, quan tứ trụ, cung nữ và gia nô phục dịch và thứ tự sắp xếp tuân thủ những quy tắc của cung đình xưa. Mỗi tác phẩm điêu khắc đều mang một sắc thái riêng, gần gũi với cuộc sống. 4 tùy nữ chúm chím môi trái đào, tóc đen buông dài, vạt áo cài lệch. Hình ảnh của 4 pho tượng này cho thấy, người nghệ sỹ dân gian đã phải nghiên cứu từ những mẫu thực của cuộc đời, có cá tính và đặc điểm tâm lý, với những biểu hiện chân thực.

Chủ tịch UBND xã Đồng Minh - ông Bùi Văn Nhâm cho biết: Một trong bốn pho tượng tùy nữ đã bị kẻ gian lấy trộm khiến cả làng rất buồn. Những nghệ nhân trong làng đã mất rất nhiều thời gian và tâm sức để đúc lại một pho tượng thay thế. Tuy không đạt đến trình độ tuyệt đỉnh như 3 pho tượng còn lại nhưng đây là một nỗ lực của địa phương để lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu cho đời sau. hững năm trở lại đây, làng nghề tạc tượng Bảo Hà đã trở thành một trong những điểm đến của chương trình du khảo đồng quê tại TP Hải Phòng. Không chỉ đón du khách trong nước, chính quyền địa phương còn có cơ hội giới thiệu và truyền bá vẻ đẹp của làng nghề truyền thống tới du khách nước ngoài

Đăng Hùng
.
.
.