Chuyện con trẻ

Thứ Sáu, 11/05/2007, 15:27
Giải thích ra sao cho các em hiểu và định vị được "Tài chính dầu khí Sông Lam Nghệ An", hay "Đạm Phú Mỹ Nam Định" của mùa này và "Pjico Sông Lam Nghệ An" hay Gạch men Mikado Nam Định của những mùa trước về bản chất vẫn chỉ là đội bóng xứ Nghệ, thành Nam?

Bóng đá Việt có những câu hỏi ngỡ như đơn giản, nhưng lại thật khó trả lời dưới góc nhìn tinh khôi của con trẻ…

Hôm rồi, chị bạn làm ở một nhà xuất bản dành cho trẻ em nhờ biên soạn giúp một phần tư liệu các CLB bóng đá Việt Nam cho cuốn sách dạng "phổ biến kiến thức" em thơ.

Lại còn hào hứng căn dặn: "Chị nghĩ phần bóng đá Việt phải cho lên đầu để cổ vũ bóng đá nước mình". Nghe cứ như là khẩu hiệu: "Dân ta phải biết sử ta!".

Nhìn thoáng qua bản đề cương thấy yêu cầu của cuốn sách cũng thật giản đơn: Tên câu lạc bộ, người sáng lập, trang phục truyền thống, thành tích thi đấu… ấy vậy mà bắt tay vào làm thì quả là khó nhằn.

Khó không phải bởi ảo tưởng hay vĩ cuồng là đã viết sách thì phải là nhà văn nên phức tạp hoá vấn đề đơn giản cho xứng tầm… nhà văn. Cái khó nằm ở chỗ viết cho trẻ em nên phải tự trẻ hóa mình thành ngoan đồng để trả lời những câu hỏi dưới góc nhìn của các em.

Thử hỏi với biết bao nhiêu điều cần phải nhớ trong những bài giảng của thầy cô ở trường, liệu bạn đọc nhí có tích nạp thêm được những cái tên CLB bóng đá vốn dài lượt thượt của làng bóng mình như "Tài chính dầu khí Sông Lam Nghệ An" hay "Đạm Phú Mỹ Nam Định", "Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn" hay chăng?

Không phải với trí óc non nớt của các em, mà ngay cả những người làm biên tập hay maket báo, thì những cái tên đó đều ít nhiều tạo nên thách thức cho họ trong việc tác nghiệp. Gì chứ cứ căn theo bài học vỡ lòng của “nghề makét” là "lật nhanh, đọc lướt, gập lại, nhớ được những gì?", thì tất cả đều chào thua trước danh xưng của các CLB bóng đá Việt.

Chưa kể, chỉ cần nhìn vào V.League, chứ không tính tới các giải hạng Nhất, hạng Nhì, người ta có thể hình dung những chiếc miệng bé thơ xinh xinh phải uốn dẻo hết cỡ để có thể đọc được lổn nhổn những cái tên CLB "nửa Tây, nửa ta" như Becamex Bình Dương, Halida Thanh Hóa, Huda Huế, Pisico Bình Định, Khatoco Khánh Hòa…

Càng khó hơn khi những cái tên CLB đó lại không cố định mà luôn thay đổi hằng nằm theo những nhà tài trợ mới. Vậy nên giải thích ra sao cho các em hiểu và định vị được "Tài chính dầu khí Sông Lam Nghệ An", hay "Đạm Phú Mỹ Nam Định" của mùa này và "Pjico Sông Lam Nghệ An" hay Gạch men Mikado Nam Định của những mùa trước về bản chất vẫn chỉ là đội bóng xứ Nghệ, thành Nam?

Quay sang nhìn đồng nghiệp biên soạn phần bóng đá quốc tế của cuốn sách mà thầm… ghen tỵ. Liverpool của Anh đã rơi vào tay các nhà tỷ phú Mỹ, nhưng cái tên đội bóng cũng chẳng vì thế mà thêm hay bớt. Arsenal từ thuở khai sinh đến nay qua dặm dài năm tháng vẫn là Arsenal không đổi thay.

Thôi thì đành phải tự an ủi khi đặt bút rằng, viết thì phải đúng. Biết đâu đấy qua những cái tên CLB bóng đá Việt, các em lại có thêm những ví dụ trực quan để trợ giảng cho những khái niệm về công trường, nông trường, nhà băng hay chí ít là luyện khả năng ngoại ngữ!

Nhưng đâu đã xong, còn nguồn gốc, xuất xứ của các CLB. Để giải thích cho các em hiểu đủ đầy về một CLB của làng bóng đá Việt, không biết có phải lập hẳn một… cây gia phả hay không?

Đơn cử như trường hợp của Hà Nội - ACB, một đội bóng lai tạp từ nhiều nguồn qua những cuộc chuyển giao phiêu hiệu từ Đường sắt Việt Nam, CAHN, Hàng không Việt Nam… Hoặc giả là trường hợp của Vinakansai Ninh Bình hiện tại, nếu không phải là người làng bóng thì khó ai biết rằng, tiền thân của nó là một đội bóng nằm tít ở… Sài Gòn: Công an TP HCM.

Hơn thế, có nên gieo vào tâm hồn như tờ giấy trắng của các em những trang đen tối của bóng đá Việt qua sự khai tử của cái tên Ngân Hàng Đông Á trong cuộc dâu bể của vụ án "hối lộ trọng tài" hay không?

Hoá ra, với một nền bóng đá phức tạp như bóng đá Việt, thì ngay những câu hỏi đơn giản cũng khó trả lời dù chỉ là ở góc độ ban sơ nhất. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là cậy lớn mà khinh khi trí óc con trẻ.

Hôm rồi, ngồi xem chương trình "Cuồng nhiệt bóng đá" của nhà đài, ông cháu học lớp 4 cứ kéo áo ông chú mà thắc mắc: "Sao ở lớp, cô dạy 3 thì lớn hơn 1, nhưng trong bóng đá thì 3 lại nhỏ hơn 1 ạ? Chẳng thế trên tivi, mấy bác nhà báo bảo rằng, trận đội Đà Nẵng và SLNA ân tình giúp đỡ nhau trong hoạn nạn nên bắt tay đá hoà. Đã mất công bắt tay nhau sao không đá thắng, lấy hẳn 3 điểm đi ạ?".

Chẳng biết trả lời cháu sao, đành phải nạt nộ: "Tóc cháu liệu có nhiều sợi bạc hơn các bác trên tivi không mà thắc mắc hoài. Các bác ấy viết bóng đá từ khi cháu còn bú ti mẹ nên các bác ấy bảo ân tình thì có nghĩa là ân tình. Còn không tin thì… kệ! Trẻ con mà đã bày đặt… thực dụng"

Bảo Hân
.
.
.