Chuyện chưa biết về "xã ung thư" Thạch Sơn: Cổ tích làng Sỏi

Chủ Nhật, 07/05/2006, 08:16
Làng Sỏi là tên nôm, tên chữ là Thạch Sơn, trước đây là làng, bây giờ là xã. Từ nhiều tháng nay, xã Thạch Sơn đã trở nên nổi tiếng, nhiều tờ báo nêu tên bởi một hiện tượng kỳ lạ: Bệnh ung thư bùng phát trong làng ngỡ như bệnh dịch.

Người ta gọi xã Thạch Sơn là "xã ung thư", có người gọi theo đơn vị hành chính xưa là "làng ung thư". Người ta giải thích hiện tượng bùng phát ung thư ở Thạch Sơn như một điển hình về ô nhiễm môi trường. Nhưng cũng có một cách giải thích khác nghiêng về dị đoan nhưng không thể không đề cập.

Xã Thạch Sơn thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, ở về mạn Tây Bắc Nhà máy Súppe Phốtphát Lâm Thao chừng hơn 1km. Tuy không kề gần nhà máy hóa chất nhưng làng và nhà máy liền một cánh đồng. Thạch Sơn lại ở vào vùng thấp hơn nên nước thải của Nhà máy (nay là Công ty) đều dồn về đấy.

Thạch Sơn có bốn, năm họ nhưng nhiều nhất là họ Quản và họ Trần. Hầu hết người Thạch Sơn là họ hàng với nhau, không bên nội thì bên ngoại. Chí ít, có hai nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là người của cái "làng ung thư" kia: nhà thơ Trần Nhượng, hiện giữ chức Giám đốc một quỹ của Hội Nhà văn, tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng, trong đó có bài viết thuở chiến tranh là bài "Ánh trăng trên đèo Ba Pông"; người thứ hai là tôi, Phạm Tiến Duật. Mẹ tôi tên là Quản Thị Tâm, sinh đẻ, lớn lên ở Thạch Sơn. Bởi vậy, ngay từ thuở bé, tôi đã gắn bó với làng Sỏi  (Thạch Sơn) quê mẹ.

Làng Sỏi trú đóng trên một quả đồi rộng hình mai rùa, có thể chứa hàng nghìn cư dân. Nghe nói, họ Quản của mẹ tôi là họ lập làng. Mãi sau, các họ khác mới tới. Họ Quản là họ ít gặp, chỉ có ở làng Kiêu Kỵ, một làng chuyên làm nghề dát vàng ở đồng bằng sông Hồng. Do thiếu nợ, do đói kém mà họ Quản di cư lên vùng Lâm Thao, Phú Thọ. Quả đồi rộng lớn mang tên đồi Sỏi thành nơi lập nghiệp của họ Quản và các họ thân thiết có quan hệ thông gia.

Thạch Sơn, tiếng chỉ là một làng, một xã nhưng do tính ổn định hàng thế kỷ mà có phong tục riêng, lề thói riêng. Từ hàng trăm năm trước ở Phú Thọ đã có câu ngạn ngôn: "Các bủ Yên Lành, các anh Phú Thọ, các mọ Thạch Sơn". Thị xã Phú Thọ, nơi trung tâm thương mại thuở ấy, người 50, 60, 70 tuổi vẫn được gọi là anh, trái với truyền thống quanh vùng. Phú Thọ không quá xa Hà Nội nhưng thật nhiều thổ âm, thổ từ, thổ ngữ. Tiếng bầm để chỉ mẹ thì đã nổi tiếng qua thơ Tố Hữu. Nhưng người ven sông Hồng, như Vũ Ẻn (tên nôm là Yển) lại gọi mẹ là ầm chứ không phải là bầm. Cách gọi này còn lan sang các xã ven sông tới phía Bắc Sơn Tây.

Yên Lành trong câu ngạn ngôn là tên làng. Phụ nữ có con cỡ 40, 50, 60 tuổi được gọi là bủ. "Chào bủ, lâu nay bủ có khỏe không?". Chữ bủ được gọi có nghĩa là bà. Còn ở Thạch Sơn, không một làng nào, xã nào xung quanh có cách gọi các ông già, bà già là mọ. "Cháu chào mọ, mọ đi đâu về mà muộn thế?". Chữ mọ, có thể hiểu là ông, là bà mà thường là cụ. Bây giờ, nếu tôi về Thạch Sơn, bà con hẳn chào: "Xin chào mọ Duật!". Dùng chữ mọ là tôn kính người có tuổi, chỉ Thạch Sơn mới có.

Bây giờ thì Thạch Sơn đang trong cảnh buồn thê thiết mà không biết rõ nguyên do. Nhưng cái làng ấy, cái xã ấy đã qua mấy chặng đường oanh liệt. Năm 1958, tôi mới học cấp 1 đã chứng kiến ngày lễ khai trương Nhà máy Súppe Phốtphát Lâm Thao. Đây là cái nôi đầu tiên, bông hoa đầu tiên của chế độ mới trên đất Bắc. Súppe Phốtphát Lâm Thao ra đời cùng với cụm Nhà máy Cao - Xà - Lá (cao su, xà phòng, thuốc lá) ở Thanh Xuân, Hà Nội bây giờ. Nó ra đời cùng phong trào "Sông Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba Nhất", cùng thời với Công trình thủy điện Bắc - Hưng - Hải nổi tiếng. Đó là các cơ sở kinh tế đầu tiên sau chặng "công ty hợp doanh", cải tạo tư bản tư nhân những năm 56-58 của thế kỷ trước.

Vào thời ấy, ống khói càng to, phả ra càng nhiều khói càng hoành tráng. Thơ ca dùng từ "ống khói cao ngút trời" để nói về nền công nghiệp non trẻ. Chẳng ai nghĩ đến môi trường. Cả tôi nữa, trong bài thơ "Cái cầu" viết năm 1964 cũng có câu "Trời sắp mưa, khói trắng hơn mây" để ca tụng khói nhà máy rực rỡ thế nào. Hồi đó, khái niệm "phát triển bền vững" như không hề tồn tại. Bởi với khí phách và sự tiên phong như có sẵn, sự phát triển đương nhiên là bền vững, nghi ngờ là dao động. Nào ai ngờ, những thứ clorua, hydrat sunfua và bao hóa chất cứ dồn về Thạch Sơn gần nửa thế kỷ. Hóa chất hòa trong nước, hóa chất hòa trong đất, vào rau, vào trái cây, vào cả khí thở nữa, làm Thạch Sơn hoạn nạn nhường này.

Ấy vậy nên sự lên án về ô nhiễm môi trường ở Thạch Sơn là sự thật. Một sự thật nghiêm trọng. Ở nước ngoài, việc này phải được giải quyết bằng tòa án mà sự bồi thường phải lên đến nhiều trăm triệu đôla. Ở ta thì giải quyết bằng tình nghĩa. Cuối cùng thì chỉ có người dân chịu thiệt.

Nói vậy vẫn có người cãi. Rằng, lấy cớ gì để kết luận việc bùng phát ung thư ở Thạch Sơn là do hóa chất? Căn cứ khoa học của việc này ra sao? Câu ngạn ngôn của tòa án là câu "Án tại hồ sơ", vậy hồ sơ chứng lý đâu? Với bà con nông dân Thạch Sơn đành thua. Phụ nữ Thạch Sơn có thể nhận diện ở mọi nơi: Họ đội khăn nâu lệch vành, đầu khăn có một nhúm tóc cho gió bay phất phơ làm duyên. Họ không hiền lành nếu không nói là đanh đá. Nhưng họ cũng như chồng con họ chỉ giỏi cãi nhau trong làng. Ra ngoài làng là tịt. Thế thì ung thư mấy chục, mấy trăm người cũng đành chịu, thế thôi.

Ấy vậy mới tìm đến một lý do khác để giải thích hiện tượng bùng phát ung thư. Lý do ấy từ một cổ tích của làng Sỏi (Thạch Sơn) là một phong tục được duy trì đến mãi những năm hòa bình sau chống Pháp mới hết. Đó là câu chuyện Đánh cháo gạo.

Chuyện rằng, vào đời Vua Hùng Vương thứ 18, thời kỳ ra đời chuyện Bánh chưng, bánh dày, một lạc hầu của Vua Hùng đi qua làng Sỏi thấy dưới chân mình đất rung rinh. Ông nhìn lên đồi Sỏi, thấy mai một con rùa lớn như thể rùa ngủ đang thức dậy. Nếu rùa thức, rùa đứng thẳng lên thì cả làng Sỏi sụp đổ. Vị lạc tướng gọi chủ làng đến, bày cho tục Đánh cháo gạo như sau: Làng Sỏi phải cúng thần vào ngày Rằm tháng Giêng. Dân làng phải đóng giả hai đội quân đánh nhau bằng cách dùng tre nguyên cây, mỗi cây tre nhiều người sử dụng, đập vào đối phương, để cho mai con rùa không dám nhô lên, làng không bị động.

Tôi là đứa trẻ con khi ấy cùng các đứa trẻ khác, được người lớn giúp đỡ, trèo lên mái nhà xem hai phe đánh nhau quyết liệt bằng các cây tre đực, cả cây, đủ cành lá làm đòn. Tôi thấy không ai chết nhưng người bị thương, chảy máu đầu, chảy máu tay chân thì nhiều. Xong việc, sau một hồi trống, cả hai bên thu quân, phe ta, phe địch đầu quấn băng ngồi chung một mâm. Các nồi cháo gạo đem cúng được đổ quanh làng để lấy may. Thế mới gọi là Đánh cháo gạo. Phong tục ấy tuy linh thiêng và thu hút sự quan tâm của các làng quanh Thạch Sơn nhưng đấy là phong tục gây mất an ninh. Mỗi mùa, hàng chục người bị thương. Do vậy, sau chống Pháp, phong tục ấy bị địa phương tự cấm.

Hay là, tôi nghĩ, quá lâu rồi không Đánh cháo gạo nên cái mai rùa của Thạch Sơn nhô mãi lên mà thành đại họa ung thư?

Một cách mênh mang, tôi nghĩ, có thể đúng. Và như vậy, cần cho phục hồi tục Đánh cháo gạo của Thạch Sơn? Nên thế, đừng dùng cây tre đực làm đòn đánh nhau. Lỡ thì chết người. Hãy dùng cây lá mềm mại. Và điều quan trọng hơn, hãy đổ cháo gạo không phải quanh làng mà đổ xung quanh nhà máy hóa chất kia, cho nước thải độc hại không chảy về làng Sỏi, về Thạch Sơn thân yêu của tôi

.
.
.