Chuyện các nhà văn giống Tây

Thứ Sáu, 19/11/2004, 10:33

Phần đông văn nhân thi sĩ thường là những người có vóc dáng thư sinh, nho nhã. Cái thời bao cấp trước đây, đời sống còn nhiều khó khăn và việc tiếp xúc với người nước ngoài còn bị hạn chế, thì việc một số nhà văn, nhà thơ bị nhầm là những... ông Tây là việc dễ xảy ra.

Vì sống đơn côi, không vợ con chăm sóc nên sinh thời nhà thơ Xuân Diệu rất ý thức về việc ăn uống. Với ông, dù khó khăn thế nào thì cũng phải đảm bảo đủ dinh dưỡng để có sức khỏe mà làm việc. Bởi vậy, nhìn vóc dáng cao lớn, mặt mũi nở nang và mái đầu tóc xoăn của nhà thơ, đã có không ít người nhầm ông là... người nước ngoài.

Theo nhà thơ Chử Văn Long kể lại thì tết năm ấy, sau khi xin cho anh chuyển công tác từ Quảng Ninh về Hà Nội, Xuân Diệu đã về thăm và ăn tết tất niên với gia đình anh ở xã Vạn Phúc, Thanh Trì. Cùng đi với ông có cây bút trẻ Phạm Gia Bình.

Bởi đang giai đoạn thời chiến nên với tinh thần cảnh giác cao độ, tổ dân quân xã Vạn Phúc sau khi phát hiện thấy người lạ vào nhà anh Long đã lập tức đến yêu cầu cho xem giấy tờ tùy thân. Bấy giờ Chử Văn Long còn đang chạy quanh hàng xóm để mua thêm ít thực phẩm. Về đến đầu ngõ, nghe anh em to tiếng, anh vội lách vào thì chứng kiến cảnh nhà thơ Xuân Diệu đang lôi cả nắm thẻ từ thẻ Hội viên Hội Nhà văn đến các loại thẻ vào Văn phòng Quốc hội, vào Câu lạc bộ Ba Đình, Câu lạc bộ Quốc tế... cho mấy anh dân quân xã xem song họ vẫn nhất định không nghe. Trước tình hình ấy, Chử Văn Long phải vội vàng xin lỗi Xuân Diệu và quay sang giới thiệu với mấy anh dân quân xã:

- Đây là nhà thơ Xuân Diệu nổi tiếng, vẫn bình thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam về ăn tết với gia đình tôi.

Nghe vậy, mấy anh dân quân nhận thấy ngay sự sai sót của mình, song họ vẫn cố tìm cách phân bua:

- Giấy tờ của ông ấy chỗ thì đề là Xuân Diệu, chỗ thì đề là Ngô Xuân Diệu nên chúng tôi không nhận ra nhà thơ.

Tuy nhiên, khi chỉ còn lại người làng với nhau, họ nói nhỏ vào tai Chử Văn Long:

-  Vì bác ấy trông giống ông... Tây quá nên chúng em nghi.

* * *

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà văn Nguyễn Công Hoan xung vào bộ đội, được điều về ban biên tập báo Vệ quốc quân.

Lần đó, ông cùng nhà thơ Thôi Hữu (tác giả bài thơ Lên Cấm Sơn nổi tiếng) rủ nhau lên Sơn Tây. Khi đi, Nguyễn Công Hoan ăn vận theo lối nhà binh, đầu đội mũ canô sĩ quan dạ tím có gắn sao vành tròn. Không chỉ vậy, kè kè bên hông là khẩu súng lục ông mượn được của Tổng biên tập Lê Tất Đắc.

Thật rủi, hôm ấy quân Pháp từ Hà Nội kéo lên càn tới tận Phúc Thọ (Hà Tây). Khi Nguyễn Công Hoan và Thôi Hữu biết được điều này thì đã thấy giặc lổm ngổm trên mặt đê và đang xả súng bắn loạn vào trong làng. Dân tình hoảng sợ gồng gánh xô nhau chạy túa cả xuống bãi. Thế không đừng được, Nguyễn Công Hoan cũng theo mọi người chạy về hướng đó.

Khi bóng giặc đã lùi xa thì cũng là lúc người dân thấy nghi nghi cái ông có vóc dáng cao to, hông giắt súng lục đang chạy lẫn trong đoàn người này. Ngay lập tức, Nguyễn Công Hoan bị lực lượng dân quân xã tra hỏi, rồi giữ giấy tờ, trói gô lại. Trông vóc dáng ông, thoạt đầu họ cho là lính Tây trà trộn vào đám dân làng. Sau rồi chuyển hướng sang cho ông là... Việt gian. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng ấy, bị nghi thế này thì nguy quá - Nhà văn Nguyễn Công Hoan lo lắng. Cũng may là mọi sự sau rồi cũng được làm ra nhẽ. Chỉ có điều khi nhà văn thoát được về tới Đồng Lư thì trời đã tối mò. Mặt mũi ông đầy vết lấm bùn. Hai cổ tay còn lằn đỏ vết dây trói.

Kể lại chuyện này cho anh em trong đơn vị nghe, nhà văn Nguyễn Công Hoan mủm mỉm cười: “Từ giờ thì cạch không dám… đeo súng nữa!”--PageBreak--

* * *

Với vóc dáng cao lớn, dáng đi lù đù, sinh thời nhà thơ Quang Dũng - tác giả của tráng ca Tây tiến nổi tiếng - cũng từng có lúc bị nhầm là... ông Tây. May thì là Tây... Liên Xô, mà rủi ra thì là Tây... Mỹ.

Năm ấy (1965), đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Nhà xuất bản Văn học, nơi Quang Dũng công tác sơ tán về Đông Du thuộc huyện Quế Võ (Bắc Giang). Trên chiếc xe Mátxcơvích “bọ hung” màu ghi, ông cùng ba đồng nghiệp nữa trở thành những người đầu tiên đi tiền trạm địa điểm sơ tán mới.

Khi xe vừa dừng bánh đã thấy các em bé trong làng túm tụm vây quanh. Và khi Quang Dũng lách tấm thân nặng nề ra khỏi xe thì bỗng từ phía đám trẻ rộ lên tiếng reo:

- Ô, chúng bay ơi, ông Liên Xô kìa. Ông Liên Xô...

Hẳn vì chúng thấy vóc dáng của Quang Dũng cao lớn như người châu Âu. Được thể, Quang Dũng quay sang bảo một bạn đồng nghiệp:

- Này, đã thế ta đùa trêu bọn trẻ. Cậu đóng vai phiên dịch nhé.

Thế rồi Quang Dũng xì xồ “tiếng Nga”, còn người bạn cùng nhà xuất bản thì giả vờ phiên dịch lại. Bọn trẻ lốc nhốc bu quanh “ông Liên Xô” xem chừng khoái lắm.

Chợt nhớ, từ sáng ở Hà Nội đi, cả mấy anh em đều chưa kịp làm chút gì cho êm bụng, bởi vậy, khi nhìn thấy một cái quán bên đường thì họ sà ngay vào. Một đồng nghiệp với lấy chiếc bành giò đưa cho Quang Dũng. Vốn người phàm ăn, Quang Dũng bèn bóc bỏ lá bánh, đưa lên miệng cắn ngon lành, quên phắt đám trẻ đang ngấp nghé bên ngoài quan sát xem “ông Liên Xô” ăn uống thế nào.

Tức thì trong đám trẻ phát ra tiếng reo:

- Chúng bay ơi, ông Liên Xô cũng biết ăn bánh giò kìa.

Đến nước này thì Quang Dũng không thể không bật cười. Ông quay ra hỏi bọn trẻ:

- Thế ông Liên Xô không được ăn bánh giò à?

Phát hiện thấy “ông Liên Xô” vừa nhồm nhoàm ăn vừa cất lên câu hỏi bằng… tiếng Việt, bọn trẻ mừng quá hét toáng lên:

- Ô, chúng bay ơi, ông Liên Xô giả, ông Liên Xô giả...

Phải đến lúc này thì màn kịch vui của Quang Dũng mới lộ bem với bọn trẻ.

* * *

Lại một lần khác (vẫn trong thời chống Mỹ). Một hôm, Quang Dũng lang thang đi tìm cảnh đẹp để vẽ tranh ở một xã thuộc tỉnh Hòa Bình. Chợt ở xã bên xảy việc bộ đội ta bắn rơi máy bay Mỹ. Tên phi công nhảy dù, cả huyện đang khua chiêng gõ trống đốc nhau đi lùng mà vẫn chưa tìm được.

Thế là ngay lập tức ông nhà thơ có vóc dáng cao lớn, lại để râu ấy bị xem là... tên giặc lái Mỹ. Mọi người hò nhau quây lại bắt.

Quang Dũng cố tìm cách phân bua rằng mình là nhà thơ và cho biết lý do ông có mặt ở đây. Nghe ông nói rành rọt bằng tiếng Việt, thoạt đầu anh chỉ huy đội vây bắt cũng hơi ngần ngừ, song trong đội chợt có người lên tiếng:

- Thằng này đích thị là giặc lái Mỹ chứ người Việt Nam ta có ai to cao như thế.

Cũng theo ý kiến anh này thì hiện không ít giặc lái Mỹ “biết tiếng Việt”, bởi vậy, để “chắc ăn” cứ trói lại giải lên huyện là hơn.

Vậy là Quang Dũng được dong lên huyện. May là hôm ấy thế nào lại có đoàn nhà báo ở Trung ương về huyện làm việc. Nghe nói bắt được tên giặc lái Mỹ, lãnh đạo huyện bèn cho mời một người thạo tiếng Anh trong số các nhà báo để lấy cung tên tù binh mới. Người này vừa bắt tay vào việc thì phát hiện ra tên “giặc lái” không phải ai khác mà chính là nhà thơ nổi tiếng Quang Dũng. Anh ngạc nhiên lên tiếng hỏi vì đâu lại nên nông nỗi này. Bấy giờ Quang Dũng mới tủm tỉm cải chính: “Họ ngỡ mình là... phi công Mỹ”.

Đến đây Quang Dũng hài hước kết luận: “To béo quá có khi cũng... bất lợi”

.
.
.