Chương trình giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ: “Trọn vẹn nghĩa tình”

Thứ Năm, 17/07/2014, 08:51
Tối 16/7, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô  đã diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ “Trọn vẹn nghĩa tình” do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân và Công ty Cổ phần Quốc tế IMC Việt Nam tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 (Đài truyền hình Việt Nam) và tiếp sóng trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Chương trình là sự tôn vinh những người mẹ, người vợ liệt sĩ, sự chia sẻ, động viên những người con của liệt sĩ… đồng thời thể hiện lòng biết ơn và sự tri ân của đồng bào với những người có công với đất nước; là món quà thiết thực kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ, các gia đình liệt sĩ nhân Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2014). Đến dự có đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước…

Phát biểu khai mạc, Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (HTGĐLS), Trưởng Ban Tổ chức nhấn mạnh: Hoạt động tri ân liệt sĩ không chỉ mang ý nghĩa xã hội “ Uống nước nhớ nguồn” mà còn mang tính chính trị và nhân văn sâu sắc. Tổ chức Hội HTGĐLS đang được phát triển ở nhiều địa phương để đẩy mạnh hoạt động tri ân liệt sĩ một cách rộng khắp ở các tỉnh, thành trong cả nước. Công việc tri ân liệt sĩ đã, đang và sẽ phải là việc làm thường xuyên trên toàn quốc và đồng bào ta ở nước ngoài, đó là mệnh lệnh từ trái tim chúng ta.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước trao kết quả giám định ADN cho các gia đình liệt sĩ.

Trong phần giao lưu với các vị khách mời, cô giáo Đỗ Thị Ái Linh, nguyên Hiệu trưởng Trường Nội trú Nguyễn Viết Xuân (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Hơn 40 năm qua, trường đã đào tạo, nuôi dạy hơn 2000 các em học sinh, con liệt sĩ. Điều tâm huyết nhất của cô giáo Ái Linh là được góp một phần công sức cùng tập thể cán bộ, giáo viên thay cha các em trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Sự trưởng thành của các em, niềm vui của các gia đình liệt sĩ chính là nguồn cổ vũ, động viên trong sự nghiệp “trồng người”.  Nhiều thế hệ học sinh đã ra trường, trưởng thành và đang công tác ở khắp mọi miền đất nước, trên nhiều lĩnh vực, có em tiếp tục sự nghiệp của người cha kính yêu trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước và các tổ chức hữu quan, nhân dân ta đã dành tình thương yêu của mình chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh chị em thương binh, bệnh binh một cách tận tình chu đáo.

Khi nói về bố, Đại úy Trần Thị Thu Hà, Công an tỉnh Hà Nam, con Liệt sĩ Trần Đức Thông, hy sinh trên đảo Gạc Ma năm 1988 tâm sự, mỗi lần ra Trường Sa, ông có một thói quen viết sẵn một tập thư gửi về cho vợ, đề ngày cách quãng và dặn người liên lạc “cứ năm ngày gửi về nhà một bức”. Thế nên, gia đình tôi vẫn nhận được thư của ông dù ông đã mất (ngày 14/3/1988). Từ ngày đó, mẹ tôi trầm tư hơn giấu kín nỗi buồn để động viên chị em tôi phải sống làm sao xứng đáng với anh linh của ông để nơi chín suối bố luôn hãnh diện về chúng tôi. Năm 1997, tôi được tuyển dụng vào ngành Công an và được điều động về Phòng Hậu cần, Công an tỉnh Hà Nam. Mỗi khi công việc gặp khó khăn, tôi lại nghĩ đến tấm gương quên mình bảo vệ Tổ quốc của cha để tự động viên không được lùi bước. Để có được thành công trong công việc hiện nay, là nhờ sự giúp đỡ tận tình chỉ bảo của mọi người và đơn vị công tác tạo điều kiện cho tôi rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong phút xúc động, Đại úy Hà nghẹn ngào “Cha anh dũng hy sinh chói ngời dũng khí/con trưởng thành người chiến sĩ Công an/Hai trận tuyến cha con cùng lý tưởng/Bảo vệ chủ quyền Tổ quốc Việt Nam”

Đại úy Trần Thị Thu Hà và cô giáo Đỗ Thị Ái Linh trong buổi giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước và các tổ chức hữu quan, nhân dân ta đã dành tình thương yêu của mình chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh chị em thương binh, bệnh binh một cách tận tình chu đáo. Bên cạnh đó, thân nhân các liệt sĩ vẫn luôn chủ động vươn lên trong cuộc sống… Chị Trần Thị Liễu, vợ Liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, hy sinh năm 1988 tại đảo Gạc Ma tâm sự: Trong một lần về thăm nhà, anh Phong bị sốt cao, tôi có động viên chồng ở lại mấy hôm lấy lại sức rồi mới đi. Nhưng với tính quyết đoán, anh ấy vẫn xách bô lô lên đường và nói phải ra đảo gấp… khoảng 3 đến 6 tháng sẽ lại về thăm nhà. Ai ngờ, đó lại là lần cuối cùng. 4 năm cưới nhau, chị và chồng chỉ ở với nhau vẻn vẹn chưa đầy 1 năm trời và anh đã kịp để lại cho chị 2 vật báu của cuộc đời là cậu con trai Nguyễn Mậu Trường (SN 1986) và Nguyễn Tiến Xuân (SN 1987). Ngày nhận được tin chồng mất chị đã ngất đi, không tin đó là sự thật, lúc đó chị cũng vừa sinh cậu con trai thứ hai mới 1 tháng rưỡi. Nén nỗi đau thương, không quản mưa nắng hàng ngày ngoài việc đồng ruộng, chị còn làm thêm đủ nghề để nuôi dạy hai cậu con trai. Không phụ lòng mẹ, tiếp bước noi gương cha sau khi tốt nghiệp Trường sĩ quan Hải quân, hiện Trung úy Nguyễn Tiến Xuân đang công tác tại Trường Sa.

Em Nguyễn Tiến Anh, con Liệt sĩ Nguyễn Văn An, hy sinh khi làm nhiệm vụ ở Nhà giàn DK1 năm 1998 lại cho biết: Bố em hy sinh khi em còn nhỏ tuổi, mẹ công tác tại Lữ đoàn 679 Quân chủng Hải quân, đóng quân xa nhà nên em sống cùng ông bà ở quê. Em biết bố qua lời kể của mẹ, ông bà, bố như vì sao lấp lánh trên bầu trời theo dõi em. Em sẽ cố gắng học tập tốt, thi vào Học viện Hải quân để sau này trở thành sĩ quan hải quân giống như bố em.

Chị Trần Thị Liễu, vợ Liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong; em Nguyễn Tiến Anh, con Liệt sĩ Nguyễn Văn An và bà Phạm Phương Lan Phó chủ tịch Công đoàn ngành Ngân hàng Việt Nam tại buổi giao lưu “trọn vẹn nghĩa tình”.

Theo bà Phạm Phương Lan, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Ngân hàng Việt Nam, trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã làm được nhiều việc như hỗ trợ sổ tiết kiệm cho các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, nuôi dưỡng, xây dựng nhà tình nghĩa cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng, góp phần xây dựng tôn tạo các tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ… Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng phải có những việc làm thiết thực, có ý nghĩa để góp phần tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước.

Tại chương trình giao lưu, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đồng chí Nguyễn Thị Doan đã trao kết quả giám định ADN đợt thứ 23 cho các gia đình liệt sĩ. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội HTGĐLS Việt Nam đã trao tặng 100 sổ tiết kiệm tình nghĩa, mỗi sổ 5 triệu đồng; 64 suất quà và 10 suất học bổng, mỗi suất 2 triệu đồng cho đại diện các gia đình liệt sĩ cùng địa phương và Quân chủng Hải Quân.

Để tiếp tục động viên, giúp đỡ các gia đình, thân nhân liệt sĩ, những người có công với đất nước, Hội HTGĐLS Việt Nam cũng đang phát động nhắn tin ủng hộ Qũy tri ân liệt sĩ để xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ kinh phí giám định ADN để xác định danh tính liệt sĩ…  soạn TALS gửi 1405 (mỗi tin nhắn là 10.000đ ủng hộ Qũy tri ân liệt sĩ) hoặc chuyển vào tài khoản Hội HTGĐLS  Việt Nam số: 0.731.100.246.001 tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Điện Biên Phủ, Hà Nội. Trong chương trình cũng đã trao Bảng vàng Tri ân cho đại diện tập thể, cá nhân đã chung sức vào hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”...

M.Hiền – T.Dũng
.
.
.