Chuối ơi!

Chủ Nhật, 25/01/2009, 09:12
Trong mâm ngũ quả ngày tết không thể thiếu được nải chuối... Quả chuối chín để ăn như một loại hoa quả cao cấp điều đó ai cũng rõ. Hoa chuối (nhất là hoa chuối rừng) lại là một thứ hoa sang trọng mà chỉ những người sành chơi mới biết cách cắm, cách thưởng. Quả chuối xanh thì đó cũng là một thứ thực phẩm và còn là một vị thuốc chữa bệnh. Lá chuối tươi vẫn dùng để gói giò, gói bánh nếp, bánh tẻ; để gói những nắm cơm cho người đi xa...

Thế là sau 37 năm, dòng sông Đáy đoạn từ trên đập Phùng về đến Hà Nam lại được no nước. Nhìn dòng sông mênh mang, với thế nước còn lớn hơn năm 1971 nhấn chìm những bãi bồi cả hàng chục cây số ven bờ sông thấy xót xa làm sao. Trận lụt lịch sử cuối tháng 10 năm nay đã làm thiệt hại không biết bao nhiêu tiền của người nông dân nhưng có lẽ cũng phải “biết ơn” trận lụt này bởi nó đã làm “khỏe” lại dòng sông Đáy đã sống thoi thóp từ chục năm nay bởi ô nhiễm, bởi nạn khai thác cát tràn lan và vô vàn những thứ khác do con người gây nên.

Đi dọc bờ sông Đáy từ Tế Tiêu về Chùa Hương thấy loi thoi những tàu lá chuối phất phơ trên mặt nước đục ngầu như những cánh tay người chết đuối đang cố vươn lên để cầu cứu, tôi chạnh lòng nghĩ về cây chuối.

Tôi cũng đã đi nhiều nước, được ăn nhiều loại chuối ở Ecuador, Venezuela, Cuba, Peru... - đó là những vùng trồng chuối nổi tiếng trên thế giới và đã xuất khẩu đi khắp các lục địa - nhưng những loại chuối này quả có to thật, vàng ươm như màu vàng mười, nhưng ăn nhạt và đặc biệt không có hương. Sẽ không quá lời nếu như nói rằng chả có loại chuối nào có hương thơm như chuối tiêu ở miền Bắc.

Việt Nam có bao nhiêu loại chuối?

Chuối tiêu; chuối lá hột (hay còn gọi là chuối mật); chuối tây; chuối cau; chuối ngự... mỗi loại chuối đều có một hương vị khác nhau và chính hương vị đặc trưng này đã khiến cho người ta ăn một lần có thể nhớ mãi.

Mà tại sao lại có tên “chuối tây” nhỉ. Bao nhiêu năm nay tôi cứ thắc mắc, cuối cùng phải đến hỏi học giả An Chi. Ông cũng phải mất vài ngày mới tìm ra được gốc tích cái tên ấy.

Hóa ra loại chuối này ngày xưa ở Việt Nam không có mà có ở Thái Lan... Thứ chuối quả to, mập mạp, vỏ mỏng ấy được đem sang cống cho triều đình nhà Nguyễn, nên có tên là “chuối sứ”. Và vì nó sang Việt Nam từ hướng Tây nên được gọi là “chuối tây”.

Khi thu về, đó là lúc chuối tiêu trứng cuốc xuất hiện. Quả màu vàng sẫm và lấm tấm những chấm nâu nhạt như những nét tàn nhang trên khuôn mặt của người con gái. Nải chuối tiêu trứng cuốc để trong nhà tỏa mùi thơm dìu dịu và nếu có một gói cốm vòng để bên cạnh thì người ta sẽ cảm thấy sắc thái của mùa thu với nỗi buồn mơ hồ, man mác đã gần kề.

Mùa hè khi nắng cháy lửa, đó là lúc quả chuối tây lên ngôi với vị ngọt sắc.

Lên miền núi, ta sẽ được thấy những nải chuối lá mật màu nâu sẫm và quả dù to đến mấy thì cũng có bốn cạnh rõ ràng. Chuối lá mật (có nơi còn gọi là chuối ngố) có vị hơi chua và nhiều khi lẫn cả hạt màu đen. Chuối lá mật phải để chín thật kỹ mới ăn được và khi bóc thì phải bóc từ cuống xuống, tước đi lớp vỏ ngoài nhưng phải giữ được lớp xơ mỏng bên trong. Ăn chuối lá mật mà lại bóc như kiểu chuối tiêu, chuối tây thì đó là người chưa sành ăn.

Vùng Nam Định thì lại nổi tiếng với giống chuối ngự, quả chỉ to hơn ngón tay cái, trong ruột thì vàng óng như mật ong. Gọi là chuối ngự vì đây là loại chuối quý được dâng cho vua để làm đồ ngự thiện.

Ở đồng bằng Nam Bộ cũng có loại chuối giống chuối ngự nhưng lại được gọi là chuối cau.

Công bằng mà nói, chuối ở miền Bắc ngon hơn chuối ở các tỉnh phía Nam. Có lẽ do thời tiết khắc nghiệt, bốn mùa rõ rệt đã làm cho quả chuối miền Bắc có hương vị riêng.

Ai đã có lần ngược dòng sông Đà từ đoạn Nậm Hàng lên Mường Tè (thuộc tỉnh Lai Châu) hẳn không thể quên được những cánh rừng chuối bạt ngàn mọc ven sông. Giữa màu xanh bất tận ấy, sáng lên những đốm lửa được thắp lên từ những bông hoa chuối rừng đỏ rực. Và lại chạnh nhớ câu thơ:

"Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi.
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”.

Nhà thơ Tố Hữu đã viết về hoa chuối như vậy trong thi phẩm “Việt Bắc” nổi tiếng.

Tàu lá chuối xanh để che đầu khi mưa nắng, để trải thay chiếu khi phải nằm trong những túp lều lợp bằng lá chuối.

Khác với tất cả các loại cây cỏ, cây chuối bao giờ cũng có lá mới, nõn mới, bẹ mới. Sự già nua, mệt mỏi chỉ hiện lên trên thân cây chuối khi mà buồng chuối già đã được hạ xuống... Chả thế mà nhà thơ tài danh Cao Bá Quát, khi luận về thơ đã nói (đại ý): “Thơ  hay là phải như cây chuối. Luôn có bẹ mới, nhựa mới...”.

Có lẽ hiếm có loại cây nào lại linh thiêng như cây chuối.

Trong mâm ngũ quả ngày tết không thể thiếu được nải chuối.

Khi ta còn nhỏ, thứ hoa quả đầu tiên mà ta được ăn, chắc chắn là quả chuối được mẹ ta mớm cho.

Cây chuối cũng là thứ cây gắn bó với ta cho đến tận cuối đời với một khúc cây chuối để kê đầu. Và trên bàn thờ đưa ta ra đồng, có hai cây chuối và bát hương cũng được làm bằng thân cây chuối. Con ta sẽ đội mũ tết bằng bẹ chuối khô và ngang lưng cũng thắt dây bện bằng bẹ chuối.

Cây chuối còn được làm hình nhân thế mạng cho những người chết không tìm thấy xác. Trên ngôi mộ ấy dù là có bia, có hương có hoa nhưng người trong mộ chỉ là một đoạn thân cây chuối.

Quả chuối chín để ăn như một loại hoa quả cao cấp điều đó ai cũng rõ. Hoa chuối (nhất là hoa chuối rừng) lại là một thứ hoa sang trọng mà chỉ những người sành chơi mới biết cách cắm, cách thưởng. Quả chuối xanh thì đó cũng là một thứ thực phẩm và còn là một vị thuốc chữa bệnh.

Quả chuối tây chín ương, nếu đem độn cơm thì khi ăn chỉ cần tí muối cũng đã đưa được vài bát.

Chuối tiêu xanh nấu với ốc hoặc ba ba kèm thịt ba chỉ và đậu phụ được coi là món chính ở những mâm cỗ cưới, cỗ giỗ ngày xưa.

Những ai đã đi bộ đội vào những năm chống Mỹ hẳn không thể quên được cái cảm giác xót đến cứng người khi bôi nhựa chuối xanh vào các vết hắc lào.

Bây giờ, ở vùng Lào Cai, Yên Bái người ta lại phát hiện ra quả chuối hột ăn thì rất thường nhưng khi đem phơi khô ngâm rượu thì lại là thứ làm tiêu mỡ trong gan, trong máu, ổn định huyết áp...

Cây chuối có gì bỏ đi không nhỉ?

Không! Cả cây chuối không có gì là thừa.

Lá chuối tươi vẫn dùng để gói giò, gói bánh nếp, bánh tẻ; để gói những nắm cơm cho người đi xa. Giò lụa, giò mỡ, giò xào... sẽ chỉ là giò theo đúng nghĩa của nó khi được gói bằng lá chuối. Còn cái thứ giò được gói bằng nilon rồi nén bằng ống bơ trong cái thời buổi “văn minh cơm bụi” này thì chẳng khác gì một thứ thịt luộc. Nó có “vị” mà chẳng có “hương”.

Lá chuối khô thì dùng để gói bánh gai, bánh mật, dùng làm ổ cho người nghèo trong những đêm đông giá rét. Và khi mùa đông qua thì lá chuối lại được đưa vào bếp để trở thành ngọn lửa.

Thân cây chuối già khi đã lấy buồng, dùng để nuôi lợn. Cái thứ thịt lợn tăng trọng bây giờ không thể nào so sánh được với loại thịt lợn được nuôi bằng thân cây chuối với cám bã rau bèo ngày xưa.

Thân cây chuối non dùng để ăn ghém. Bát bún riêu cua sẽ trở nên vô duyên, trống vắng nếu như thiếu đĩa rau ghém được thái bằng thân cây chuối non mỏng tang và trên đó điểm xuyết màu xanh của những lá kinh giới, tía tô, mùi tàu và sẽ càng ý vị hơn nếu như có mấy quả sung nếp xanh. Đĩa rau ghém bằng thân cây chuối non cũng sẽ làm cho những nồi canh riêu cá thêm hấp dẫn.

Hoa chuối thái mỏng, ăn ghém cũng được mà làm nộm thì  là một thứ đặc sản thời nay.

Củ chuối tưởng như là bỏ đi bởi nếu nấu không khéo thì sẽ bị chát. Nhưng vào năm đói Ất Dậu 1945, có khi bát canh củ chuối cứu được cả một mạng người. Củ chuối thái chỉ ngâm qua tí nước phèn chua, hoặc luộc lên chắt bỏ nước chát đem om lươn, ốc, ba ba... Ngày xưa, đó là món ăn bình thường của nhà nông nhưng bây giờ lại là “đặc sản”.

Bẹ chuối nếu được đem phơi khô đúng nắng sẽ có màu trắng ngà và được làm thành những chiếc làn, giỏ xách...

Trẻ em ở vùng ven sông, khi tập bơi thường phải bám vào những khúc chuối. Vào những ngày lụt, thân cây chuối đã trở thành phao cứu sinh cho không biết bao nhiêu người...

Cây chuối đẹp là thế, linh thiêng là thế; kinh tế là thế... Ấy vậy mà người ta lại mang những kẻ dốt nát, những kẻ không có nhân cách lại áp vào cây chuối. Khi nói về những kẻ ấy người ta bảo: “Đồ củ chuối”.

Thật là chẳng công bằng chút nào, Chuối nhỉ!

.
.
.