"Chúng tôi sẽ tiếp tục sáng tạo về lãnh tụ"

Thứ Năm, 19/05/2011, 09:50
Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: Nhóm tác giả vẫn tràn đầy cảm hứng để có thể tiếp tục làm phim về Bác Hồ, nhất là các thời kỳ lịch sử trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Vì thế, nếu hội đủ điều kiện cần thiết, chúng tôi sẽ vẫn làm những bộ phim về vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc.

Những năm gần đây, Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam đã sản xuất 2 bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" và "Vượt qua bến Thượng Hải" và đều gặt hái thành công nhất định qua những giải thưởng: Giải Bông sen Đặc biệt cho "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" tại LHP Việt Nam và Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam cho phim "Vượt qua bến Thượng Hải" tại lễ trao giải Cánh diều vàng.

Tối 17/5, cả kịch bản lẫn bộ phim truyện nhựa "Vượt qua bến Thượng Hải" đều nhận được giải thưởng của Ban Tuyên giáo TW tại lễ trao giải các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật (VHNT) xuất sắc trong tuyên truyền, quảng bá và sáng tác các tác phẩm báo chí, VHNT về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam:

PV: Thưa ông, làm phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề tài không hề dễ. Vì đây là mảng đề tài đã được nhiều tác giả, thuộc nhiều lĩnh vực VHNT khai thác, nên đòi hỏi phải đầu tư công sức sáng tạo, kinh phí lớn, trong khi phim lại kén khán giả. Nhưng lý do gì để Hãng phim vẫn chung thủy với đề tài này?

Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng: Trước hết và trên hết, chúng tôi đều là những nhà văn ngưỡng mộ nhân cách Hồ Chí Minh, muốn xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh trong một thể loại nghệ thuật tổng hợp là điện ảnh. Bởi cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Người đã trải khắp năm châu bốn biển, đạo đức và tác phong của Người như một người Việt Nam tiêu biểu, luôn là đề tài có sức hấp dẫn lớn đối với những người sáng tác nghệ thuật.

Xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh cũng là làm bật lên tư cách một con người thấm nhuần văn hoá Việt Nam, sức sống Việt Nam. Đây cũng là một việc làm thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Không phải chỉ khi có phong trào phát động thì mới làm, mà Hãng phim là đơn vị đã thực hiện điều đó từ nhiều năm trước, khi làm phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" và liên tục thực hiện cho đến bây giờ.

Một cảnh trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải”.

Bên cạnh đó, điều mà các hãng phim khác không đủ điều kiện, thì Hãng phim Hội Nhà văn lại có thế mạnh. Đó là nguồn nhân lực viết kịch bản, kinh nghiệm và am hiểu đối tác Trung Quốc. Tôi cũng nghĩ, chọn đề tài Bác Hồ, mà 2 phim đều là đoạn đời Người hoạt động ở Trung Quốc, cũng là do nhân duyên.

PV: Từ bộ phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" đến "Vượt qua bến Thượng Hải", hình tượng nhân vật Nguyễn Ái Quốc có gì khác nhau?

Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng: Nếu như hình tượng Nguyễn Ái Quốc khi đối mặt với kẻ thù ở vụ án Hồng Kông năm 1931 là đức tính kiên cường của người cách mạng, sức thuyết phục của một lãnh tụ Cộng sản, thì hình tượng Nguyễn Ái Quốc khi Người vượt qua bến Thượng Hải được xây dựng có phần gần gũi với đời thường hơn. Hiển nhiên là, câu chuyện xoay quanh một phiên toà thì không có điều kiện nhiều để mô tả con người trong đời thường.

Còn câu chuyện của Nguyễn Ái Quốc ở Thượng Hải lại có một không gian hoạt động rộng mở, có sự tiếp xúc với nhiều người, thuộc nhiều thành phần trong xã hội. Nguyễn Ái Quốc trong "Vượt qua bến Thượng Hải" là một người cách mạng lúc nào cũng nghĩ về con đường giải phóng dân tộc, nhưng cũng là một người có tình bạn lớn với các nhân vật vĩ đại của Trung Hoa, Pháp, Nhật - một kiểu "công dân toàn cầu" theo cách hiểu của thời đại thế giới hội nhập ngày nay. Chính tuyến nhân vật này đã làm nổi bật nhân cách lớn Nguyễn Ái Quốc, có sức thuyết phục đối với bạn bè quốc tế, được họ ngưỡng mộ.

PV: Với tư cách là nhà sản xuất, anh đánh giá thế nào về những đóng góp về mặt nghệ thuật của 2 bộ phim cho điện ảnh Việt Nam nói chung, cho việc xây dựng hình tượng về Bác nói riêng?

Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng: Tôi chỉ nhìn nhận theo tư cách nhà văn. Vượt lên kiểu nhân vật minh họa các diễn biến lịch sử, hoặc hư cấu thái quá làm cho sai lạc cả chi tiết lịch sử vốn đã định hình, thì 2 bộ phim của Hội Nhà văn là những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Nguyễn Ái Quốc trong các tác phẩm này không phải là hình ảnh minh họa tiểu sử lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, mà là những nhân vật nghệ thuật, là con người có số phận đặt trong tác phẩm ở thể loại hư cấu. Tôi cho rằng, các tác phẩm này tôn trọng sự kiện và chi tiết lịch sử, nếu đã thành tư liệu. Ngoài ra, phần hư cấu cũng đúng với tinh thần lịch sử, giống như phần thiếu của các tư liệu lịch sử mà chúng ta biết rõ là không ghi lại được.

PV: Sau những thành công đáng kể này, thời gian tới, Hãng phim Hội Nhà văn có dự định  xây dựng những bộ phim có chất lượng về Hồ Chủ tịch như đã có?

Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng: Nhóm tác giả vẫn tràn đầy cảm hứng để có thể tiếp tục làm phim về Bác Hồ, nhất là các thời kỳ lịch sử trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Vì thế, nếu hội đủ điều kiện cần thiết, chúng tôi sẽ vẫn làm những bộ phim về vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đạo diễn Triệu Tuấn - đạo diễn Việt Nam của phim "Vượt qua bến Thượng Hải": Bộ phim thể hiện sự kính trọng của nghệ sĩ hai nước với Bác Hồ

PV: "Vượt qua bến Thượng Hải" đã tạo dựng được hình tượng một Nguyễn Ái Quốc gần gũi, khác hẳn những gì công chúng đã biết trước đó. Vì thế, cái tên Triệu Tuấn đã được báo chí Việt Nam nhắc đến nhiều thời gian qua. Bây giờ, đã là lúc ông có thể chia sẻ về những khó khăn mà anh gặp phải khi làm phim "Vượt qua bến Thượng Hải" được chứ?

Đạo diễn Triệu Tuấn: "Vượt qua bến Thượng Hải" là bộ phim về Bác Hồ, nên việc làm phim rất đặc biệt. Vì thế, dĩ nhiên là cũng nhiều khó khăn. Đầu tiên là khâu chọn diễn viên. Không thể chọn diễn viên có gương mặt hoặc ngoại hình khác nhiều so với nhân vật lịch sử. Thứ hai là việc làm bộ phim có bối cảnh ở nước ngoài, có diễn viên nước ngoài, làm việc với các đối tác nước ngoài với tư cách không phải đối tác đầu tư, mà là những lao động "hợp tác". Khâu cuối cùng là xử lý các chi tiết có tính chất nhạy cảm, tiềm ẩn gây tranh cãi. Nhưng với lòng kính trọng vị lãnh tụ thiên tài của Việt Nam và sự cố gắng của tất cả các nghệ sĩ Việt Nam và Trung Quốc, chúng tôi đều đã vượt qua được.

PV: Ông đánh giá đối tác Trung Quốc trong quá trình làm phim "Vượt qua bến Thượng Hải" như thế nào?

Đạo diễn Triệu Tuấn: Họ là những người chuyên nghiệp. Cách làm phim tại các trường quay Trung Quốc không hề giống với cách làm phim tại Việt Nam. Có lẽ nếu chỉ ở Việt Nam, mà không đến tận nơi sống và làm việc trong môi trường công nghiệp điện ảnh ở các trường quay ấy, thì không hình dung được.

PV: Ông có thể cho biết về việc hợp tác của Đoàn làm phim phía Việt Nam với đối tác thế nào trong quá trình làm phim?

Đạo diễn Triệu Tuấn: Hai phía đều làm việc rất nghiêm túc và phía Việt Nam hoàn toàn kiểm soát quá trình làm phim. Cần phải nói thêm rằng, do cách tổ chức sản xuất thuê lao động ở nước ngoài, nên phim này nhà sản xuất có vất vả hơn nhiều so với làm phim ở Việt Nam. Đương nhiên, đạo diễn cũng vất vả hơn vì vừa phải kiểm soát hiện trường, vừa phải thực hiện hầu hết hậu kỳ. Diễn viên lại càng vất vả.

PV: Ông có cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn về chất lượng nghệ thuật của phim? Gần đây có những ý kiến khác nhau về nhạc của bộ phim, anh có ý kiến gì về vấn đề này?

Đạo diễn Triệu Tuấn: Cả tôi và Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam đều không nói đây là tác phẩm hoàn mỹ, mà chỉ nói, nếu có những điều kiện tốt hơn sẽ có thể xử lý để có tác phẩm tốt hơn. Một tác phẩm có nhiều người khen, nhiều người chê, là điều bình thường và việc tạo ra dư luận về tác phẩm cũng là không xấu. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến, miễn là đóng góp xây dựng.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi cởi mở!

Dạ Miên

Thanh Hằng
.
.
.