Chúng ta đang hại chính mình

Chủ Nhật, 23/01/2011, 13:05

Trong các traile của ngành Du lịch, có một câu khiến nhiều người suy nghĩ "Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn". Tiềm ẩn nghĩa là còn ẩn sâu, còn chưa xuất hiện. Kêu gọi khách đến du lịch thì phải nói hãy đến một nơi rất đẹp chứ sao lại nói hãy đến với một nơi tuy đẹp nhưng chưa phát lộ, nghĩa là nơi cái đẹp còn ở dạng tiềm năng?

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy traile ấy cũng có phần đúng. Khả năng thì có nhiều nhưng biến khả năng đó thành hiện thực còn cần một khoảng cách khá dài. Không chỉ vậy, nhiều trường hợp khả năng có nhiều nhưng chúng ta đang làm hỏng nó đến mức nhiều khả năng đang thui chột, không thể trở thành hiện thực được nữa. Lấy chuyện biển Việt Nam làm một dẫn chứng.

Nước ta có 3.244km bờ biển, một quốc gia có tỷ lệ bờ biển cao so với đất liền, nếu thua, chỉ thua các quốc đảo. Bờ biển nước ta lại viền theo chiều dài đất nước nên đoạn đường từ một sân bay quốc tế, một trung tâm giao thông đến biển thường rất ngắn, hàng chục thành phố, sân bay, ga tàu ngay sát biển. Biển nước ta lại quanh năm chan hòa nắng ấm, độ ô nhiễm chưa cao. Trên thế giới, có hàng trăm quốc gia không có biển, có biển nhưng đường tới biển rất xa hoặc một nửa năm băng giá, biển không thể tắm mát, nghỉ dưỡng được. Cho nên khách du lịch mới cần có biển Việt Nam, nhất là mùa đông để tránh cái lạnh ở nước của họ, biển của họ.

Đến biển là để được tắm táp, dạo chơi, nghỉ ngơi, khám phá thiên nhiên và văn hóa trên bãi biển, bởi thế dù ngày càng có thêm nhiều dịch vụ trên biển nhưng bãi biển vẫn là quan trọng nhất. Thật khó hình dung những vịnh biển tuyệt đẹp như Trà Cổ, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Đá Nhảy, Thuận An, Mỹ Khê, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Hà Tiên… lại mất đi phần bãi chỉ còn phần vịnh. Là người có dịp đi dọc bờ biển đất nước, tôi cho rằng, ở Việt Nam, nơi nào cũng là những bãi biển đẹp, chỉ có điều chưa được khai thác mà thôi. Nếu được đầu tư thì không chỉ có vài chục mà Việt Nam còn có thêm hàng trăm bãi biển đẹp nổi tiếng thế giới.

Và những nhà đầu tư rất hiểu điều đó, họ thông minh hơn người viết bài này rất nhiều. Chính vì sự thông minh, có tầm nhìn xa, họ đã tranh thủ được sự hám lợi trước mắt (lợi cho công và cả lợi cho cá nhân) của nhiều nhà quản lý các địa phương có biển để mua gọn hàng trăm km bờ biển, biến bãi biển của chung thành đất riêng.

Có thể nói, dọc chiều Bắc - Nam, mọi đoạn bờ biển, mọi vịnh biển đẹp có khả năng hốt bạc trong khoảng vài chục năm tới đều đã bị mua hết, được rào kín, trồng cây lâu năm. Trong khi chờ đợi, cây cứ lớn, giá đất cứ lên, nhu cầu cứ tăng, chỉ ngồi chơi đã ra tiền. Chỉ người dân thường đi trên những con đường dọc bờ biển mới thấy xót xa. Ngày xưa, đi đánh cá, đi kiếm con cua con hến ven bờ, vượt trảng cát là tới biển, giờ phải đi vòng quanh hàng rào thép gai. Khách du lịch ít tiền cũng vậy. Biển của chung nhưng không được vào bãi tắm của các resort. Resort nối liền nhau, đi cả kilômét vẫn chưa tới nơi mình được quyền tắm.

Chiếm bãi biển đã vậy, còn xây dựng nhà tầng cao tầng thấp bít hết lối sóng, lối gió của biển nữa. Ba khách sạn cao tầng xây sát mép biển Quy Nhơn rất đẹp cục bộ nhưng rất phản cảm tổng thể. Có 3 khách sạn này, đứng trên Gành Ráng, nơi có mộ Hàn Mặc Tử nhìn xuống, bãi biển Quy Nhơn lúp xúp thuyền thúng mất gần hết vẻ đẹp biển miền Trung. Những khách sạn cao tầng viền lấy vịnh biển Nha Trang (Khánh Hòa), Bãi Cháy (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng) đang dần biến nơi này thành những Hồng Kông chen chúc nhà chọc trời, che khuất cả bình minh, cả hoàng hôn, có trăng gió biển khơi của các lô nhà phía sau

Vũ Duy
.
.
.