Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh:

"Chúng ta đã ngồi trên lưng cọp..."

Thứ Tư, 02/04/2014, 10:15
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt HCV, phá kỷ lục thế giới ở nội dung súng ngắn hơi nam sở trường và Việt Nam có nên rút quyền đăng cai ASIAD 18 (năm 2019) hay không là hai câu chuyện thể thao tạo ra nhiều dư luận những ngày qua. Nhà báo Phan Đăng đối thoại với nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh về những chuyện rất "nóng" này.

PV: Tự hào, tột cùng tự hào - đó là cảm xúc rất thật của tôi, một nhà báo thể thao khi nghe tin từ Mỹ truyền về cho hay Hoàng Xuân Vinh đã xô đổ kỷ lục thế giới cũ. So sánh thì hơi buồn cười, nhưng thưa ông Nguyễn Hồng Minh, nhìn ở góc độ cảm xúc đơn thuần thì cái sự tự hào ấy khác nhiều lắm so với khi hay tin các VĐV nhà ta đoạt HCV SEA Games...

Ông Nguyễn Hồng Minh (N.H.M.): Không tự hào sao được khi mà sau đúng 52 năm - một quãng thời gian đằng đẵng, dài bằng cả đời người chúng ta mới lại có một xạ thủ đoạt HCV, phá kỷ lục thế giới. Phan Đăng biết rồi, 52 năm trước, anh Trần Oanh cũng từng làm được điều này, nhưng phải nói rõ là thành tích của anh Trần Oanh diễn ra ở Đại hội thể thao Quân đội các nước Xã hội chủ nghĩa, chứ không phải giải vô địch thế giới như Hoàng Xuân Vinh bây giờ.

PV: Nhưng bất luận ở giải đấu nào thì nó cũng chứng tỏ chúng ta rất có tiềm năng trong môn bắn súng. Thế mà phải đợi tới 52 năm chúng ta mới lặp lại được thành tích đã có của mình. Tôi hiểu là trong hoạt động thể thao yếu tố "tài năng" luôn mang tính bất ngờ, nằm ngoài những đòi hỏi về tinh thần và thời gian của chúng ta. Nhưng bên cạnh đó, cũng không thể xem nhẹ yếu tố mục tiêu chiến lược. Tôi mạo muội nghĩ: Chúng ta phải đợi tới 52 năm vì mục tiêu, chiến lược của chúng ta trong các môn thể thao mũi nhọn là không rõ ràng?

Ông N.H.M.: Sau SEA Games 22 thì thể thao Việt Nam đã chuyển hướng từ "đi tắt đón đầu" sang đầu tư chiến lược vào những môn trong hệ thống thi đấu Olympic. Và vừa qua, chúng ta đã quyết định đầu tư một nguồn tiền khổng lồ lên tới 500 tỷ đồng trong vòng 5 năm cho khoảng 50 VĐV mũi nhọn với mục tiêu phải đoạt huy chương ASIAD 2019. Theo cá nhân tôi, đấy cũng là một cách đầu tư hợp lý.

VĐV Hoàng Xuân Vinh đã giúp nền thể thao Việt Nam có phen nở mày nở mặt. Ảnh: H.M.

PV: Nhưng khi đổ tiền bạc, công sức cho các VĐV mũi nhọn, ngoài mục tiêu đoạt huy chương này nọ, có bao giờ chúng ta dám đặt mục tiêu VĐV phải phấn đấu phá kỷ lục thế giới hay không, thưa ông?

Ông N.H.M.: Thật ra thì ở mỗi môn thi đấu, mỗi nhà hoạch định đều đặt ra mục tiêu riêng, phù hợp với đội ngũ VĐV hiện có của mình. Nhưng nhìn một cách tổng thể thì đúng là tôi chưa nhìn thấy cái văn bản nào quy định VĐV A, VĐV B phải cố gắng phá kỷ lục thế giới cả.

PV: Theo tôi thì đấy là vấn đề cần đặt ra sau kỷ lục thế giới của Hoàng Xuân Vinh...

Ông N.H.M.: Tôi chia sẻ quan điểm của Phan Đăng. Vinh đã hoàn thành xong sứ mệnh lịch sử của cậu ấy. Vấn đề còn lại là các nhà chiến lược phải nhìn vào lớp kế cận của Vinh để đặt ra những mục tiêu tiếp theo. Tôi nói cụ thể, sau Vinh là Quốc Cường - người kém Vinh đến hơn chục tuổi, nhưng cũng là một người đầy tài năng. Vậy chúng ta có dám dồn tiền của, tâm sức đầu tư lớn cho Quốc Cường hay không?

PV: Nói đến chuyện đầu tư, hiện nay nhiều ý kiến bức xúc với việc chúng ta phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để đầu tư cho kỳ ASIAD năm 2019 mà chúng ta là chủ nhà. Người ta bảo, Việt Nam còn nghèo quá, nếu cứ phải gồng lên tổ chức Đại hội này thì e là lợi bất cập hại. Tôi thì chợt nghĩ, nếu chúng ta rút quyền làm chủ nhà của mình, rồi lấy một phần kinh phí dự kiến cho ASIAD sang đầu tư cho những VĐV mũi nhọn như Quốc Cường, khi ấy phải chăng chất lượng nền thể thao của chúng ta sẽ hơn hẳn bây giờ?

Ông N.H.M.: Tôi thì lại nghĩ chuyện đầu tư cho một VĐV với một mục tiêu phải phá kỷ lục thế giới như Phan Đăng đặt ra và chuyện đầu tư cơ sở vật chất cho việc làm chủ nhà một kỳ Đại hội thể thao là hai chuyện khác nhau. Chúng ta làm hay không làm chủ nhà ASIAD thì vẫn phải đầu tư cho các VĐV chứ. Đừng nhập hai chuyện này làm một, và đừng mang tư duy đem tiền đầu tư của việc này vào việc kia.

PV: Xin hỏi rất thật, ông có nghĩ chúng ta nên rút quyền làm chủ nhà ASIAD như một bộ phận dư luận đề xuất hay không?

Ông N.H.M.: Hồi chúng ta xin đăng cai, tôi đã nói đi nói lại rằng đấy là việc không nên. Nghĩa là trước sau như một tôi nghĩ nhìn từ góc độ chất lượng nền thể thao và các điều kiện cơ sở vật chất tổ chức một Đại hội thể thao, tôi nghĩ chúng ta không nên đứng ra tổ chức một kỳ Đại hội thể thao tầm châu Á ở thời điểm hiện nay.

Nhưng vấn đề là bây giờ chúng ta đã nhận quyền đăng cai rồi, đã ngồi lên lưng cọp rồi. Nếu rút thì chúng ta sẽ mất điểm về mặt uy tín, danh dự với bạn bè quốc tế, ngoài ra cũng sẽ mất đi động lực phát triển đời sống thể thao nói chung.

Với binh tình này, có lẽ chúng ta cố gắng tổ chức một kỳ ASIAD tiết kiệm nhất, hài hòa nhất có lẽ là một giải pháp hợp lý nhất.

PV: Xin cảm ơn ông!

Dám đặt mục tiêu cao

Ông Nguyễn Hồng Minh.

Nói về chuyện mục tiêu, chiến lược, ông Nguyễn Hồng Minh cho hay vào thế kỷ trước, thể thao Trung Quốc có VĐV nhảy cao Lê Chí Khâm đã nhảy qua mức 2m25, trong khi kỷ lục thế giới thời điểm ấy là mức 2m28. Ngay lập tức Trung Quốc đã đầu tư trọng điểm cho Lê Chí Khâm, và đặt mục tiêu trong vòng từ 2-3 năm, VĐV này phải phá kỷ lục thế giới. Kết quả là 2 năm sau, Lê Chí Khâm đã nhảy qua mức 2m29.

Ông Minh cho hay ở các nền thể thao khác, việc đặt mục tiêu cho các VĐV phải phá kỷ lục thế giới ở môn A, môn B là chuyện rất bình thường, nhưng đây lại là chuyện hiếm ở Việt Nam, cho dù Việt Nam có những môn đạt tầm thế giới như bắn súng.

Nhà báo Phan Đăng (thực hiện)
.
.
.