Chuẩn bị chu đáo cho lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định

Thứ Sáu, 05/10/2012, 15:02
Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định diễn ra vào ngày 5/10 và sẽ có khoảng 2.000 đại biểu các nơi về dự lễ vì thế công tác chuẩn bị rất chu đáo, đặc biệt là công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngày 4/10, đại diện tỉnh Nam Định cho biết: Sẽ có khoảng 2.000 đại biểu các nơi về dự lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định diễn ra vào ngày 5/10. Vì thế, tỉnh đã giao nhiệm vụ đón tiếp khách cho 14 đơn vị trên địa bàn TP Nam Định: Khách sạn Vị Hoàng, Khách sạn Sơn Nam, Khách sạn Công đoàn, Nhà khách UBND tỉnh… chuẩn bị tốt các điều kiện ăn, nghỉ cho đại biểu. Đặc biệt, công tác ATVSTP rất được quan tâm, với việc chỉ đạo các nhà hàng, khách sạn thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về ATVSTP.

Chi cục ATVSTP tỉnh Nam Định đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức khám sức khoẻ, tập huấn công tác ATVSTP cho nhân viên tại 14 khách sạn. Ở tất cả các nhà hàng, khách sạn có khách ăn ở, đều bố trí cán bộ thường trực để giám sát tại chỗ nguồn cung cấp thực phẩm, nguyên liệu đầu vào, sơ chế nguyên liệu thô, bảo quản thực phẩm, khâu chế biến món ăn, đồng thời bố trí thiết bị xét nghiệm nhanh để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây qua thực phẩm...

Với võ công, văn trị lẫy lừng, triều Trần (1225 - 1400) đã ghi vào lịch sử dân tộc những trang vàng chói lọi, làm rạng rỡ văn minh Đại Việt. Thiên Trường vừa là quê hương, vừa là nơi phát tích, khởi nghiệp vương triều Trần. Trong gần 200 năm nhà Trần trị vì, Thiên Trường đã được xây dựng và coi như kinh đô thứ hai, trở thành trung tâm quyền lực, chính trị, văn hoá quan trọng của Đại Việt, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo toàn lãnh thổ, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử đất nước.

Thời thịnh trị, vương triều Trần đã sản sinh ra các vị vua anh minh và anh hùng: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông… cùng nhiều nhân tài trác việt, công danh lừng lẫy cả về văn trị, võ công, và lòng trung quân ái quốc, như Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản... Với hào khí Đông-A, nhà Trần đã lãnh đạo nhân dân 3 lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông, đế quốc phong kiến hùng mạnh nhất lúc đó.

Trải suốt các triều đại phong kiến, từ nhà Hồ, nhà Lê, Mạc, Tây Sơn, nhà Nguyễn cho đến nay, Thiên Trường-Nam Định luôn giữ được vị trí trọng yếu, là nơi địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ, hình thành và tỏa sáng các giá trị văn hoá, tư tưởng, chính trị, quân sự.

Một góc thành Nam thuở trước.

Sau khi thay nhà Lý lên nắm quyền điều hành đất nước (năm 1225), nhà Trần cho xây dựng ở Tức Mặc (Nam Định) -mảnh đất dấy nghiệp của dòng họ mình hành cung và tiên miếu để hàng năm nhà vua về làm lễ. Sau khi nhường ngôi cho con, các thượng hoàng đều về ngự ở Thiên Trường, vua và các quan phải đến chầu theo định kỳ.

Năm 1262, Thượng hoàng Trần Thái Tông xuống chiếu: đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường. Đây còn là một trường đào tạo quan lại. Cai quản phủ Thiên Trường đều chọn những người có phẩm cách tốt, từng trải và đỗ đạt khoa bảng.

Thiên Trường còn là một trung tâm văn hoá đóng góp vào di sản văn hóa dân tộc nhiều tư tưởng, đạo đức, tôn giáo, mỹ thuật, văn học, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhân tài… Hồ Chủ tịch từng khẳng định: “Thời Trần văn giỏi, võ nhiều. Người dân thịnh vượng, trong triều hiển minh”. Truyền thống văn hiến, hiếu học được hình thành từ thời Trần luôn là niềm tự hào của người Nam Định.

Dấu ấn văn hóa đời Trần cũng để lại đậm nét, với các công trình kiến trúc nổi tiếng: cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa, dinh thự, thái ấp, đặc biệt là chùa tháp Phổ Minh cao 14 tầng, chạm khắc tinh xảo, được coi là Đại danh lam của nước Đại Việt, sau này người Pháp gọi là Cổ tích Đông Dương.

Một giá trị văn hoá tiêu biểu của nhà Trần là ý thức hệ tư tưởng Đại Việt kết tinh trong tư tưởng Trúc lâm tông phái. Sự ra đời và sức lan tỏa của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc còn lưu truyền đến ngày nay. Cũng tại đây, có nhiều lễ hội đặc sắc như lễ rước kiệu, hát chầu văn, múa bài bông ... đặc biệt là lễ Khai ấn nay vẫn là một sinh hoạt tâm linh trong đời sống tinh thần của nhân dân cả nước.

Thời đại Hồ Chí Minh, Nam Định lại tự hào khi sinh ra nhiều chiến sĩ cách mạng tiền bối, nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước như các đồng chí Trường Chinh, Trần Văn Lan, Lê Đức Thọ, Tống Văn Trân, Nguyễn Cơ Thạch, Song Hào v.v.. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Nam Định đóng góp sức người, sức của để đất nước ca khúc khải hoàn.

Trong công cuộc đổi mới, Nam Định tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng với sự phát triển không ngừng trên các phương diện và đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Trong không khí linh thiêng của ngày giỗ Quốc công tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định thực sự là một hoạt động ý nghĩa nhắc gợi truyền thống hào hùng của dân tộc với hào khí Đông A lừng lẫy thuở nào!

Thanh Hằng
.
.
.