Chủ tịch Fidel Castro nói về văn hào Hemingway

Thứ Ba, 14/06/2005, 07:22

Trong cuộc trả lời phỏng vấn ký giả nổi tiếng người Tây Ban Nha Norberto  Fuentes, tác giả của đầu sách best-seller “Hermingway ở Cuba”, Chủ tịch Fidel Castro đã dành trọn cả buổi sáng để nói về Ernest Hemingway, đại văn hào lừng danh người Mỹ, đồng thời là người bạn lớn của nhân dân Cuba.

- Ngài có thường xuyên đọc những tác phẩm bất hủ của Ernest Hemingway?

- Tôi đã đọc “Chuông nguyện hồn ai” không dưới 3 lần, cũng như từng xem bộ phim cùng tên. Đọc đi đọc lại “Giã từ vũ khí” và “Ông già và biển cả” rất nhiều lần. Hầu như mọi mẩu chuyện và ký sự của Hemingway về châu Phi tôi đều đã đọc hết, cũng như tất cả các sáng tác thú vị về vùng Caribe...

- Ernest Hemingway là nhà văn được ngài ưa thích nhất?

- Đúng, rất đúng! Một điều chủ yếu lôi cuốn sự lưu tâm của tôi chính là tính thực tiễn hiện diện trong các tác phẩm, cho phép độc giả có được cái  nhìn thấu đáo mọi vấn đề rõ ràng và rành mạch. Ngoài những điều mô tả tuyệt vời về các vùng đất tận châu Phi xa xôi, Hemingway còn có biệt tài đề cập đến biển cả. Đây cũng là một nguyên nhân nữa lôi cuốn tôi, bởi tôi phải thẳng thắn thừa nhận rằng mình rất yêu biển, tôi luôn muốn gần các con sóng vỗ bất cứ khi nào có thể.

- Quả thực là Hemingway có sự quan sát rất tinh tế về vùng nước Golfstreem.

- Đúng, Golfstreem, như nhà văn từng miêu tả là một dòng chảy bất tận và mãnh liệt... Tôi cũng rất am hiểu về dòng hải lưu tinh khôi ấy, ngày đêm miệt mài chảy ven bờ đảo quốc quê hương tôi. Tôi hằng yêu quý và thán phục Golfstreem, do vậy tôi luôn  sẵn lòng cảm thông và chia sẻ những tình cảm của Hemingway khi ông “chu du” dọc theo triền nước bất diệt...

- Vị văn sĩ gạo cội từng có ý định viết một cuốn sách với tựa đề “Lần theo những bí ẩn bất hủ của Golfstreem, nhưng đáng tiếc là đành bỏ dở...

- Ngoài hai điều đã đề cập về tính thực tiễn và lòng yêu biển cả, điều chủ chốt, chính yếu là Ernest Hemingway là một người có đầu óc tiên phong. Tính tiên phong bao trùm thực sự lên mọi suy nghĩ và lời thoại! Nhất là về mặt tâm tưởng, bởi ông là hiện thân của một con người không bàng quan với thế giới “cố hữu” xung quanh, luôn nhận thức rõ trách nhiệm là phải góp phần thay đổi nó. Thứ quan niệm mang tính tiên phong tuyệt đối của một nhà cách mạng chân chính.

- Và bao hàm cả sự can đảm nữa chứ?

- Đúng, tôi khâm phục lòng dũng cảm không chỉ ở cá nhân Hemingway, mà còn thể hiện ở bất cứ một người cầm bút tiên phong nào...

- Thế ngài có nghe về những ý kiến “phủ định” của Hemingway liên quan đến cách mạng Cuba không?

- Tôi có đọc từ báo chí phương Tây ít nhiều về vấn đề này, đúng ra là những lời bình luận về chuyện riêng tư của Hemingway lúc sinh  thời, bao hàm cả ý nghĩa không mấy thân thiện về cái tiến trình đậm chất “đột biến” ở Cuba. Đương nhiên là xuất xứ nguồn của những thông tin trên không rõ ràng lắm. Nhưng một điều hiển nhiên mà ai cũng thấy là, từ địa vị xã hội đầy uy tín của mình, Ernest Hemingway đã nhiều lần lên tiếng bênh vực cách mạng Cuba. Chúng tôi luôn đánh giá cao sự kiện này, coi đó là một niềm vinh dự lớn... Bất chấp tất cả, Hemingway vẫn công khai bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành với cuộc cách mạng vô sản đầu tiên ở Tây bán cầu, thể hiện qua những lời nói và hành động cụ thể.

Nhân đây, tôi cũng muốn giãi bày thêm, ngay cả khi Hemingway có nhã ý phủ định điều gì đó trong sự nghiệp của chúng tôi đi chăng nữa, thì như những nhà cách mạng chân chính, chúng tôi luôn sẵn lòng lắng nghe ý kiến phê bình ấy. Phê và tự phê luôn là nòng cốt tạo nên sự đoàn kết với mọi cuộc cách mạng, điều này thì Hemingway quá tường tận rồi. Phê bình góp ý cũng là một khía cạnh nữa thể hiện lòng nhân bản và giá trị nhân văn. Chúng tôi không mảy may nghi ngờ về sự trung thực của ông đối với cách mạng Cuba, lòng trung thực cùng sự tin tưởng đã được minh chứng qua hàng chục năm.

Hemingway là một nhà văn lớn của nhân loại, người cách mạng lại càng hiểu điều đó. Lòng kính trọng đối với cá nhân ông cũng như các sáng tác của ông là điều bất di bất dịch. Mặt khác, E. Hemingway còn là một bậc vĩ nhân với tầm tri thức rộng lớn, một học giả uyên bác trong việc phân tích nền chính trị quốc tế mà bất cứ người yêu triết học hiện đại nào biết. Do vậy, những nhận xét đánh giá từ ông luôn là những điều hữu ích cho chúng tôi.

- Liệu các kiệt tác của Hemingway có giúp ích gì cho cách mạng Cuba không?

- Có, có chứ, rất nhiều là đằng khác. “Chuông nguyện hồn ai” đề cập tới cuộc sống du kích gian khổ mà hào hùng, ắt sẽ dẫn đến ngày chiến thắng. “Ông già và biển cả” là một kiệt tác trần thuật, chứng tỏ Hemingway là bậc thầy trong mảng tự truyện trên văn đàn thế giới. Điều đáng nói hơn cả là ý chí sắt đá toát ra từ các nhân vật của ông, nôm na là dạng người “chiến thắng không tự mãn, thất bại không bi quan”. Các khẩu hiệu cách mạng như “Chúng ta sẽ biến thất bại thành chiến thắng” trong thời kỳ đấu tranh vũ trang bí mật giành chính quyền, hay "Kẻ thù có thể hủy diệt chúng ta hàng ngàn lần, nhưng không bao giờ khuất phục nổi chúng ta” trong suốt giai đoạn gần nửa thế kỷ qua, khi mà chính giới tư sản quốc tế vẫn hằn học với chế độ mới ở Cuba, chúng tôi đã lĩnh hội được lời cảnh tỉnh thể hiện từ một câu văn bất hủ của Hemingway: “Một con người có thể bị chà đạp - tiễu trừ, nhưng không bao giờ là kẻ thất trận”. Đó cũng chính là lời hiệu triệu cho tất cả những chiến sĩ tranh đấu cho độc lập tự do của mọi thời, cũng như cho một nền văn học sắc bén đầy tính thực tiễn nhân bản.

- Xin cảm ơn nhà lãnh đạo về cuộc trao đổi bổ ích này

Trần Quang Long (theo Granma)
.
.
.