Chữ nghĩa là nghiệp bút nghiên

Chủ Nhật, 28/03/2010, 17:17
Người xưa coi chữ nghĩa là cái nghiệp bút nghiên, thế nên trước khi hạ bút viết một chữ, một câu đều suy nghĩ một cách cẩn trọng, nói như thi hào Maiacôpxki - tác giả của những bài thơ leo thang nổi tiếng - Được một câu thơ phải biết chọn lọc từ nghìn tấn quặng lời.

Phép "thôi xao"

Giả Đảo, tự là Lăng Tiên, đi tu, hay làm thơ. Một đêm trăng sáng, Giả Đảo đến thăm một nhà sư khác. Khi tới gần ngôi chùa, ông nghe thấy có tiếng chim ríu rít trên rặng cây ở bờ ao, liền nảy ra ý thơ: "Điểu túc trì biên thụ" (chim nghỉ trên rặng cây bờ ao). Tới chùa, Giả Đảo đẩy cổng ngoài, lại nghĩ được câu thơ: "Tăng xao nguyệt hạ môn" (Sư gõ cổng dưới trăng), ông liền quay ra, nhưng lại nghĩ: "Mình đẩy cổng, chứ có gõ cổng đâu". Vậy phải thay chữ gõ (xao) bằng chữ đẩy (thôi).

Giả Đảo vừa đi, vừa lấy tay làm hiệu gõ, đẩy, gõ, đẩy,… xem chữ nào hợp hơn. Và thế là ông húc đầu vào xe của quan Doãn kinh triệu Hàn Dũ - một trong bốn người hay chữ, được mệnh danh là nhóm "Tú khẩu câm tâm" thời nhà Đường, Trung Quốc. (Ba người còn lại là Liễu Tông Nguyên, Âu Dương Tu và Tô Tuân, bố Tô Đông Pha).

Lính hầu định bắt tội Giả Đảo, nhưng Hàn Dũ hỏi nhà sư, biết được thi nhân đang mải mê chọn chữ cho câu thơ, nên chẳng những không trách mắng, mà còn góp ý với Giả Đảo rằng, theo ông, nên dùng từ gõ (xao) thì hay hơn là chữ đẩy (thôi).

Vì tích này, người đời gọi việc chọn chữ kỹ lưỡng cho hợp với câu thơ, mạch văn là phép "Thôi xao".

Người thầy một chữ

Vào cuối đời Đường, có hai nhà thơ bạn thân của nhau là Tề Kỷ và Trịnh Cốc. Một lần, làm xong bài "Tảo mai" (mai nở sớm), Tề Kỷ liền đọc cho Trịnh Cốc nghe:

Vạn hủy đông dục chiết
Cô căn độc noãn hoài
Tiền thôn thâm tuyết lý
Tạc dạ sổ chi khai

(Tạm dịch:

Muôn cây cỏ mùa đông tàn lụi
Riêng gốc cây (mai) đơn côi này hơi ấm vẫn hài hòa
Ở thôn Tiền sâu trong tuyết
Đêm qua có vài cành nở).

Trịnh Cốc xem xong khen đây là bài thơ hay, nhưng riêng chữ "sổ" thì chưa được đắt lắm. Vì, khi đã có một vài (sổ) cành mai nở thì chưa thật sự biểu thị được cái sớm (tảo). Nếu thay chữ "sổ" bằng chữ "nhất", thì bài thơ hay hơn nhiều.

Tề Kỷ thấy sự góp ý chí lý quá, rất bái phục và tôn Trịnh Cốc làm thầy với danh xưng "Nhất tự sư". Cụm từ này có thể hiểu theo hai nghĩa: Thầy dạy chữ "nhất"; và cũng có thể hiểu: Thầy dạy một chữ.

Nhân đây cũng xin nói thêm vế thứ hai, mà người Việt ta vẫn thường nhắc tới khi nói về một trong những công lao dạy dỗ của các thầy: "Bán tự vi sư". Chẳng là, nói về chữ "nhất", thì ngoài nghĩa thông thường là "một", còn phải tùy theo ngữ cảnh của câu văn mà hiểu, như:

Nhất sinh cẩn thận (nên sống cẩn thận suốt đời).
Nhất thành nhất biến (không bao giờ thay đổi)
Nhất phát thiên quân (ngàn cân treo sợi tóc)
Nhất nhất (từ đầu đến cuối; trước sau như một) v.v…

Thay lời kết

Trong bài "Ấn tượng Tô Hoài”, khi nhà thơ Vân Long hỏi rằng, ông có nhận xét gì về một số cây bút trẻ đang được công luận chú ý, thì nhà văn Tô Hoài vẫn dè dặt như mọi lần, rằng: "Tôi đọc tác phẩm của anh chị em trẻ xem mỗi người viết như thế nào, chưa có ý kiến gì nhiều. Có thể nói, các anh chị ấy mở ra nhiều cánh, nhưng chữ nghĩa thì chểnh mảng lắm".

Nhận xét đó quả không sai. Hằng ngày đọc sách báo, chúng ta gặp không ít những từ ngữ viết rất "chểnh mảng", mà không tiện nêu ra đây. Mong rằng, giai thoại trên thêm một lần nhắc nhở những người cầm bút hãy cẩn trọng hơn khi dùng chữ, soát xét lại bài viết trước khi giao đứa con tinh thần của mình tới bạn đọc

Lê Trung Đản (sưu tầm)
.
.
.