Chọn thầy cho ĐT Việt Nam: "Đánh thật" và "Đánh ảo"

Thứ Bảy, 26/04/2014, 10:38
Bỗng nhiên cái tin cựu danh thủ Desailly và cựu HLV trưởng ĐT Malaysia Rajagobal là những ứng cử viên (ƯCV) nặng ký cho ghế thuyền trưởng ĐT Việt Nam (ĐTVN) được "xì" ra. Thế nhưng lại vẫn có người nghi ngờ nó chỉ là một "miếng đánh ảo" để che chắn cho một "miếng đánh thật" là VFF vẫn rất khoái và rất muốn mời thầy Nhật.

Desailly và Rajagobal là ai vậy? Người thứ nhất là một cựu danh thủ tiếng tăm, từng có tên trong đội hình vô địch World Cup 1998 của ĐT Pháp, còn người thứ hai đã từng cùng ĐT U.23 Malaysia và ĐTQG Malaysia vô địch  SEA Games,  AFF Suzuki Cup, cũng đồng thời là người mở đầu cho trào lưu "dùng thầy nội" ở các nền bóng đá Đông Nam Á.

Nhưng với người thứ nhất, kinh nghiệm huấn luyện là con số 0 tròn trĩnh, và thật khó tin là VFF dám "đánh bạc" với một ông HLV sở hữu một số "0" to đùng như vậy. Còn với người thứ hai, kinh nghiệm huấn luyện và sự hiểu biết về bóng đá Đông Nam Á là điều không cần phải bàn cãi, nhưng cũng thật khó tin là VFF lại để một HLV của một nền bóng đá chỉ ở mức ngang ngửa mình sang dẫn dắt ĐTQG nước mình, và dạy các cầu thủ nước mình đá bóng. Tóm lại, vì những lý do khác nhau mà cả hai cái tên nói trên đều rất khó là những cái tên được lựa chọn sau cùng. Thế thì ai mới là những cái tên được lựa chọn? Vẫn phải nhắc đi nhắc lại rằng sau thất bại của ĐTVN tại AFF Suzuki Cup năm 2012, khiến thầy nội Phan Thanh Hùng đệ đơn từ chức thì ông Lê Hùng Dũng (khi đó giữ vị trí Phó Chủ tịch tài chính VFF) đã đề xuất phương án dùng thầy Nhật, với suy nghĩ "bóng đá Nhật phù hợp với con người Việt Nam".

Desailly đột nhiên xuất hiện trong danh sách ƯCV thuyền trưởng ĐTVN - có gì lạ không?

Và mới đây, khi vừa đắc cử ghế Chủ tịch nhiệm kỳ VII VFF, ông Dũng lại khẳng định lần nữa cái mong muốn dùng thầy Nhật của mình. Mà không chỉ dừng lại ở việc mong muốn, ông Phó Chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn và Tổng Thư ký Lê Hoài Anh sau đó cũng đã bay sang Nhật tìm thầy. Cái kiểu ông Chủ tịch Liên đoàn hô "thầy Nhật" và thuộc cấp của ông lập tức lên đường sang Nhật đã bị dư luận và các nhà chuyên môn đặt nhiều dấu hỏi. Hỏi rằng, vì sao việc dùng thầy Nhật lại được quyết nhanh, quyết mạnh đến như vậy? Hỏi rằng, vì sao không có bất cứ một sự phản biện cần thiết nào từ các bộ phận chuyên môn Liên đoàn hay các thành viên của Hội đồng HLV QG trong câu chuyện mang tính đại sự này? Rõ ràng là những câu hỏi ấy đã khiến bộ máy lãnh đạo, điều hành VFF để lộ ra nhiều cái dở. Bây giờ thì người ta lại nói đến một ông thầy Pháp (Desailly), một thầy Malaysia (Rajagobal), và một vài ông thầy châu Âu kém tên tuổi khác. Dĩ nhiên là bên cạnh những con người, những cái tên này vẫn có một... ông thầy Nhật được đưa vào. Nó tạo cho người ta một cảm giác là diện tuyển chọn đã rộng hơn và với sự mở rộng ấy thầy Nhật không còn là thứ "bảo bối" duy nhất như trước nữa.

Vẫn theo những gì người trong cuộc tiết lộ thì cuộc tuyển thầy rồi sẽ tuần tự trải qua các bước như tuyển chọn hồ sơ, gặp gỡ tiếp xúc rồi mới đi tới kết luận cuối cùng, chứ không phải kiểu một người "tiền hô", thế là nhiều răm rắp "hậu ủng" như trước nữa. Nếu đúng là VFF đã chịu lắng nghe và có những thay đổi trong việc tìm thầy theo chiều hướng tích cực thì họ xứng đáng được nhận một tràng vỗ tay. Nhưng nếu mọi thứ chỉ giống như một "miếng đánh ảo" để che đi "miếng đánh thật" về việc đã có những ông thầy Nhật được đưa vào "chung kết" thì chắc chắn Liên đoàn mất điểm.

Chỉ từ một cuộc chọn thầy người ta rồi sẽ "ngửi" ra nhiều thứ liên quan đến cách nghĩ, cách làm, cách ứng xử của một ê kíp mới thành hình.

Cứ chờ xem sao!

Diệp Xưa
.
.
.