Sân khấu kịch xã hội hóa TP Hồ Chí Minh:

Chơi vơi giữa nghệ thuật và gánh nặng "áo cơm"

Thứ Tư, 19/11/2014, 09:32
Quanh năm sáng đèn, địa chỉ sân khấu kịch mới liên tục được mở thêm, số lượng vở dựng mới mỗi năm một nhiều giúp sân khấu kịch nói TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về hoạt động sân khấu cả nước. Thế nhưng, "cánh chim đầu đàn" này đang ngày càng bộc lộ nhiều yếu điểm mà xuất phát chính là từ các đơn vị sân khấu kịch xã hội hóa...

Tối cuối tuần, dòng người lục tục đổ về Nhà thiếu nhi quận 10, TP Hồ Chí Minh để xem "Buồn ơi, chào mi", vở diễn mới ra mắt của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Điểm lạ so với cách làm quen thuộc của sân khấu TP Hồ Chí Minh nhằm thu hút khán giả là vở diễn gần như không có diễn viên ngôi sao. Đảm nhận các vai diễn chính đều là các gương mặt trẻ: Ngọc Tưởng, Hoàng Vân Anh, Thế Hải, Thái Trang, Đoàn Thanh Phương, Cao Tiến, Khánh Vân, Tấn Đạt, Phương Anh…

Có lẽ e ngại thói quen nhìn danh sách diễn viên tham gia diễn xuất để quyết định mua vé của khán giả nên ngay trước thời điểm vở diễn chính thức mở màn, NSƯT Thành Hội đã phải dành đến gần chục phút để "rào trước đón sau". Đầu tiên là quãng thời gian khó khăn nhất của các nghệ sĩ trẻ khi mới vào nghề, chưa được khán giả đón nhận. Những giọt mồ hôi, tâm sức và cả những giọt nước mắt của các nghệ sĩ trẻ khi tập luyện trên sàn diễn. Và sau cuối là hứa hẹn về một vở diễn chỉn chu, tử tế, không khiến người xem thất vọng nếu kiên nhẫn chịu ngồi xem đến cùng.

"Buồn ơi, chào mi" đã không phụ lòng người yêu thích nghệ thuật sân khấu. Sau những phần đầu khá dàn trải của vở diễn, câu chuyện được đẩy lên cao trào với nhiều kịch tính hơn. Cùng với những mâu thuẫn nội tại, giằng xé nội tâm của từng nhân vật, những va đập của các mối quan hệ, người xem bị cuốn vào câu chuyện, sống trọn với mọi cung bậc cảm xúc từ vở diễn mang đến.

Cảnh trong vở "Buồn ơi, chào mi" của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.

Phải nói thêm rằng, với mối quan hệ nhạy cảm giữa các nhân vật, nếu muốn tạo sự tò mò để "câu khách", chắc hẳn đạo diễn sẽ có rất nhiều cớ để đẩy thêm những cảnh giường chiếu lên sân khấu. Thế nhưng, đạo diễn, NSƯT Thành Hội đã không tận dụng. Như lời hứa của anh và đạo diễn Ái Như ngay từ ngày mới thành lập sân khấu và ngay trước khi mở màn vở diễn, "Buồn ơi, chào mi" là cố gắng làm sân khấu một cách tử tế. Kết quả, vẫn là chuyện tình yêu, tình người - đề tài muôn thuở nhưng với "Buồn ơi, chào mi", tập thể nghệ sĩ trên sân khấu Hoàng Thái Thanh hôm ấy đã lay động trái tim khán giả ngồi xem kịch. Vở diễn khép lại, người xem rời rạp khi đã 11h khuya nhưng âm vang của "Buồn ơi, chào mi" vẫn như khúc nhạc trong veo, gieo niềm tin yêu về tình người, về cuộc sống.

Thực tế, trước "Buồn ơi, chào mi", Hoàng Thái Thanh là địa chỉ của nhiều vở diễn được đánh giá vượt trội trong bình diện chung của sân khấu kịch nói vài năm trở lại đây: “Sông dài”, “Đêm thiên nga”, “Hãy khóc đi em”, “Nửa đời ngơ ngác”... Nhưng, trong một buổi tiếp xúc với đoàn đại biểu Ban văn hóa, xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh, cả Thành Hội và Ái Như đều chia sẻ rằng, làm sân khấu như họ hiện nay, thu đủ bù chi đã là may. Thậm chí, vì đam mê sân khấu, họ có thể chấp nhận thua lỗ. Người am tường chuyện hậu trường truyền tai nhau rằng, sở dĩ Thành Hội, Ái Như có thể chấp nhận được hoàn cảnh bởi họ có người thân hậu thuẫn, hỗ trợ cả về mặt tinh thần lẫn vật chất.

Phần lớn các sân khấu khác, từ sân khấu kịch theo kiểu truyền thống đến nhỏ gọn theo mô hình kịch cà phê, việc chấp nhận "ăn độn" là thực tế hiển nhiên. Những món "ăn độn" là các vở nghiêng nặng về tấu hài, mượn sex, kinh dị để kéo khán giả đến rạp mua vé. Tùy theo từng "thương hiệu" và tay nghề của người lèo lái mà số lượng vở dựng theo kiểu "ăn độn" này nhiều hay ít. Ngay NSND Hồng Vân, người nhiều năm lăn lộn với sân khấu kịch, thành công đã nhiều nhưng vẫn phải chấp nhận làm sân khấu theo cách xen kẽ dựng vở được đầu tư nhiều, vở đầu tư ít. Ngoài những vở diễn làm nên dấu ấn trong sân khấu kịch vài năm trở lại đây, kịch hài vui vui, kịch kinh dị cũng là "đặc sản" dành cho những đối tượng khán giả nhất định.

Dù Hồng Vân từng chia sẻ, đại ý rằng đã có lúc chị rất ân hận khi là một trong những người sinh ra dòng kịch ma, nhưng sau hàng loạt vở kịch kinh dị, sau những vở “Người vợ ma” 1, “Người vợ ma” 2, sân khấu Phú Nhuận của chị vẫn tiếp tục chuẩn bị ra mắt thêm “Người vợ ma” 3. Lý do là có không ít khán giả chỉ chăm chăm tìm xem kịch kinh dị. Họ mua vé vào rạp như một cách để tìm cảm giác mạnh, giải tỏa căng thẳng hơn là thưởng thức nghệ thuật sân khấu kịch nói. Mua vé xem kịch kinh dị như là một thói quen, tương tự như một số khán giả chỉ thích mua vé vào xem hài và xem diễn viên họ yêu mến.

Sẽ không có gì đáng nói nếu để đáp ứng nhu cầu nói trên của khán giả, kịch hài nặng tấu hài, kịch kinh dị đua nhau "ra đời" và số lượng ngày càng áp đảo. Không ít người thốt lên rằng, sân khấu hiện nay đang "ít người, nhiều ma". Trong hội thảo "Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay", NSƯT Trần Minh Ngọc, một trong những thành viên thường xuyên của hội đồng thẩm định các vở diễn tại TP Hồ Chí Minh trước khi ra mắt khán giả đã thẳng thắn nhận định: "Sân khấu hôm nay đang thịnh hành là sân khấu giải trí, đáp ứng những đòi hỏi của một bộ phận khán giả có điều kiện tiêu khiển, giải trí theo một sở thích cá nhân, không tiêu biểu hay đại diện cho cộng đồng, cho số đông công chúng". Và "Cái được là có khán giả, có doanh thu, bảo toàn đồng vốn..., còn cái chưa được thì ai cũng biết, cũng thấy nhưng cố tình bỏ qua". Hầu hết các lý do được đưa ra để biện minh nghe có vẻ rất hợp tình, hợp lý: gánh nặng "áo cơm" đang không chừa một ai, kể cả các nghệ sĩ

Ngọc Nguyễn
.
.
.