Chợ tem ở đất Hà Thành

Thứ Bảy, 05/02/2011, 15:20
Không ồn ào, không tấp nập, không chen lấn xô đẩy, không có tiếng mặc cả qua lại, đó là những điều người ta khó tìm thấy ở một nơi được gọi là chợ. Đó là chợ tem tồn tại từ nhiều năm nay ở chốn Hà thành. Một điều đặc biệt là gần 8 năm qua, chợ họp phiên đều đặn, tuần một lần vào sáng chủ nhật từ 9h đến 12h mà chưa từng nghỉ buổi nào, bất kể ngày lễ, hay ngày Tết.

1. Tháng 12, Hà Nội bắt đầu đón những đợt rét đậm đầu mùa. Vào ngày nghỉ cuối tuần, nếu không có việc thật quan trọng, thì chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện ra đường sớm, khi mà những lớp sương giá lạnh còn chưa kịp tan hết. Ấy vậy mà, khi đồng hồ chưa đánh đủ 9 tiếng, tôi có mặt tại chợ tem vỉa hè, đã thấy hơn chục người già có, trẻ có, người nước ngoài cũng có đang ngồi quây quần bên chiếc bàn cũ, chăm chú ngắm những con tem được xếp thành từng bộ trong những chiếc album. Chắc thấy tôi là người lạ nên họ tỏ ra vồn vã, cởi mở kéo ghế mời tôi ngồi. Không ồn ào như những chợ khác, chợ tem yên lắng hơn.

Cả người bán và người mua cùng ngồi nhâm nhi bên chén trà nóng, họ ngắm nghía từng con tem, từng chiếc phong bì có dấu còn ghi rõ địa chỉ người gửi và địa chỉ người nhận, rồi kể cho nhau những kỷ niệm đi sưu tầm tem, lịch sử xuất xứ của các con tem, hay thậm chí ngồi phân tích, bình luận về nghệ thuật trên từng chủ đề mà người chơi tem đang sưu tầm… Anh Phạm Hào, người có thâm niên hơn 30 năm sưu tầm tem, cũng là một trong những người sáng lập chợ tem vỉa hè thổ lộ: Chợ tem hình thành tự phát từ những người chơi tem. Lúc đầu, để giao lưu, những người chơi tem thường hẹn nhau ở quán cà phê trên phố Triệu Việt Vương, rồi trong quá trình giao lưu, trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm, ai còn thiếu con tem nào trong bộ sưu tập của mình thì hay hỏi, ai có bán thì chào hàng… lâu dần thành chợ.

Chợ tem Hà Nội.

Trước kia, tham gia họp chợ, chủ yếu là các bậc hưu trí, có nhiều thời gian rảnh rỗi. Song vài năm gần đây, giới trẻ chơi tem nhiều và tham gia các phiên chợ cũng ngày một đông, có hôm lên tới 30-40 người. Người nào cũng có vài đến hàng chục quyển album tem các loại. Bác Nguyễn Tiến Đạt, một "cây đa cây đề" khác trong làng tem và cũng là một thành viên quen thuộc đối với chợ tem bộc bạch, từ khi chợ tem hoạt động, tôi có điều kiện chia sẻ niềm đam mê của mình với những người yêu tem. Đối với bác, những cuộc gặp mặt vào sáng chủ nhật hàng tuần đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu để thỏa mãn vì cái thú được nhìn ngắm, được nói về tem. Bên cạnh một số người phiên chợ nào cũng có mặt, cũng xuất hiện khá nhiều khách vãng lai. Có thể đó là những người mới lần đầu nghe tiếng đến xem cho biết, người yêu tem nhưng quá bận tranh thủ tới chơi. Và không ít thành viên câu lạc bộ bạn yêu tem ở các tỉnh, nhân chuyến công du hoặc hội họp đã ghé qua gặp mặt những người yêu tem Hà thành và tìm kiếm những con tem cho bộ sưu tập của mình.

2. Nếu như ngày xưa người chơi tem thường dán tem vào các quyển sổ, không theo một trình tự cụ thể, thì nay người chơi tem thường để tem vào những quyển album khá đẹp, với cách trình bày theo từng chủ đề bắt mắt. Ở chợ tem, người chơi nào cũng có từ vài bộ đến vài chục bộ tem truyền thống để riêng, khi nào gặp bạn thì mang ra khoe thành tích. Còn tem bán được gài thành từng bộ, theo những chủ đề khác nhau có ghi sẵn giá, chủ yếu là tem nhập ngoại, hoặc những bộ tem Việt Nam phát hành có số lượng nhiều. Tem chơi được phân làm hai loại: tem sống và tem chết. Tem sống là tem chưa qua sử dụng, chưa đóng dấu, chưa bị hủy; còn tem chết là tem đã đóng dấu của bưu điện. Giá tem chơi cũng rất mềm. Tem lẻ chỉ 1.000 - 2.000 đồng/chiếc, bộ 6 chiếc tem hội họa (là loại tem được ưa chuộng nhất) cũng chỉ 35.000 đồng. Tem dán trên phong bì đã qua sử dụng giá cao hơn chừng 6.000 - 7.000 đồng/chiếc.

Tuy nhiên, giá tem chơi cũng dao động mạnh. Theo lời kể của một số người có kinh nghiệm, con tem có giá trị là những con tem mang dấu ấn lịch sử và văn hóa; hay những con tem còn phong bì thư hoàn hảo cả mặt trước, mặt sau cho đến cả răng tem. Ví dụ, con tem đầu tiên do Việt Nam phát hành vào năm 1946 in trên giấy thủ công, thời đó lại chưa có bàn đột răng mà phải dùng máy khâu để tạo răng, in bằng "công nghệ" bàn đá nên hình thức rất xấu nhưng giờ con tem loại này lại được bán với giá rất cao.Hay như con tem dán trên phong bì có đóng dấu bưu điện thời ngụy đã được bán với giá 500.000 đồng. Song, đây chưa phải là con tem có giá cao nhất từng được giao dịch tại chợ tem.

Bác Đào Đức Long, Ủy viên BCH Hội Tem Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội tem Hà Nội cho hay, trên thị trường chơi tem, bộ tem gồm 4 chiếc về anh hùng Mạc Thị Bưởi là bộ tem đắt nhất. Mạc Thị Bưởi (1927-1951), quê ở Hải Dương, là du kích, là cán bộ lãnh đạo quần chúng chống giặc Pháp xâm lược trong những năm 1949-1951. Một lần không may chị bị địch bắt. Chúng tra tấn bằng cực hình, nhưng chị kiên quyết không khai báo. Giặc đã treo chị lên cây tre và giết hại chị hết sức dã man. Chị Mạc Thị Bưởi đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Để tưởng nhớ người nữ anh hùng, ngày 3/11/1956, ngành Bưu điện đã phát hành 4 mẫu tem Mạc Thị Bưởi do họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ. Hiện giá của bộ này tuỳ vào chất lượng sẽ dao động từ 4.000.000đ đến 8.000.000đ, thậm chí trên một số diễn đàn tem online giá còn lên tới gần 600 USD. Sau bộ tem này, thì những chiếc "tem không có giá" ra đời năm 1966, người chơi gọi là tem xanh lá mạ, một loại tem ngày xưa từng một thời chỉ dùng trong quân đội, chứ không bán ngoài thị trường là loại đang được người sưu tầm ưa chuộng. Giờ bộ tem này thường có giá từ 1 triệu đến gần 2 triệu đồng. 

3. Tuy hoạt động tự phát ở vỉa hè, song chợ tem cũng có những quy tắc nhất định. Đó là những người đến với chợ tem, chỉ bàn luận về những con tem chứ không tham gia nói xấu hay bình phẩm những vấn đề khác. Người mua, người bán không mặc cả, không "làm giá" với những người mới chơi hay người thiếu hiểu biết về giá trị con tem. Thậm chí, để tránh tình trạng "chảy máu tem chơi", nhiều người có những con tem Việt Nam quý khi mang đến chợ để "khoe", gặp khách nước ngoài mua với giá cao, họ cũng không bán, anh Phạm Hào chia sẻ.

Anh cũng thổ lộ, chơi tem là một thú chơi lắm công phu. Nó đòi hỏi người chơi ngoài tầm hiểu biết còn là sự kỳ công. Có người chơi tem để nâng cao học vấn, có người dùng tem để rèn luyện bản thân, có người lại phục vụ cho công việc của mình như tham khảo hội họa. Trên mỗi con tem, người chơi đều tích lũy được trong nó những kiến thức về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật độc đáo. Chính vì vậy, trong suốt gần 8 năm qua, chưa một chủ nhật nào chợ tem ngừng hoạt động, thậm chí cả trong những ngày Tết Nguyên đán. Đây có thể coi là một dịp đáng nhớ nhất trong năm của những người được gọi là "khách quen" của chợ. Vì là thân quen, nên hầu như ai chơi tem chủ đề gì, có những con tem gì, loại nào… đều được mọi người ở đây nắm khá rõ. Chẳng thế mà, những ngày Tết, người chơi tem đều tụ về chợ không phải để mua, bán mà chỉ để cùng nhau trò chuyện về những bộ tem Tết mới ra hay "lì xì" nhau những con tem người chơi còn thiếu để lấy hên đầu năm. 

Tại Hà Nội, ngoài chợ tem số 160 Triệu Việt Vương, mới đây ngay tại trụ sở Công ty Tem 14 Trần Hưng Đạo, một phiên chợ nữa cũng đã được tổ chức thường niên vào sáng thứ 7. Tuy nhiên, chợ tem hè phố vẫn được coi là một địa điểm văn hóa được ưa chuộng và không thể thiếu của những người yêu thích con tem bé nhỏ nhưng đầy ý nghĩa

Thanh Huyền - CAND Tết 2011
.
.
.