Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII:

Chính phủ đề xuất miễn, giảm thuế đất nông nghiệp thêm 10 năm

Thứ Ba, 26/10/2010, 13:26
Hôm qua 25/10, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo tờ trình của Chính phủ, có 4 lý do để tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020.

Thứ nhất nhằm quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; thứ 2 để góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nông dân; thứ 3 nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Lý do cuối cùng là tuy trong 10 năm tới đời sống người nông dân sẽ được cải thiện, nhưng vẫn còn khó khăn so với mặt bằng chung của xã hội, việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các đối tượng sản xuất nông nghiệp là cần thiết và phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tán thành với việc cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, trước mắt có thể tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, song về lâu dài, cần thiết phải thu thuế đối với việc sử dụng đất nông nghiệp bởi thực tế cho thấy, trong thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, bên cạnh những kết quả tích cực cũng phát sinh thiếu sót trong quản lý, sử dụng đất đai như sử dụng kém hiệu quả, bỏ hoang hóa đất tại một số địa phương.

Hơn nữa, cần hạn chế tối đa việc miễn, giảm thuế nhằm bảo đảm bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các đối tượng sử dụng đất đối với Nhà nước, bình đẳng giữa các lĩnh vực kinh tế và giữ được tính trung lập của chính sách thuế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, thì miễn, giảm thuế thực chất là chính sách ưu đãi về thuế. Vì vậy, việc miễn, giảm cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào lĩnh vực cụ thể, tránh ưu đãi dàn trải, kém hiệu quả. Đồng thời, cần phân loại đối tượng được miễn, giảm thuế theo mục đích sử dụng đất (đất trồng lúa, làm muối, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp,…), phân kỳ sử dụng đất (mới đưa vào sử dụng hoặc đã canh tác lâu năm) để có chính sách miễn, giảm phù hợp.

Những ý kiến đề nghị miễn toàn bộ số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp đối với mọi đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích, xuất phát từ thực tế là số thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay không lớn (chỉ khoảng 84 tỷ đồng/năm) không đủ bù đắp chi phí cho bộ máy thực hiện thu. Hơn nữa, việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp sẽ tạo tâm lý đồng thuận trong nhân dân, góp phần khuyến khích nông dân yên tâm sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách "tam nông".

Cũng trong phiên họp hôm qua, một số dự án luật cũng được trình Quốc hội xem xét. Trong đó có dự án luật sửa đổi, bổ sung một số quy định giữa Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND nhằm đảm bảo sự thống nhất trong các quy định cụ thể của 2 đạo luật này. Đó là 2 luật này có quy định khác nhau về nhiều nội dung, trong đó có vấn đề về chỉ đạo bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử, số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu, trình tự, thủ tục, thời hạn thực hiện các bước trong quy trình bầu cử.

Với các quy định khác nhau như vậy, nếu vẫn tiến hành quy trình bầu cử độc lập theo từng luật thì sẽ rất phức tạp trong chỉ đạo bầu cử chung và tổ chức thực hiện, gây lãng phí về thời gian, tiền của và công sức. Vì vậy, để tổ chức thực hiện cuộc bầu cử chung trong cùng một ngày có tính khả thi, bảo đảm thuận lợi, tiết kiệm thì cần phải có sự thống nhất về một số quy định giữa 2 luật này; đồng thời cần sửa đổi một số vướng mắc về tổ chức thực hiện bầu cử đã phát sinh trong các cuộc bầu cử vừa qua.

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này cho biết quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật nhằm góp phần bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và là ngày hội của toàn dân

Tuấn-Trường
.
.
.