Chim sợ cành cong

Thứ Hai, 21/05/2007, 08:45
"Một lần thất tín, vạn lần bất tin" nên khi Sông Lam vấp Hoà Phát và trước đó là trận đấu với Đà Nẵng ở vòng 9, người ta không tránh khỏi bán tín, bán nghi trong nỗi sợ hãi. Nỗi sợ giống như nỗi sợ của con chim đã một lần trúng tên luôn hãi cành cong.

Vòng đấu áp chót của lượt đi V.League 2007 đã chứng kiến một bất ngờ lớn: SLNA ngã ngựa 1-2 ngay trên sân nhà trước một Hoà Phát bét bảng.

Bóng đá luôn là thế. Bất ngờ là một thuộc tính căn bản của trò chơi này. Vậy nên chuyện sân Vinh bị "động đất" bởi thầy trò HLV Vương Tiến Dũng cũng đâu là lạ. Nhưng lạ lùng ở chỗ trong bóng đá Việt, dường như mỗi khi một đội bóng yếu thắng một đội bóng mạnh luôn tạo ra mảnh đất màu mỡ cho những người đa nghi gieo những nghi ngờ.

Thất bại của một đội bóng như SLNA trên sân nhà trước Hoà Phát càng không phải là ngoại lệ. Nó bị không ít người đa nghi soi dưới góc độ bất thường hơn là bất ngờ. Nó cũng bị không ít những dòng tít báo ám chỉ theo cái kiểu: "SLNA "biếu không" 3 điểm cho Hoà Phát"; "Bàn thua khó hiểu"; "Chủ nhà hờ hững"v.v và v.v...

Phải chăng người ta thấy bất thường bởi SLNA đã thua trong một trận đấu mà họ phải thắng và có thể thắng, thậm chí còn dẫn bàn trước?

Phải chăng người ta thấy bất thường bởi Hoà Phát đã thắng trong một trận đấu mà họ gần như không có cửa thắng vì những thiếu hụt về nhân sự và vì chiến thắng dường như đã bỏ quên đội bóng này từ lâu?

Và hơn thế, phải chăng người ta thấy bất thường còn bởi cú ngã đau đó lại in nhiều dấu ấn sai lầm của một số trụ cột đội chủ nhà, trong đó phải kể đến một cầu thủ kiêm HLV phó - một người có ảnh hưởng khá lớn trong đội bóng xứ Nghệ đến mức có một thời người ta bảo nhau rằng, cứ nhìn cầu thủ này đá mà đoán Sông Lam sẽ chơi như thế?

Hay người ta thấy bất thường khi nhớ lại những duyên tình xưa cũ giữa bóng đá xứ Nghệ và Hoà Phát qua những cuộc luân chuyển quân của hai đội để rồi "ừ", "à" mà đoán về một cuộc giải cứu qua màn chủ nhà đãi khách?

Nhưng...

Người ta có thể quên những tuyên bố về một thứ bóng đá sạch, bóng đá quân tử của HLV trưởng Hoà Phát, Vương Tiến Dũng với cái lập luận: Bóng đá thời này, lúc lâm nguy ít ai dám chết đứng kiểu Từ Hải. Thế nhưng, đừng quên, Sông Lam mùa này chơi trên sân nhà thành Vinh giống như chơi trên "tử địa", bởi lẽ 4 trận thua từ đầu giải đến nay của họ đều diễn ra ở đây, trong khi số trận thắng sân nhà chỉ bằng một nửa.

Sông Lam mùa này thực lực so với các đội bóng khác không còn vượt trội như mấy năm về trước để mà nói rằng, không thể thua. Chẳng phải trước cái hạn "sát chủ" trước Hoà Phát hôm rồi, họ cũng đã từng bị các đội bóng thuộc dạng tầm tầm như Huế và Thanh Hoá đả bại trên sân Vinh hay sao.

Sông Lam mùa này cũng không dư dả điểm số để ban phát ơn huệ. Hiện tại, họ đang chôn chân ở nửa cuối bảng xếp hạng nên cứu mình còn chưa xong, nói chi đến việc cứu bạn.

Những phản đề trên đặt ra một câu hỏi: Nguồn cơn của những nghi ngờ và cả những điều thị phi xung quanh một số trận đấu của SLNA ở lượt đi mùa này, phần nhiều bắt nguồn từ thực tế sân bãi hay từ nỗi sợ hãi bóng ma quá khứ? Cơn bão tiêu cực quét qua xứ Nghệ đã lấy mất của bóng đá SLNA rất nhiều trong hai năm qua, từ danh tiếng, thành tích, con người làm bóng đá đến những danh thủ, những người hùng, những thần tượng.

Nhưng cái mất lớn nhất và tổn thương lớn nhất là lòng tin của người hâm mộ. Vụ SEA Games 23, vụ mua cup vô địch, vụ ông Nguyễn Thành Vinh, hàng loạt những vụ việc tiêu cực đã tạo ra những cái nhìn ác cảm vào bóng đá nơi đây như một... ổ bán độ, thay vì một quyền lực của làng bóng (cho dù là quyền lực xưa cũ).

"Một lần thất tín, vạn lần bất tin". Thế nên khi Sông Lam vấp Hoà Phát và trước đó là trận đấu với Đà Nẵng ở vòng 9, người ta không tránh khỏi bán tín, bán nghi trong nỗi sợ hãi.

Nỗi sợ giống như nỗi sợ của con chim đã một lần trúng tên luôn hãi cành cong.

Nỗi sợ giống như nỗi sợ của đôi chân đã một lần đi lạc sợ quen với lối vòng ngày xưa.

Nỗi sợ đó cũng là một phần món nợ của những sai lầm quá khứ mà ở hiện tại, bóng đá Sông Lam chưa trả xong!

Bảo Hân
.
.
.