Vợ chồng TS Nguyễn Khắc Thuần – Th.S Lý Thị Mai:

Chia sẻ gia tài cho thế hệ mai sau là hạnh phúc

Thứ Hai, 25/04/2016, 09:28
Cả hai vợ chồng TS Nguyễn Khắc Thuần đều khẳng định, bên cạnh công việc giảng dạy, gia đình họ “sống được” còn nhờ vào sách. Liên tục trong mấy chục năm qua, hạnh phúc nghề nghiệp lớn nhất của vợ chồng ông là mỗi ngày sau khi rời bục giảng ở các trường đại học, các diễn đàn trở về, cả nhà lại được thanh thản đắm mình trong kho sách gia đình.


Nếu chưa kể cuốn sách độc bản “Tổng tập sắc phong Việt Nam” vừa được hiến tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hiện nay TS. Nguyễn Khắc Thuần đã có khoảng 315 đầu sách được xuất bản. Ông hay đùa vui rằng, sách - gia tài lao động một đời của mình, xếp chồng lên nhau thì đã vượt quá cả chiều cao bản thân. 

Người bạn đời của ông – chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai cũng đó có hơn 20 tác phẩm được xuất bản và 14 tác phẩm đã hoàn thiện bản thảo. Một phần gia tài đồ sộ của cặp đôi trí thức nổi tiếng này đã, đang được họ chia sẻ cho cộng đồng như một cách làm thiện nguyện không phải chỉ cho một thế hệ…

Nếu thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai nổi tiếng với số đông công chúng với nhiều chương trình tư vấn tâm lý trên sóng phát thanh thì TS Nguyễn Khắc Thuần chủ yếu nổi tiếng trong giới học thuật, nhất là khoa học lịch sử. 

Vợ chồng TS Nguyễn Khắc Thuần, Lý Thị Mai.

TS Nguyễn Khắc Thuần là giảng viên của nhiều trường đại học. Ông về hưu đã khá lâu nhưng hiện nay vẫn tiếp tục gắn bó với bục giảng. Trên nhiều chương trình của các đài phát thanh, truyền hình và các diễn đàn được tổ chức tại nhiều tỉnh thành mấy chục năm qua, ông là gương mặt khá quen thuộc, đặc biệt là trong các chương trình liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam. 

Trong giới chuyên môn, TS Nguyễn Khắc Thuần cũng nổi tiếng là người có bút lực mạnh mẽ. TS Nguyễn Khắc Thuần thừa nhận rằng cả cuộc đời ông sống được còn nhờ vào sách. Trong số sách khảo cứu của ông có hai bộ được công nhận kỷ lục Việt Nam: Bộ “Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam” là Công trình lớn nhất về lịch sử văn hóa Việt Nam do một người biên soạn, bộ “Lê Quý Đôn tuyển tập” là Công trình dịch thuật, hiệu đính và chú giải sách chữ Hán cổ lớn nhất do một người thực hiện. Bộ “Lê Quý Đôn tuyển tập” gồm 8 tập, nặng hơn 10kg. Bộ “Tổng tập sắc phong Việt Nam” nặng đến hơn 150kg.

TS Nguyễn Khắc Thuần cho biết, “Tổng tập sắc phong Việt Nam” là những tư liệu ông đã dày công sưu tập trong suốt cả cuộc đời. Với người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy như ông, tư liệu giống như máu để nuôi cơ thể. Cả ông và vợ đều xác định, những tư liệu ấy, tâm sức của bản thân, nếu cho đi mà giúp ích được cho cuộc đời, cho đất nước thì sẽ không có gì đáng tiếc. Đây cũng là cách thức mà hai vợ chồng ông chọn lựa trong việc sử dụng gia tài của mình nhiều năm trở lại đây.

Với cách thức làm sách không để bán mà trao tặng cho các trường học, thư viện, bạn đọc vùng sâu vùng xa, đến nay, có ít nhất 3 đầu sách được vợ chồng TS Nguyễn Khắc Thuần, Lý Thị Mai thực hiện. 

Trong đó, tập sách mới nhất – “Thức cùng thiên cổ” chọn lọc giới thiệu 33 báo cáo khoa học của TS Nguyễn Khắc Thuần và 22 báo cáo khoa học của thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai. Sách in 1.000 bản và 300 bản đầu tiên đã được tặng cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. 700 bản còn lại đang được vợ chồng ông lên kế hoạch trao tặng cho các thư viện và trường học. 

Dự kiến, nhiều cuốn sách mang tính thiện nguyện tương tự cũng đang được vợ chồng ông tiếp tục thực hiện nhằm chia sẻ kiến thức với cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và tương lai.

Cả hai vợ chồng TS Nguyễn Khắc Thuần đều khẳng định, bên cạnh công việc giảng dạy, gia đình họ “sống được” còn nhờ vào sách. Liên tục trong mấy chục năm qua, hạnh phúc nghề nghiệp lớn nhất của vợ chồng ông là mỗi ngày sau khi rời bục giảng ở các trường đại học, các diễn đàn trở về, cả nhà lại được thanh thản đắm mình trong kho sách gia đình.

Sự ưu ái của bạn đọc với hơn 340 công trình nghiên cứu giúp các đầu sách tái bản nhiều lần đã góp phần “kích hoạt” nhiệt huyết thiện tâm vì cộng đồng và các thế hệ con cháu của cả hai vợ chồng ông…

Ngọc Nguyễn
.
.
.