Chi tiết nhỏ, tác phẩm lớn

Thứ Ba, 22/08/2006, 13:37
Chi tiết làm cho tác phẩm sống động hơn, chân thực hơn. Không có chi tiết, tác phẩm chẳng khác gì một xác chết. Do vậy có thể nói chi tiết là linh hồn, là hơi thở của tác phẩm.

Khi viết tác phẩm, nhà văn thường trăn trở nghĩ ngợi những điều định viết ra, viết như thế nào? Viết truyện, ký, hay tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh... Có nhà văn coi cốt truyện làm trọng, có nhà văn rất chú ý đến bố cục, đến hình tượng, đến chủ đề tư tưởng... Đó là những điều không thể thiếu trong mỗi tác phẩm văn học.

Ở bài viết này, tôi muốn nói đến chi tiết, chi tiết và chi tiết. Bởi chi tiết làm cho tác phẩm sống động hơn, chân thực hơn. Không có chi tiết, tác phẩm chẳng khác gì một xác chết. Do vậy có thể nói chi tiết là linh hồn, là hơi thở của tác phẩm.

Tôi nhớ mãi một chi tiết trong phim "Cánh đồng hoang" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là người rất sành điệu trong việc chọn hoàn cảnh, chi tiết để xây dựng hình tượng. Cho nên đọc ông, người ta thấy rất rõ chất Nam Bộ không thể pha tạp và cũng chẳng ở đâu như thế.

Câu chuyện xảy ra ở ngay cái "cánh đồng hoang" như tên gọi của tác phẩm. Một cánh đồng thuộc đồng bằng sông Cửu Long, sóng nước mênh mông, cây hoa sen, hoa súng mọc xen với cây cỏ lau, cỏ lác... Mênh mông và hoang dã. Ở đó có một cái lều nhỏ dựng trên mặt nước và đôi vợ chồng trẻ với đứa con chừng hơn một năm tuổi. Chỉ như thế thôi ta đã thấy con người thật bé nhỏ, cô đơn, thường ngày phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt để mưu sinh.

Vậy mà một ngày kia, quân xâm lược Mỹ đã phát hiện cái lều nhỏ ấy chính là trạm liên lạc của bộ đội và nó tập trung đánh phá, tiêu diệt. Trên trời, hàng đàn máy bay trực thăng ầm ầm kéo đến, đổ quân, bắn rốc két, bắn cối xuống túp lều. Đôi vợ chồng người du kích đã chống trả quyết liệt. Đỉnh cao của hoàn cảnh khốc liệt nhất, gay cấn nhất là người mẹ phải bọc đứa con nhỏ thân yêu, dứt ruột đẻ ra của mình vào tấm ni lông và dìm xuống nước. Nếu không nó sẽ khóc, sẽ lộ nơi mình ẩn nấp để đánh lại kẻ thù.ư

Xem tới đây, tôi thấy buốt lạnh dọc cột sống, người tê tái mãi vì xúc động. Thử hỏi trên thế giới có dân tộc nào phải chiến đấu với một kẻ thù không lấy gì làm cân sức như dân tộc ta không? Và một dân tộc mà đôi vợ chồng trẻ nọ đã tiêu biểu cho ý chí quật cường, sự hy sinh to lớn thì ắt phải chiến thắng. Đó là lẽ hiển nhiên.

Lại nhớ, gần đây tôi có đọc một kịch bản phim của Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước. Ở đó có đôi trai thanh gái lịch, đôi lính trẻ yêu nhau. Cái lúc cao trào, họ đã bị phát hiện. Người con trai hốt hoảng cứ mình trần lao ra cửa hầm. Không may anh bị vấp ngã. Người con gái khoác vội cái áo chạy ra sau. Thấy người yêu bị ngã, chị đã ngồi thụp xuống. Mái tóc dài chấm gót của chị đã xòa ra che kín tấm thân của người yêu.

Trong văn chương, trong điện ảnh, ít khi ta bắt gặp chi tiết đẹp đến thế. Đó chả phải là chi tiết độc nhất vô nhị ư? Qua những chi tiết đẹp, tác giả đã gửi đến người đọc, người xem được rất nhiều điều. Tác phẩm của họ cũng từ những chi tiết đẹp ấy đắp xây cho hình tượng nhân vật để hình tượng cứ thế sống mãi, cứ thế lớn dần lên trong tâm khảm mỗi chúng ta. Tác phẩm không có chi tiết chẳng khác nào một cái xác vậy

.
.
.