Chi li,sòng phẳng như nhà văn Phan Tứ

Thứ Bảy, 15/04/2006, 13:43

Nhà văn Phan Tứ (1930-1995) là người nổi tiếng cẩn thận và nguyên tắc. Nghe nói, thời còn là sinh viên khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, có lần ông đã thẳng thừng từ chối không tiếp người yêu vì cô đến gặp ông không đúng... thời khóa biểu.

Giai thoại dưới đây cũng là một dẫn dụ về sự cứng nhắc trong xử thế của ông:

"Năm 1972, Phan Tứ in tiểu thuyết "Mẫn và tôi" ở Nhà xuất bản Thanh Niên. Khi bản thảo được biên tập xong, Nhà xuất bản tạm ứng cho tác giả một khoản tiền. Biên tập viên ký nhận khoản tiền đó tại thủ quỹ và mang đến cho tác giả.

Sau khi sách in xong, Nhà xuất bản tính tiền nhuận bút để trả cho Phan Tứ, dĩ nhiên phải trừ lại số tiền đã tạm ứng trước đó. Khi được mời tới nhận nhuận bút, tác giả không công nhận là mình đã nhận số tiền tạm ứng trước đây. Thế là Nhà xuất bản nghi ngờ anh biên tập kia tham ô. Anh biên tập chạy đến cầu cứu Phan Tứ, nhờ Phan Tứ cố nhớ lại để giúp anh tránh được kỷ luật và danh dự. Lần đầu Phan Tứ cam đoan là "Tôi đã xem lại 41 cuốn nhật ký và sổ tay của mình, nhưng không hề thấy ghi là đã nhận số tiền tạm ứng đó".

Người biên tập viên đau khổ, phờ phạc đang chạy tiền để đền và chờ nhận kỷ luật. Bất ngờ, một tuần sau, Phan Tứ viết thư đến Ban Giám đốc Nhà xuất bản báo cáo là anh đã tìm ra số tiền đã nhận được ghi trong cuốn nhật ký thứ 40. Anh biên tập viên kia hú vía, suýt bị kỷ luật". (Theo sách "Giai thoại làng văn Việt Nam" - NXB Văn hóa Dân tộc, 1999).

Chuyện tiền nong thường là vấn đề "nhạy cảm", dễ là căn cứ để đánh giá nhân cách con người. Đọc mẩu chuyện trên, ta không khỏi "gai gợn" về cách xử sự của nhà văn Phan Tứ, dù người viết có cho rằng ông đãng trí và nguyên tắc đi chăng nữa.

Theo sự chỉ dẫn của nhà thơ Phan Xuân Hạt, người vào năm 1972 được giao duyệt sơ khởi cuốn tiểu thuyết trứ danh nói trên, tôi bấm máy liên hệ với bà Nguyễn Thanh Dần, bấy giờ là thủ quỹ của NXB Thanh Niên.

- Bác có cho rằng, để xảy ra chuyện khúc mắc như trong câu chuyện trên, đó là tại biên tập viên khi tạm ứng tiền cho tác giả đã không lấy giấy biên nhận? 

- Ông Tứ làm việc với biên tập viên thế nào, tôi không rõ, nhưng đúng nguyên tắc tài chính thì khi đưa tiền, anh phải lấy giấy biên nhận chứ. Tất nhiên, với những trường hợp "cây đa cây đề", họ tự ái, không ghi thì nhà xuất bản cũng phải chịu. Như các ông Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Đào Vũ, tiền ứng thì ứng chứ các ông ấy dường như chẳng chịu ghi biên nhận bao giờ.

- Nghe nói nhà văn Phan Tứ là một người rất "kỹ tính"?

- Phải công nhận ông ấy là người rất cẩn thận, căn cơ. Khi nhận tiền, ông đếm kỹ từng đồng, từng hào, cho đến từng xu. Tôi vốn đã là người cẩn thận rồi, ông Tứ còn cẩn thận hơn. Bởi vậy, khi ông Tứ đến, tôi phải chuẩn bị rất kỹ, phải đổi tiền từ trước để ông lĩnh tiền không thiếu một xu lẻ nào. Ông Tứ lĩnh nhuận bút thường lâu hơn các nhà văn khác.

- Thường thì những người chi li lại là những người sòng phẳng?

- Kể thì ông Tứ cũng được cái sòng phẳng thật. Tôi làm thủ quỹ lâu tôi biết, có những tác giả đề nghị tạm ứng số tiền lớn hơn thực tế số nhuận bút sau này họ lĩnh, trong trường hợp ấy thường là nhà xuất bản bị "lõm". Như trường hợp ông Tô Hoài, nhuận bút cuốn "Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ" có đủ bù số tiền ông vay mượn của nhà xuất bản đâu. Riêng ông Phan Tứ, chưa bao giờ ông vay vượt quá mức nhuận bút.

- Bác có nhớ, thời ấy nhuận bút tác giả được tính theo phương thức nào?

- Đếm chữ. Khi sách in ra, tôi phải đếm chữ để báo kế toán tính tiền. Có những nhà văn tôi chỉ đếm một lượt. Riêng với hai ông Xuân Diệu và Phan Tứ thì tôi phải đếm đi đếm lại tới 2, 3 lượt. Có cuốn phải đếm mất nửa tháng. Vì với hai ông này, nếu chỉ nhầm một chút có thể rất rầy rà. Như ông Xuân Diệu, ông ấy đếm sẵn, tính sẵn từ nhà, đến nhà xuất bản ông chỉ việc so và khớp lại. Ông Phan Tứ tôi chắc cũng làm như vậy. Có điều không nhầm nên ông không nói ra thôi.

Để vấn đề thêm thông tỏ, kể tới đây, bà Dần cho tôi số máy của ông Trần Thế Tuấn, người trực tiếp biên tập cuốn "Mẫn và tôi" và là nhân vật chính trong mẩu giai thoại kể trên.

 Thoạt nghe tôi kể câu chuyện, ông Tuấn "la" lên:

- Đó là chuyện bịa 100%. Tôi và anh Tứ là chỗ chơi thân thiết với nhau từ thời anh ấy còn học Đại học Tổng hợp, lẽ đâu anh ấy lại xử sự với tôi như thế. Chưa nói anh Tứ là người có trí nhớ tốt, thông tuệ mấy thứ tiếng.

Đến đây, ông Tuấn hạ giọng, nhỏ nhẻ lập luận:

- Là người càng cẩn thận, chi li thì càng phải nhớ mình đã nhận tiền của ai, ở đâu, bao nhiêu, và về việc gì chứ? Sự thật, anh Tứ có nhận tiền tạm ứng, đâu như mấy trăm đồng, và có biên nhận đàng hoàng. Còn nhuận bút, tôi nhớ cuốn "Mẫn và tôi" anh ấy được bốn nghìn đồng. Số tiền này bấy giờ lớn lắm. Thời ấy, những người viết đều nghèo, có tiền đâu lắm để mà dễ dàng... quên. Vả lại, năm ấy anh Tứ mới ngoài bốn mươi, làm sao lẩm cẩm thế được.

Theo tôi, viết như vậy hóa hại cho anh Tứ chứ không phải hay gì cho anh ấy đâu. Ở đây, tôi thấy cần nói thêm: Anh Tứ tuy nguyên tắc, chặt chẽ trong chi tiêu song khi cần anh ấy cũng biết... thoáng. Như đợt đi dự Hội nghị Nhà văn Á - Phi, anh ấy là trưởng đoàn. Tiền phía bạn phát cho, anh ấy cất trong túi ngực và khâu lại, không chiêu đãi ai trong đoàn. Nhưng về nước thì anh ấy ủng hộ toàn bộ số tiền cho Hội Nhà văn. Cá tính con người nhiều khi có những điểm "trái khoáy" vậy, không phải ai cũng hiểu hết được

Phạm Khải
.
.
.