Chị Bẩy, NSND Phùng Há: Ngôi sao cải lương sáng mãi

Thứ Tư, 08/07/2009, 18:20
Vào quãng năm 1939, chị Bẩy, nghệ sĩ cải lương Phùng Há đã cùng đoàn cải lương Phước Cương ra biểu diễn tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Chị Phùng Há hơn tôi chừng bốn, năm tuổi. Nhưng khi danh tiếng của chị đã lừng lẫy cả trong nước và ngoài nước, tôi mới còn là một học sinh chưa ra khỏi ghế nhà trường.

Là người hâm mộ cải lương, tôi vô cùng xúc động và khâm phục chị, khi chị đóng vai Dương Quý Phi cùng với anh Năm Châu trong vai An Lộc Sơn. Mối tình giữa mẹ nuôi và con nuôi dần biến thành một tình yêu sâu sắc. Đến khi An Lộc Sơn bị vua Đường đuổi đi, ông ta đến từ biệt Dương Quý Phi nhưng quân cấm vệ không cho vào, An Lộc Sơn đành đứng ở dưới thành, đau thương và căm giận.

Tôi xúc động khi ông ta chỉ lên trời cao mà thề rằng: Ta ra đi rồi trở lại và quyết đem cả giang sơn nhà Đường này đặt dưới chân của nàng. Câu ấy ngày nay nhìn lại không có gì sâu xa cho lắm, nhưng nó làm rung động tôi cũng như thanh niên thời ấy ở chỗ: Gắn bó một tình yêu sâu sắc với một hoài bão rộng lớn của con người.

Từ sau hiệp định Giơnevơ, hai miền chia cắt. Nhiều đoàn cán bộ từ miền Nam ra tập kết ở miền Bắc, trong đó có Đoàn cải lương Nam Bộ và Đoàn kịch nói Nam Bộ.

GS, AHLĐ Vũ Khiêu với NSND Phùng Há.

Lúc đó, tôi là người được giao trách nhiệm phụ trách việc giáo dục triết học và mỹ học cho các đoàn văn công và giới nghệ sĩ biểu diễn của toàn miền Bắc. Những bài giảng của tôi xuất phát từ những quan điểm cơ bản về nghệ thuật, nhưng lại được trình bày dưới một dạng hấp dẫn và dễ tiếp thu, nên đã khiến tôi cùng với anh chị em nghệ sĩ tập kết từ miền Nam trở thành những người bạn thân thiết.

Hàng ngày uống rượu với các anh Ba Du, Tám Củi, Ngọc Bạch, Chi Lăng, Công Thành, Huỳnh Nga… tôi được hiểu thêm về chị Phùng Há. Toàn thể anh chị em, mỗi lần nhắc đến chị Bẩy Phùng Há, đều coi như một thần tượng, một tài năng hiếm có cả trong lời ca và điệu múa. Nghe những lời của bè bạn nói về chị, tôi thầm mong có ngày gặp lại chị.

Tháng 5 năm 1975, tôi được điều động vào công tác tại Trung ương cục miền Nam để phụ trách Tiểu ban Khoa học. Ngay sau mấy hôm, nghe tin tôi vào, anh Năm Châu đã đến thăm tôi, tôi nhờ anh Năm Châu có dịp nào thuận tiện dẫn tôi đến thăm chị Phùng Há.

Từ đó, suốt mấy năm tôi công tác tại miền Nam, và sau này ra miền Bắc, tôi đã thường xuyên đi về và thường được gặp chị Bẩy. Tôi rất vui mừng khi đến dự những buổi chị diễn lại là những vai thường gây ấn tượng sâu sắc với khán giả trong những vở nổi tiếng của chị.

Đặc biệt, khi nghệ sĩ Bạch Tuyết diễn tập vai chính trong vở Dương Vân Nga, một vở rất đặc sắc do một người bạn thân thiết của tôi là anh Chi Lăng đạo diễn. Tôi được anh Chi Lăng mời tới để góp ý từ góc độ sử học, văn học, nghệ thuật học. Đó là những ngày tôi thường xuyên được gặp chị Bẩy Phùng Há. Nghệ sĩ Bạch Tuyết đã rất thành công trong những buổi diễn tập, nhưng chị Bẩy Phùng Há lại tận tình góp ý thêm trong từng chi tiết, từng cử chỉ, từng âm thanh, từng dáng điệu.

Từ sau những ngày ấy, tôi không thường xuyên vào miền Nam như trước nữa nên cũng ít khi gặp lại chị Phùng Há.

Cách đây 2 năm vào TP HCM, tôi nhờ nghệ sĩ Bạch Tuyết thu xếp cho tôi đến thăm chị Bẩy Phùng Há. Chị đã già hơn nhiều, nhưng vẫn hoạt bát và rất vui vẻ khi chúng tôi gặp nhau. Lần ấy, tôi có viết tặng chị một đôi câu đối:

Phụng múa rồng bay, cải lương thống soái
Non cao nước chảy, phổ thế tri âm

Hôm nay, tôi bàng hoàng nghe tin chị qua đời. Tôi vì tuổi cao lại không được khỏe, không thể vào đứng bên linh cữu của chị, để cùng hàng ngàn,  hàng vạn người tri âm của chị tiễn đưa chị về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tôi chỉ ngồi đây suy nghĩ về một con người đã sống gần trọn một thế kỷ, trọn một cuộc đời, theo đuổi một niềm say mê, là dồn cả tâm huyết vào nghệ thuật cải lương, mong mỏi cho ngành này ngày một phát triển để làm phong phú thêm cho truyền thống thẩm mỹ của dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt chị đã làm đẹp thêm cuộc đời nghệ sĩ của mình bằng tấm lòng luôn luôn gắn bó với nhân dân, với Tổ quốc, với tương lai của dân tộc. Tấm lòng bao la của chị không chỉ gắn với những đàn em của chị trong sân khấu cải lương, mà còn trùm lên số phận của những con người bất hạnh trong nghèo khổ, trong bệnh tật. Không quản tuổi già chị luôn luôn đi nơi này nơi khác để làm việc từ thiện.

Chính vì thế mà chị mất đi đã để lại lòng tiếc thương không chỉ của đông đảo anh chị em ngành Sân khấu, mà còn của đông đảo những người tri âm ở mọi tầng lớp và trên mọi miền của đất nước. Nhân đây, qua Báo CAND, tôi có mấy lời như là một nén hương để tưởng nhớ và kính dâng lên hương hồn chị Bẩy.

Hà Nội,  tháng 7 năm 2009

.
.
.