Trò chuyện với du học sinh Việt Nam tại lễ hội Du học sinh chào xuân 2011:

Cháy bỏng hoài bão học tập và cống hiến

Thứ Sáu, 31/12/2010, 15:08
Tối 29/12, lễ hội Du học sinh chào xuân 2011 diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội trong tiết trời se lạnh, nhưng cái lạnh đã bị xua tan bởi một không khí giao lưu ấm cúng, đầy tình nghĩa bạn bè.

Vào thời khắc thiêng liêng, báo hiệu một năm mới sắp đi qua này, gần 1.000 du học sinh từ nhiều đất nước, xứ sở đã về đây để cùng sẻ chia những thành quả học tập, những ước mơ, lý tưởng hoài bão và cả những nỗ lực vượt bậc khi đi học xa nhà.

Trần Đàm Anh hiện đang là du học làm nghiên cứu sinh tiến sỹ Trường ĐH Tổng hợp New South Wales, Australia. Em là "dân Amsterdam chính gốc", học chuyên hóa khóa 1994 - 1997. Khi tôi hỏi em phải nỗ lực học tập như thế nào khi học xa nhà thì một chút nghẹn ngào như chực trào ra trong mắt em, có lẽ vì đó là những ngày tháng em phải tự lực cánh sinh theo đúng nghĩa, phải xoay xở một mình và khó khăn thì khó có thể kể hết trong một hai trang viết.

Em kể, thời gian em học thạc sỹ tại Trường ĐH Tổng hợp Queensland, Australia, ký túc xá trường em học lại rất xa ký túc xá các trường khác nên ít du học sinh Việt Nam. Buồn vô cùng, nhất là những lúc ốm, không ai mua thuốc, nấu cháo giùm, nhưng chính những lúc buồn chán nhất ấy, thì trong em lại trỗi lên một niềm tin rằng, mình phải giúp chính mình. Vậy là em "bứt phá", liên tục đạt được những thành tích học tập mà học sinh nước sở tại cũng phải nể phục.

Năm 2009, Đàm Anh nhận học bổng toàn phần Năng lực lãnh đạo Australia khóa học Tiến sĩ tại Trường ĐH Tổng hợp New South Wales, Australia. Đàm Anh còn là nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu rượu và thuốc phiện, Australia. Sau nhiều tâm huyết, trăn trở, Đàm Anh đã có bài báo "Hệ thống khai sinh khai tử tại Việt Nam" được đăng trên tạp chí đầy uy tín của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Lê Cẩm Huyền, cũng là một du học sinh tại Australia mang đến lễ hội chào xuân rất nhiều thành tích, là kết quả của những ngày tháng Huyền miệt mài lao động và học tập, gạt bỏ mọi thú vui của tuổi trẻ. Lúc nào trong cô cựu học sinh Phổ thông chuyên ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội này cũng cháy bỏng một ước muốn là được làm việc.

Huyền bảo, em luôn chạy đua với thời gian, nên đã quyết tâm tận dụng thời gian tối đa để học mọi điều trong cuộc sống và hoàn thiện bản thân, từ các môn học cụ thể liên quan đến chuyên ngành công tác, đến các hoạt động xây dựng trường, các đặc điểm và phong tục, tập quán của các nền văn hóa khác nhau.

Huyền từng được nhận Giải thưởng cao học Endeavour được tài trợ bởi Bộ Giáo dục, Việc làm và Quan hệ công sở Australia. Năm 2010, Huyền là thành viên Hội Golden Key quốc tế - nơi tụ hội những sinh viên có điểm cao nhất của tất cả các khoa trong trường. Và trong 2 năm 2008 - 2010, Huyền được bầu là Ủy viên phụ trách quốc tế và giáo dục Hội sinh viên cao học La Trobe.

Các du học sinh tham dự lễ hội.

Khi tôi hỏi, ra nước ngoài học tập, các em thấy việc khẳng định bản thân và màu cờ sắc áo của người Việt Nam quan trọng như thế nào, thì "chàng trai chuyên hóa" trả lời rất khảng khái: "Điều này là rất quan trọng, vì người nước ngoài khi tiếp xúc với mình, sẽ nghĩ và đánh giá cả một dân tộc, nên làm gì thì cũng phải nghĩ rằng, mình đang đại diện cho dân tộc mình. Em đã học 4 năm ở Australia và còn hơn 4 năm nữa. Một "nhược điểm" đang tồn tại ở nhiều du học sinh là hay so sánh nước mình với nước ngoài mà mình đang học, đó là điều rất không nên. Đã có lần em thấy một bạn Việt Nam nói không tốt về đất nước mình. Nhưng thật bất ngờ, người bạn Australia đó đã nói, tôi không nghĩ như thế, tôi đã đến Việt Nam và thấy mọi người rất thân thiện. Em nghĩ, mình càng yêu quý đất nước mình, thì khi ra nước ngoài, bạn mới được bạn bè quốc tế kính trọng".

Còn Lê Cẩm Huyền thì tâm sự, hơn ai hết em hiểu rằng những người con xa xứ, trong mọi hoàn cảnh càng thấm thía tinh thần dân tộc, dòng máu quê hương chảy trong mình, mà đôi khi trong cuộc sống thường nhật ngay tại quê nhà dường như mình không nghĩ nhiều về điều này.

Em đồng tình với suy nghĩ này, điều đó có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giúp bản thân mình sống đẹp hơn mà còn góp phần xây dựng một hình ảnh, một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn để mình và người thân, mọi người xung quanh mình cùng được thụ hưởng.

Tại lễ hội, nhiều du học sinh đã cho rằng, muốn đạt được thành công trên con đường du học, phải xác định tư tưởng thật sự rõ ràng, đừng coi du học là một chuyến đi xa, chuyến du lịch dài ngày. Phải xác định du học là một thử thách rất là khó khăn để thích ứng với việc đi lại, sinh hoạt và học tập tại môi trường quốc tế hoàn toàn khác lạ.

Đỗ Thị Thu Phượng, sinh viên Cao học Trường ĐH Ritsumeikan Asia Pacific University, Nhật Bản cho hay, ở trường em, các du học sinh người Việt không ai bảo ai nhưng luôn luôn cố gắng trong học tập để khẳng định "thương hiệu". Phượng và các bạn còn tổ chức Tuần lễ văn hóa Việt ở trường, cũng là một cách để em quảng bá hình ảnh đất nước mình, dân tộc mình cho bạn bè quốc tế.

Vì thế, cô sinh viên đầy nghị lực này thấy lòng luôn ngập tràn hạnh phúc khi được bạn bè quốc tế nói rằng, sinh viên Việt Nam không những thông mình, chăm học mà còn rất cần cù trong lao động, sáng tạo và năng động trong các hoạt động ngoại khóa. Phượng kể, đã có nhà báo hỏi em rằng, em nghĩ như thế nào về trách nhiệm của mỗi du học sinh đối với quê hương đất nước. Phượng còn chia sẻ, đóng góp hết mình cho đất nước bằng cách này hay cách khác chính là nghĩa vụ của mỗi du học sinh.

Còn Trần Đàm Anh thì bảo rằng, em chỉ có một nguyện vọng lớn nhất là làm sao góp phần thay đổi được nhiều chính sách y tế của Việt Nam, làm sao để những bệnh nhân bị HIV/AIDS được chăm sóc, thuốc men tốt hơn. Vì thế em đang theo đuổi nghiên cứu đề tài "Chi phí và hiệu quả của các can thiệp dự phòng và điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam", cũng là một cách cống hiến cho ngành Y tế nước nhà.

Khi tôi hỏi, nếu được đề xuất một vài kiến nghị, các em sẽ nói gì thì rất nhiều du học sinh đều cùng chia sẻ rằng, họ rất thích câu nói của các cụ xưa "con không chê cha mẹ khó", người tài với tư duy phát triển đầy đủ tin chắc sẽ có tâm, sẽ không bao giờ lãng quên dòng máu quê hương chảy trong mình. Nhưng tài năng cần được làm việc trong một môi trường dân chủ, cởi mở, thân thiện, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, có điều kiện làm việc phù hợp. Nhà nước cũng nên tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho du học sinh sau khi về nước với mức lương hấp dẫn hơn, với những vị trí thích hợp hơn

Thu Phương
.
.
.