Chàng họa sĩ "phải lòng" văn hóa Mường

Chủ Nhật, 03/01/2010, 20:01
Trong cuộc nhậu với bạn bè, Hiếu Mường ngồi lặng lẽ. Hiếu có vẻ già dặn và trầm tư hơn so với tuổi 33 của mình. Anh đã trở nên nổi tiếng với tình yêu đặc biệt dành cho văn hóa Mường - đến nỗi cái tên cha mẹ đặt cho Vũ Đức Hiếu đã phải nhường chỗ cho cách gọi ít nhiều mang tính "thương hiệu": Hiếu Mường.

Ít nói, nhưng khi vào chuyện, Hiếu Mường có thể nói cả ngày chỉ về cái không gian 2 hécta mà anh là chủ nhân dưới dốc Cun (Hòa Bình), một không gian gần như hoàn chỉnh về nền văn hóa Mường đặc sắc mà anh đã mất đến hơn 10 năm trời lặn lội để sưu tầm, gìn giữ và tôn vinh nó.

Rất nhiều người, đặc biệt là khách du lịch, khi đến thăm Bảo tàng Mường thường hỏi Hiếu câu này: "Anh là người Mường phải không?". Hiếu nói mình là người Kinh, song bao giờ cũng thêm: "Nhưng tôi rất yêu văn hóa Mường". Dù vậy, một chữ yêu thôi thì cũng chưa hẳn là đủ đối với tất cả những gì Hiếu đã làm đối với văn hóa của một tộc người vốn được nhiều nhà khoa học xem là văn hóa cội nguồn của người Việt.

Sinh ra ở Hà Nội, quê quán gốc thì ở vùng chiêm trũng Vụ Bản, Nam Định, nhưng tuổi trẻ của Hiếu lại gắn bó hoàn toàn với đất Mường. Vốn có năng khiếu hội họa từ nhỏ, Hiếu Mường thi đỗ vào cả hai Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam và Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Để theo học hai trường đại học một lúc, Hiếu từng phải vất vả kiếm tiền bằng việc ra nghĩa trang ngồi tập vẽ bia mộ. Và kết quả tốt nghiệp của Hiếu khiến cho rất nhiều bạn bè phải ngả mũ chào thua: Thủ khoa Công nghiệp Thủy tinh Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và loại ưu khoa Lý luận và lịch sử Mỹ thuật Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Rời cổng trường đại học, Hiếu đi làm báo. Hiếu đã từng có triển lãm hội họa cá nhân tại Hà Nội và từng tham gia trưng bày tác phẩm của mình tại Anh, Singapore, Hồng Kông... Một cuộc sống với công việc, sự nghiệp ổn định cùng gia đình nhỏ của mình tại Thủ đô, tưởng chẳng có gì đáng để Hiếu phàn nàn nữa, nhưng rồi anh bất ngờ từ bỏ, khiến cho không ít người nghĩ anh là gàn, là dở. Hiếu bỏ phố lên rừng. Mỗi tuần anh chỉ quay về Hà Nội với vợ và các con vào ngày cuối tuần.

Bỏ phố lên rừng, Hiếu đi lang thang khắp các xứ Mường: Bi, Vang, Thàng, Động. Lang thang với một tình yêu cháy bỏng trong trái tim, là tìm kiếm, sưu tầm, cất giữ những giá trị văn hóa của người Mường mà một người đã từng sống ở đô thị như Hiếu hiểu rằng nó đang bị mai một dần đi trong nhịp sống công nghiệp ồn ào. Không ít lần trên đường đi với lỉnh kỉnh những đồ nghề, vật dụng mà mình sưu tầm được, Hiếu đã bị lực lượng Công an, dân phòng bắt giữ vì nghi là vận chuyển ma túy.

Miệt mài, chuyên tâm ghi chép, cất giữ, đến một ngày, Hiếu nhận ra xung quanh mình đã có tới hàng ngàn hiện vật và nó hoàn toàn có thể “kể” một câu chuyện hoàn chỉnh về một nền văn hóa có truyền thống lâu đời và rất phong phú, Hiếu tính chuyện mở một Bảo tàng văn hóa Mường. Trên diện tích 2 hécta dưới dốc Cun (xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, Hòa Bình) mua lại của một ông chủ đã chán cảnh rừng ra phố, Hiếu vắt óc cho những phác thảo đầu tiên về một không gian Mường.

Không gian Mường ấy hôm nay đã có thể khiến cho khách tham quan trong và ngoài nước ngỡ ngàng về sự đủ đầy và sống động của nó. Khu trưng bày đời sống tâm linh, văn hóa, lễ nghi, các nghề thủ công truyền thống với 3.000 hiện vật, tái hiện những nghi thức ma chay, cưới hỏi, các sinh hoạt văn hóa cũng như lao động thường ngày của người Mường cổ. Hấp dẫn hơn cả là không gian Hiếu dành để phục dựng lại quần thể xã hội Mường thu nhỏ. Hiếu dày công sưu tầm về đây 4 ngôi nhà sàn tượng trưng cho 4 tầng lớp người trong xã hội Mường theo thứ tự từ thấp đến cao là Nõ, Tạo, Âu, Lang..

Trên tinh thần không gian bảo tàng Mường phải là không gian sống, Hiếu mời một số gia đình người Mường về sinh sống ngay trong các ngôi nhà sàn, đàn ông thì làm mộc, nấu ăn, còn phụ nữ thì chăn nuôi, dệt vải. Du khách đến tham quan có thể nghỉ lại ngay tại nhà sàn, tham gia vào các sinh hoạt của các gia đình từ đó hiểu biết về các phong tục, tập quán của người Mường...

Thư viện Mường của Hiếu có hàng ngàn cuốn sách, trong đó có những sách quý viết về văn hóa Mường của các nhà khoa học tên tuổi như giáo sư Từ Chi, Bùi Chỉ... Kho tàng văn học dân gian của người Mường cũng được sưu tầm tương đối trọn vẹn, trong đó có các cuốn sử thi nổi tiếng. Các băng, đĩa ghi âm về các bài Mo Mường cũng được trưng bày ở đây, để nếu có nhu cầu du khách có thể thưởng thức. Các trò chơi dân gian và các điệu múa cổ của người Mường cũng được tái hiện sinh động khiến cho khách tham quan vô cùng thích thú.

Để có được một không gian Mường trọn vẹn ấy, Hiếu mất hơn 10 năm trời ăn ngủ với rừng, bỏ qua mọi thú vui của một người trẻ tuổi nơi phố thị. Không thể kể hết những khó khăn vất vả Hiếu phải vượt qua, những ngày mưa dầm gió rét ở tận những làng bản xa xôi, sưu tầm hiện vật, thuyết phục những người dân Mường hiểu về công việc có ý nghĩa cộng đồng của mình. Thế mới có chuyện gia đình một cụ già 108 tuổi ở Mường Chậm cảm động trước tình yêu của chàng trai người Kinh đối với văn hóa Mường, đã sẵn sàng nhượng lại ngôi nhà sàn hơn 100 năm tuổi rất đẹp và bề thế để Hiếu mang về trưng bày trong không gian bảo tàng của mình.

Hiếu làm bảo tàng không phải với mục đích kinh doanh văn hóa. Mục đích lớn nhất của anh là lưu giữ những giá trị vật thể và phi vật thể trong văn hóa của một tộc người mà anh đã “phải lòng” từ lâu, như là định mệnh. Khách tới tham quan bảo tàng của Hiếu không phải mua vé. Thậm chí họ còn được vị chủ nhân trẻ tuổi hào phóng mời rượu ngon do chính tay anh chưng cất từ các loại hoa, quả rừng. Họ cũng có thể ở lại trong nhà sàn của anh và được thết đãi những món ăn truyền thống của người Mường cổ. Hỏi Hiếu lấy đâu tiền để "nuôi" cái không gian rộng lớn ấy thì mới hay, chính là một quán cà phê nhỏ vùng sơn cước đã giúp anh "lấy thu bù chi".

Quán cà phê Vũ Gia Sử Quán của anh được thiết kế xinh xắn trên mảnh đất mà cha mẹ anh để lại cho, cũng đậm đặc một không gian văn hóa Mường với nhà sàn, suối nước, chum rượu... Khách tham quan trong và ngoài nước trên đường du ngoạn xứ Mường có thể ghé quán nhỏ nghỉ chân, uống một ly cà phê hay thưởng thức rượu ngon vốn là sản vật của đất Mường.

Ngày ra mắt Bảo tàng không gian Mường của Hiếu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và đánh tiếng cồng đầu tiên khai trương. Người Mường ở Hòa Bình từ lâu cũng đã xem Hiếu như một người con của dân tộc mình, vì những nỗ lực không mệt mỏi và tình yêu sâu nặng mà anh dành cho văn hóa Mường.

Khiêm nhường, kiệm lời, Hiếu Mường thường không thích nói về chính mình, nhưng câu chuyện về anh lại mang đến cho tôi nhiều suy ngẫm. Đời sống hôm nay có không ít người trẻ quay lưng với các giá trị truyền thống, mải mê đuổi theo những giá trị vật chất hào nhoáng thì may sao vẫn còn có những người trẻ như Hiếu, dám khước từ mọi lấp lánh chốn phồn hoa, dấn thân vào một công việc mà để có được thành quả thì phải mất nhiều tháng năm tuổi trẻ. Và quan trọng là thành quả ấy không phải chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân anh. Nó còn là lợi ích cho cả một cộng đồng lớn, tôn vinh những giá trị lâu bền của văn hóa Việt

Vũ Quỳnh Trang
.
.
.