Cha, con và niềm đam mê điện ảnh

Thứ Hai, 25/03/2013, 09:26
Mặc dù là đạo diễn có uy tín, nhưng NSND Trần Phương cũng để con gái tự khẳng định mình trong công việc. Kịch bản “Tiếng sáo ly hương” của cô con gái út Trần Phương Thủy đã được các nghệ sĩ Nguyễn Thị Lợi, Bành Châu và cha chị..vv… ủng hộ nhiệt tình, nên đây cũng là bộ phim điện ảnh đầu tiên và duy nhất 2 cha con hợp tác.

Nhắc đến nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, không thể không nhắc đến NSND Trần Phương, một diễn viên tên tuổi và một đạo diễn thành danh. Ông đã góp phần tạo nên những dấu ấn của điện ảnh nước nhà qua các vai diễn trong “Vợ chồng A Phủ”, “Chị Tư Hậu”, “Ngày lễ thánh”, “Tiền tuyến gọi”… và cũng là đạo diễn rất thành công của hàng loạt phim: “Tội lỗi cuối cùng”, “Dòng sông hoa trắng”, “Hy vọng cuối cùng” v.v… Đặc biệt, NSND Trần Phương là một trong số ít đạo diễn có nhiều phim về đề tài an ninh nhất.

1. Lớn lên từ vùng đất ATK Thái Nguyên, 16 tuổi, Trần Phương đã theo kháng chiến, rồi nhờ vốn tiếng Pháp khá sành mà được điều về Phòng Văn nghệ Quân đội, tham gia lớp văn nghệ kháng chiến cùng với Thế Lữ, Song Kim, Đoàn Phú Tứ, Nguyên Hồng, Tô Hoài … trước khi trở thành diễn viên Đoàn văn công Trung ương.

Năm 1955, với lời mời của đạo diễn Phạm Văn Khoa (Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam), Trần Phương trở thành một trong những diễn viên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam và nhanh chóng khẳng định là một nghệ sĩ tài ba.

Năm 1959, Trần Phương được đạo diễn Mai Lộc chọn vào vai A Phủ cho phim “Vợ chồng A Phủ”, ông đã tạm rời xa Hà Nội, lên tận bản Phiêng Ban, Trạm Tấu (Yên Bái) sống cùng đồng bào Mông để thâm nhập thực tế. Ông bảo, ấn tượng đầu tiên và mạnh mẽ về nơi đây là cuộc sống hoang sơ và nghèo đói, chỉ những con dốc dựng đứng là dài tít tắp, đi từ sáng đến chiều mới tới nơi.

Lần gặp gỡ tình cờ với nhà văn Nguyễn Tuân ở Tuần Giáo, đã gần như giúp Trần Phương định hình vai diễn, để làm nên nhân vật A Phủ để đời. Lời dặn của Nguyễn Tuân “Diễn viên thì phải hiểu được A Phủ đi đứng, nói năng, uống rượu thế nào và cả tán gái ra sao? Tại sao khi lên núi phải bám vào đuôi ngựa, đi xuống núi thì như bay, tại sao người Mèo đi ngựa không có yên? vv…” cứ văng vẳng bên tai Trần Phương, giúp ông hiểu được rằng, phải làm gì để có được một vai diễn đích thực.

Gần nửa năm sống ở rẻo cao, ăn Tết cũng ở Phiêng Ban, cuộc sống của người dân vùng cao dần thấm sâu vào tâm trí Trần Phương, tích tụ từng ngày, từng giờ, đủ làm nên một “chàng trai Mông” trong ông, từ tác phong sinh hoạt, ăn uống, đi đứng, nói năng. Chỉ sau vài tháng, ông đã chuyện trò với bà con bằng tiếng địa phương, rồi cùng đi nương, ăn mèn mén, uống rượu với thắng cố và hiểu khá sâu sắc phong tục người Mông. Ông, thậm chí đã biết cưỡi ngựa không có yên cương như các thanh niên Mông ở bản.

Trải qua biết bao thử thách, khó khăn, thiếu thốn và vất vả, nhưng lòng đam mê nghệ thuật cùng với tài năng và sự sáng tạo, đã giúp Trần Phương khắc họa thật đậm nét một chàng trai Mông đầy cá tính, đưa A Phủ từ trang sách lên màn ảnh một cách ấn tượng. A Phủ là vai diễn nhọc nhằn nhất nhưng với Trần Phương, lại có niềm hạnh phúc lớn lao là khi chiếu, phim được khán giả rất yêu thích.

Thành công của A Phủ đã đưa Trần Phương đến với hàng chục vai diễn sau đó, trong “Chị Tư Hậu”, “Ngày lễ thánh”, “Tiền tuyến gọi”, “Sao Tháng Tám”, “Vợ chồng anh Lực”… Cùng với khả năng diễn xuất tinh tế, giàu xúc cảm, là sự sáng tạo trong quá trình phát triển tâm lý, tính cách nhân vật, nên Trần Phương nhanh chóng trở thành một thương hiệu” của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Vợ chồng A Phủ, bộ phim có sức sống lâu bền.

Gần 20 năm làm diễn viên, Trần Phương lại muốn thử sức ở lĩnh vực đạo diễn và thật bất ngờ khi bộ phim nhựa đầu tay “Tội lỗi cuối cùng” đã trở thành một hiện tượng điện ảnh khi đó, với cơn sốt vé trong các rạp khắp cả nước. Phim còn giành giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam cùng giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Phương Thanh với vai Hiền cá sấu.

Đặc biệt, phim “Dòng sông hoa trắng” của ông được giới chuyên môn đánh giá cao ở sự sáng tạo xuất sắc, gây ấn tượng mạnh trong trường đoạn địch xử bắn các nữ chiến sĩ biệt động trên sông: các cô gái bị trói vào cọc, tà áo trắng thướt tha, mái tóc xõa ngang lưng bay trong gió, với nụ cười thanh thản trên môi, đã nâng hình ảnh họ như những nàng tiên trắng trong, thoát tục… Ông còn là đạo diễn của hàng loạt phim thành công khác: “Hy vọng cuối cùng”, “Mưa rơi trên thành phố”, “Đứng trước biển”…

Không chỉ thành công ở mảng đề tài anh hùng ca”, Trần Phương còn tiếp tục khẳng định mình khi quyết định chuyển hướng đề tài sang phim thị trường và lại thành công rực rỡ khi đã kết hợp hài hòa được giữa yếu tố nghệ thuật và thị trường: “Vụ án Hồ Con rùa”, “Dòng thác”, “SBC”, “Thủ môn từ trên trời rơi xuống”, “Tình ngỡ đã phôi phai”, “Vệt sáng ngược” vv…

Năm 2001, ông được nhận danh hiệu NSND. Năm 2007, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các phim “Hy vọng cuối cùng”, “Tội lỗi cuối cùng”, “Dòng sông hoa trắng”. Nghỉ hưu, nhưng tình yêu điện ảnh trong trái tim người nghệ sĩ tài danh vẫn luôn tràn trề ấm nóng, để ông vẫn tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm thành công: “Đêm Bến Tre”, “Khi người ta yêu”. Ông cũng vẫn thường được mời làm giám khảo trong nhiều LHP của ngành Điện ảnh, LH truyền hình của lực lượng Công an vv…

2. NSND Trần Phương có 4 người con, nhưng chỉ cô con gái út Trần Phương Thủy là theo nghiệp cha. Hiện chị là đạo diễn - biên kịch của Công ty Nghe nhìn Hà Nội.

Sự nghiệp điện ảnh của Trần Phương Thủy bắt đầu bằng công việc dựng phim ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW. Chính vì thế, chị may mắn được làm việc cùng các đạo diễn tên tuổi như Bùi Đình Hạc, Trần Văn Thủy, Đào Trọng Khánh..vv… với các phim “Hồ Chí Minh, chân dung một con người”, “Phản bội”..vv…

Chính khoảng thời gian này, chị đã học hỏi từ họ rất nhiều và được đánh giá là người có năng khiếu cảm thụ hình ảnh tốt. Nhưng rồi, trước thực tế đòi hỏi ngày càng cao về ngôn ngữ hình ảnh, nhịp điệu vv… cùng nhiều vấn đề chuyên môn khác, Trần Phương Thủy quyết định thi vào Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Sau một năm, với học lực cùng bảng điểm cao, chị được sang Liên Xô học về lý luận điện ảnh, rồi về giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Dường như niềm đam mê điện ảnh của người cha tài năng đã truyền vào huyết quản chị, để chị cũng luôn đau đáu với những trang viết, những hình ảnh của môn nghệ thuật thứ bảy. Chị miệt mài viết kịch bản, nhưng chỉ là một giáo viên lý luận không tên tuổi trong làng điện ảnh, nên những năm tháng đó, Trần Phương Thủy thường phải viết kịch bản phim truyền hình và “bán” cho người khác đứng tên.

Mặc dù là đạo diễn có uy tín, nhưng NSND Trần Phương cũng để con gái tự khẳng định mình trong công việc. Kịch bản “Tiếng sáo ly hương” của chị đã được các nghệ sĩ Nguyễn Thị Lợi, Bành Châu và cha chị..vv… ủng hộ nhiệt tình, nên đây cũng là bộ phim điện ảnh đầu tiên và duy nhất 2 cha con hợp tác. Tuy nhiên, khoảng cách của tuổi tác, của 2 nền giáo dục khác nhau, đã khiến 2 cha con có rất nhiều khác biệt, về cả quan điểm nghệ thuật lẫn quan điểm nhân sinh trong tác phẩm nghệ thuật.

Hơn 10 năm trước, Trần Phương Thủy chuyển sang lĩnh vực truyền hình. Chị là tác giả của nhiều kịch bản phim dài tập “Lời thề Hypocrat (chung với Phan Cao Toại), “Bình minh đỏ”, “Men say” vv… và còn vừa là đạo diễn, kiêm biên kịch, viết lời bình của nhiều bộ phim tư liệu đã được trình chiếu rộng rãi như “Ký sự Thăng Long”, “Khám phá bí ẩn văn hóa phương Đông Việt Nam” vv… Những bộ phim của chị, luôn mang một màu sắc riêng, sức sống riêng và được khán giả đón nhận nhiệt tình.

Dường như thế vẫn là chưa đủ cho tình yêu phim ảnh, nên giữa bộn bề công việc, Trần Phương Thủy vẫn tiếp tục đi dạy ở các trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Truyền hình, để truyền thụ kiến thức căn bản về dựng phim, lịch sử điện ảnh vv… mà chị đã được rèn giũa dưới mái trường Xô-viết...

Thanh Hằng
.
.
.