Cây phong ba ở Vũng Tàu

Thứ Sáu, 16/06/2006, 13:23

Vũng Tàu có đôi hàng cây phong ba làm đẹp thêm gương mặt thành phố. Những người từng vào sinh ra tử trong các cuộc chiến với kẻ thù giành lại độc lập tự do cho dân, cho nước thì thấy kiêu hãnh hơn khi mà loài cây chiến binh đứng kề mạn biển Vũng Tàu trong tư thế người vệ sĩ của xứ dầu trong mùa xây dựng.

Xa Vũng Tàu đã lâu, cuộc sống không còn dập dìu sóng biển nữa, nhưng thỉnh thoảng trong tôi vẫn dội lên nỗi nhớ về người và cảnh nơi đây. Có cái thẳm sâu trong dạ, có cái muốn thốt nên lời. Trong muôn vàn cái xao xuyến ấy có nỗi nhớ về những con đường mới mở và những hàng cây mới trồng...

Một con đường nhựa nhánh đen trong nắng chảy từ phía núi Lớn vào. Đường hai chiều có dải phân cách mềm ở giữa được làm đẹp bằng màu xanh của cây kiểng. Cuối đường là sừng sững tượng đài liệt sĩ như cánh tay người chiến sỹ giơ thẳng lên trời xanh nói lời bất tử. Đài dựng trên đỉnh quả đồi nhỏ được viền quanh bằng hoa cảnh, cây xanh và những tia nước. Con đường ấy mang tên người chiến sỹ cộng sản kiên cường Lê Hồng Phong.

Cũng từ tâm điểm thiêng liêng và hoành tráng này của thành phố Vũng Tàu, một con đường nữa mới mở đổ dòng ra phía biển Bãi Sau. Khu Đài liệt sĩ như mặt trời, còn con đường như tia nắng. Đường cũng rộng, đẹp và hai chiều như đường Lê Hồng Phong. Đường chưa thấy đề tên. Nhà cửa hai bên đường đa phần vẫn đang công trường, gây dựng. Tuy phố chưa rõ tên nhưng đường thì đã nên hình nên vóc. Tôi hỏi một người đi tập thể dục ở Bãi Sau về tên con đường:

- Thưa bác, tên đường này là gì ạ?

Người đi luyện mình trước gió biển sớm mai bình thản trả lời:

- Đây là đường Lê Hồng Phong nối dài.

Sở dĩ tôi phải hỏi tên đường, bởi muốn một lần nữa cụ thể hơn cái địa chỉ mà mấy ngày nay, khi đặt chân đến thành phố biển, khi bắt gặp loài cây quả cảm này ở đây để rồi sau đó cảm xúc khôn nguôi về điều mình lần đầu được gặp.

Sớm nay tôi lại ra nơi mình từng đến và đứng lặng hồi lâu chỗ cuối đoạn đường mở lối ra đại lộ Thùy Vân có đôi hàng cây viền quanh mép đá. Cây chưa thật nhiều nhưng đủ cho mình ấn tượng. Cây thấp, tán rộng, cành thân mọc chen nhau. Nhìn dáng cây vươn lên từ đất mặn mà nhận ra đời cây vất vả. Chỉ một cây thôi mà thân cành như giằng níu lấy nhau. Cái lá cây hình tròn dẹp cũng vâm váp hơn lá cây thường. Nó dày và ráp như miếng bìa cứng. Quả hơi vuông rồi thuôn lại, to như đốt ngón tay út trẻ con và buông chùm.

Cây đang quả, cũng là đang hoa. Hoa cũng mọc chùm màu trắng xanh buông xuống như chiếc đuôi của lá. Mùa quả chen với mùa hoa. Nghe tiếng gió lặng chìm trong tán lá mà có cảm giác như vòm cây đang thu và giữ vào mình cái dồn dập hoang vu của biển.

Tôi từng hỏi người qua lại tên cây. Có người lắc đầu. Có người lưỡng lự. Rồi thì tên cây cũng hiện ra nỗi ngờ ngợ của tôi cùng lời khẳng định của một cựu chiến binh. Ông người mạn Bắc từng cùng đồng đội tiến vào giải phóng Trường Sa nay chọn Vũng Tàu là nơi sinh sống. Người từng là lính biển thuộc tên cây như thuộc chính cuộc đời người lính biển trong những năm chiến tranh giải phóng của mình. Ông bảo:

- Cây đó là cây phong ba. Nó thường mọc ngoài đảo xa, rất ưa nắng gió, kham khổ. Gần đây cây được lấy về trồng trong thành phố. Mỗi lần qua đây nhìn thấy cây, bọn cựu binh của biển như chúng tôi cũng đỡ nhớ biển hơn.

Tôi đoán chắc là các ông nhớ khơi xa, nơi có gió to sóng lớn bao quanh những hòn đảo, quần đảo ngâm mình trong nước mặn, trụ mình giữa đại dương bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của mình. Tôi còn được biết qua lời của một người từng ra thăm quần đảo Trường Sa kể rằng, tên cây là do các chiến sĩ đặt cho phù hợp với những khó khăn gian khổ nơi cây đang sinh sống.

Có lẽ là thế chăng khi mà được mọc ở nơi vùng đất của Tổ quốc giữa biển khơi, cây đã thấm và mang trong mình một cuộc đời chiến sĩ. Người trong đất liền còn có một cái tên mộc mạc hơn, dân dã hơn để đặt cho cây. Cái tên cây được gọi khác ấy là cây bàng vuông. Tôi nghĩ đây là tên khai sinh của cây. Cây bàng vuông mới nhác trông có dáng vẻ gì đó của cây bàng tròn quen tỏa mát bóng mình nơi phố xá, dọc những hè đường với những mùa trái chín vàng thuôn, mũm mĩm. Cây bàng vuông thì như sắt lại, nhỏ nhắn hơn nhưng rắn rỏi và từng trải hơn nhiều. Chả trách gì chiến sĩ mình lấy chữ phong ba đặt thêm tên cho cây. Nhìn cây mà nhận ra nết đất, tính người.

Vũng Tàu có đôi hàng cây phong ba làm đẹp thêm gương mặt thành phố. Những người từng vào sinh ra tử trong các cuộc chiến sống mái với kẻ thù giành lại độc lập tự do cho dân, cho nước thì thấy kiêu hãnh hơn khi mà loài cây chiến binh đứng kề mạn biển Vũng Tàu trong tư thế người vệ sĩ của xứ dầu trong mùa xây dựng.

Thật cảm động khi sớm nay trước lồng lộng của gió biển Bãi Sau, tôi được trò chuyện cùng người lính già đã từng giải phóng Trường Sa. Ông cũng là người đã từng cùng nhiều đồng đội khác ghìm sóng, ghìm bão canh giữ các miền đảo xa. Bên ông trong buổi sáng thanh bình của đất nước này còn có một loài cây sinh lực từng bất chấp bão tố trùng khơi nay về thả neo nơi thành phố trẻ trong vóc dáng người canh giữ biển của mình!

.
.
.