Cây cổ thụ

Thứ Bảy, 08/01/2011, 15:51
Ở mỗi một địa danh, vùng quê, bên một bến sông, một ngôi đình, một cổng làng… luôn tồn tại những cây cổ thụ, nhiều cây các thế hệ người trong làng chẳng biết đã sống và tồn tại bao nhiêu năm.

Chắc chắn trong kí ức của nhiều người xa quê hương ngoài người thân trong gia đình thì những gốc cây cổ thụ của miền quê mình sinh ra và lớn lên sẽ được ghi nhớ bền sâu nhất. Những cây cổ thụ thường có tuổi vài trăm năm, chứng kiến bao thăng trầm lịch sử của mỗi địa danh, hoặc từ gốc cây ấy ghi một dấu ấn lịch sử cho cả một dân tộc, một đất nước - cây đa Tân Trào, nơi ngày 22/12/1944 Đội Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập và tuyên thệ.

Nhiều làng xã, một cây đa đầu làng trở thành nơi tập hợp một nghĩa quân, nơi treo kẻng để vang kên tiếng báo động khi có kẻ thù tới làng, nhưng cũng có thể là nơi ghi dấu ấn đau thương bởi kẻ thù đã từng treo cổ, bêu đầu những chiến sĩ cách mạng.

Có những cây mà từ một địa danh nổi tiếng khiến loài cây ấy trở thành loài quí hiếm như cây lộc vừng bên hồ Hoàn Kiếm bởi những chùm hoa như rèm buông thơ mộng bên Tháp Rùa, để rồi hiện nay những nhà chơi cây cảnh cố gắng săn tìm bằng mọi giá; xung quanh hồ Hoàn Kiếm còn có những gốc đa cổ thụ chứng kiến và tôn tạo cảnh quan màu xanh cho trung tâm thành phố cổ như cây đa trong khuôn viên Báo Nhân dân, cây đa bên đền Bà Kiệu.

Cây gạo có hình rồng ở Thái Thịnh (Thái Thụy, Thái Bình).

Với tôi, đôi cây đại tại chùa Đồng Đại, xã Đồng Thanh, Vũ Thư, Thái Bình, nơi tôi sinh ra và lớn lên là hình ảnh được ghi nhớ trong tâm khảm. Theo lịch sử của ngôi chùa cổ thì hai cây đại này đã được trồng cách đây gần 700 năm, đến nay như hai con rồng mốc meo thân cành, toả ngát hương thơm mỗi mùa hoa nở. Lạ thay đã 40 năm trôi qua, những cành cây khẳng khiu chỉ bằng bắp tay đã khô, ngày thơ ấu chúng tôi túm ba tụm năm tranh nhau trèo lên để xem chiếu phim, xem kịch, hoặc người lớn treo cân lên để cân cả tạ lúa nay vẫn không mục mà rắn chắc như sừng.

Một cây cổ thụ tại xã Hiệp Hoà - Vũ Thư trên đường tới trường mà chúng tôi gọi là cây thối vì vào mùa ra hoa, mùi của hoa khăm khẳm cả một vùng, nhưng đó chính là cây Guốt đã có tuổi vài trăm năm.

Bạn hãy thử nghĩ xem, nếu hồ Gươm Hà Nội mất đi những bóng cây cổ thụ, nếu đường Nguyễn Du mất đi hàng cây sữa.. thì nhiều thi phẩm tranh ảnh sẽ là sự tưởng tượng cho đời sau; nếu bên dòng suối Yến vào chùa Hương không còn những cây gạo đỏ rực trời vào tháng 3 lễ hội thì dòng suối Yến đâu còn thơ mộng…

Chí Công
.
.
.