Câu chuyện về một bài hát ca ngợi Bác Hồ

Thứ Ba, 17/05/2005, 07:29

Trong đêm biểu diễn khai mạc Đại hội liên hoan quốc tế ca hát phản kháng được tổ chức tại La Habana năm 1967, có một bài hát, khi nghe xong hàng vạn khán giả đã đứng dậy vỗ tay như sấm, yêu cầu hát lại. Đó là Bài ca Hồ Chí Minh, do hai nam nữ nghệ sỹ Ewan Maccoll và Peggy Seeger sáng tác và biểu diễn.

Những ai đứng ở hàng đầu đều nom rõ những giọt nước mắt đang lăn chảy trên gò má của nhạc sỹ - chiến sỹ hòa bình người nước Anh, Ewan Maccoll. Đôi lúc giọng hát của ông nghẹn hẳn vì quá xúc động, nhưng cây đàn dân tộc đeo trên ngực ông vẫn vang lên quyện chặt lấy tiếng hát của người vợ, một nữ danh ca Mỹ.

Bài ca chấm dứt, không gian tràn ngập những tiếng hô "Hồ Chí Minh, José Marti, Tổ quốc hay là chêtë!", hai nghệ sỹ quay hẳn người lại cúi đầu rất lâu chào tấm áp phích làm nền cho sân khấu, trên đó vẽ hình một nữ chiến sỹ giải phóng quân Việt Nam đang cầm súng lao lên phía trước - dưới ghi hàng chữ "Việt Nam, bài học cho thế giới".

Ngay đêm ấy, các nghệ sỹ Việt Nam sang tham dự Đại hội đã tìm gặp hai người bạn quý. Hai nghệ sỹ Anh, Mỹ thân tình dạy cho các bạn Việt Nam học Bài ca Hồ Chí Minh. Và chính Ewan Maccoll, tác giả bài ca, đã kể lại tỉ mỉ hoàn cảnh ra đời bài ca ấy.

Đêm 7/5/1954, trong một tòa lâu đài cổ phía Nam Thủ đô London, trên các hàng ghế chật ních mấy khoang nhà, người ta thấy có mặt nhiều thủy thủ, binh sỹ, sinh viên và một số Đại biểu Quốc hội Hoàng gia Anh. Họ đều là những hội viên của phong trào đòi tự do cho các thuộc địa của Vương quốc Anh.

Sau khi bài Quốc ca trang nghiêm vừa dứt, nhạc sỹ Ewan Maccoll bước lên diễn đàn. Trên khuôn mặt anh rạng rỡ một nụ cười khiêm tốn mà chân thành. Anh nói:

- Thưa các ngài và các bạn, chiều nay đài BBC đã miễn cưỡng và dè dặt đưa tin: Điện Biên Phủ mất rồi! Nhưng đối với chúng ta, ngày Điện Biên Phủ chiến thắng lại là ngày hội lớn của tất cả những người lao động bị áp bức trên toàn thế giới.

Thưa các bạn! Tại sao chiến thắng đặc biệt có ý nghĩa này lại xảy ra ở Việt Nam mà không phải ở một mảnh đất thuộc địa nào khác? Gần đây, tôi đã được đọc một cuốn sách quý, gồm nhiều bài viết của một số giáo sư sử học phương Đông và Pháp, Italia... Ca ngợi một nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX. Đó là Cụ Hồ Chí Minh, nhà lãnh tụ vừa dẫn dắt nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng kiệt xuất Điện Biên Phủ. Cuốn sách có đoạn viết: "Cụ Hồ Chí Minh không chỉ xót thương nhân dân mình, dân tộc mình, mà ngay khi còn sống lưu lạc nơi đất khách quê người, Cụ đã thấu hiểu mọi nỗi đau khổ của những người nô lệ châu Phi, châu Mỹ...".

Thưa các bạn! Vừa gấp cuốn sách lại thì lập tức những cảm hứng nghệ thuật đã tràn ngập tâm hồn tôi, giúp tôi nhanh chóng sáng tác một ca khúc về Cụ Hồ Chí Minh, người đang nhen ngọn lửa giải phóng bùng sáng lên ở Việt Nam và từ đấy sẽ lan nhanh tới mọi lục địa để thiêu cháy mọi áp bức, bất công. Vì bài hát này nhằm nói lên tình cảm của nhân dân Anh dành cho Người, tôi đã chủ tâm sử dụng và phát triển một làn điệu dân ca cổ Saxon, có chứa đựng nhiều yếu tố thiết tha sôi nổi...

Nói đến đây, Ewan Maccoll nâng cây đàn dân tộc lên trước ngực, âm thanh như dẫn dắt người nghe đi vào những điều tâm sự thiêng liêng:

Miền biển  Đông, xa tắp nơi chân trời
Người dân ở đó lầm than đói nghèo
Từ đau thương Người đi,
khắp năm châu
Lòng tin mặt trời chân lý sáng soi
Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!
...Người đã về với rừng núi
Tổ chức nên một đạo quân,
tất cả đều trở thành anh hùng
Thề giải phóng cho nhân dân
Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!
...Người đã chỉ huy đánh tan
quân ngoại xâm
Lập nước Việt Nam chiến thắng
vinh quang
Người là ngôi sao dẫn đường
Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!
Lòng thành kính toàn dân gọi Cha già
Vì Người đã sống để cho muôn người
Hồ Chí Minh mùa xuân chứa chan
muôn niềm tin
Người từ chân lý sinh ra.
Vì thế giới hòa bình, Người hiến dâng
đời mình
Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh.

Người nghe hết sức chăm chú lắng nghe từng câu từng chữ của bài ca. Cứ mỗi khi nghệ sỹ hát xong, mọi người lại đồng thanh "Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!".

Thế là phong trào đòi tự do cho các nước thuộc địa của nước Anh đã có thêm một bài hát phù hợp với cương lĩnh chính trị của mình. Bài hát nhanh chóng được lưu truyền khắp nước. Nó còn xuất hiện ở Pháp và trở thành một bản cáo trạng đối với bọn thực dân Pháp đang tàn sát nhân dân Algeria. Giới nghệ sỹ tiến bộ CHLB Đức, Italia, cũng dùng Bài ca Hồ Chí Minh để góp phần lên án âm mưu phục hồi các thế lực phát xít trong nước mình.

Sự khác biệt về ngôn ngữ, về địa lý, về chế độ chính trị không mảy may ngăn nổi đôi cánh vạn dặm của bài ca. Và khi vừa xuất hiện ở Mỹ, Bài ca Hồ Chí Minh lập tức được đội ngũ các nghệ sỹ tiến bộ Mỹ đón nhận như một thứ vũ khí tinh thần hết sức quý báu để tố cáo những hành động xâm lược, những thủ đoạn diệt chủng của đế quốc Mỹ ở Việt Nam - Lào - Campuchia...

Vào giữa lúc bọn hiếu chiến Mỹ cố tình nhắm mắt đẩy cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lên những nấc thang tội ác nguy hiểm nhất, Bài ca Hồ Chí Minh càng vang lên qua nhiều thứ tiếng: Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đức, Nhật Bản, Pháp... Và khi được mời sang Cuba tham dự Đại hội liên hoan quốc tế ca hát phản kháng, hai vợ chồng nhạc sỹ Ewan Maccoll càng biểu diễn Bài ca Hồ Chí Minh một cách say sưa nồng nhiệt. Chính ở đây, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ không lâu, những chiến sỹ cách mạng Cuba đã hiên ngang cắm ngọn cờ tự do ngay sát cõi bờ nước Mỹ. Và trên mảnh đất này đã từng vang lên lời thề bất hủ "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả dòng máu đỏ của mình!".

Đại hội liên hoan quốc tế ca hát phản kháng kết thúc thắng lợi. Trên sân bay thủ đô Ha Labana, vợ chồng Ewan Maccoll rẽ đám đông chạy như bay tới ôm chầm lấy các bạn nghệ sỹ Việt Nam, chào tạm biệt, trao tặng bản nhạc Bài ca Hồ Chí Minh, ngoài bìa có ghi mấy câu thơ:

Trên đời có những vật không thể
thay đổi
Có những con chim không khuất phục
bao giờ
Có những tên người sống mãi với
thời gian
Hồ Chí Minh..

Ca sĩ Quang Hưng
.
.
.