Câu chuyện cuối năm với ông Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam

Thứ Sáu, 27/01/2006, 07:10

Tại đấu trường SEA Games 23, mỗi lần vận động viện (VĐV) nở nụ cười sung sướng bước lên bục chiến thắng hay bật khóc nghẹn ngào vì thất bại, người ta hay thấy một người đàn ông dáng người cao lớn dang rộng vòng tay ôm họ vào lòng. Lúc đang mệt nhoài trên sàn tập hay phút thảnh thơi sau mỗi kỳ thi đấu, các VĐV lại âu yếm gọi ông là "Bố Minh".

Người đàn ông ấy là Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, UBTDTT. Ông cũng là Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại các mùa SEA Games và ASIAD từ nhiều năm nay.

Giương cao ngọn cờ Tổ quốc

Thẳng thắn, dứt khoát và hào sảng, đó là những gì người ta cảm nhận về ông Trưởng đoàn thể thao Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình trí thức nhưng nghề thể thao đã ngấm vào cơ thể ông từ thuở thiếu thời. Gặp chúng tôi vào một chiều cuối năm, ông kể rằng, khi còn là cậu học sinh THPT, ông đã mê mẩn cuốn sách "Những lá cờ trên sân vận động". Cuốn sách kể về cuộc đua tài quyết liệt 10 môn phối hợp của hai VĐV trên đấu trường Olimpic quốc tế. Tại 4 kỳ thế vận hội trong thời kỳ phong độ đỉnh cao của hai VĐV, mỗi người đã hai lần giành huy chương vàng thế giới. Vì thế, đến Olimpic tại Tokyo Nhật Bản -  thế vận hội cuối cùng của hai VĐV tài năng, cuộc đua tranh trở nên vô cùng quyết liệt. Một người xuất thân từ gia đình nghèo và vô tình bị biến thành cỗ máy thể thao, anh ta nghĩ: Phải chiến thắng để kiếm tiền! Còn người kia nhìn thấy giữa rừng cờ hoa trên khán đài lấp lánh màu cờ quê hương Xô Viết, anh ta nghĩ: Phải chiến thắng vì danh dự Tổ quốc! Và cuối cùng, người bước lên bục vinh quang cao nhất chính là người biết giương cao ngọn cờ của đất nước Liên Xô vĩ đại.

Tưởng như cuốn sách chỉ là nỗi đam mê một thời tuổi trẻ, nhưng cho tới tận bây giờ, nó vẫn là nỗi ám ảnh của ông. Từ khi còn là anh "giáo làng" ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 1 tới khi thành người điều khiển đoàn thể thao Việt Nam tham gia các đấu trường quốc tế, ông luôn dặn dò các VĐV bằng điều tâm huyết: Phải biết giương cao ngọn cờ Tổ quốc! Bởi thể thao là một nghề đặc biệt, nó đòi hỏi sự đua tranh quyết liệt giữa hàng ngàn VĐV thể thao thành tích cao. Không thể để VĐV tập luyện theo kiểu công chức Nhà nước, mà phải không ngừng phấn đấu sáng tạo ra những kỷ lục mới.

Kinh nghiệm từ các cuộc thi đấu thể thao từ hơn 80 quốc gia ông đi qua đã cho thấy, không có sự khổ luyện thể thao nào thành công mà không có lý tưởng thi đấu rõ ràng! Trong suốt quá trình tập luyện gian khổ, nguồn động viên lớn lao cho các VĐV luôn là màu cờ đỏ sao vàng Tổ quốc. Đó là Nguyễn Thuý Hiền với biệt danh "Mèo hen" và bị bệnh khớp nhưng vẫn miệt mài tập luyện. Đó là Đỗ Thị Ngân Thương nhiều lần đứng trên bục vinh quang cao nhất ở hai kỳ SEA Games, mà ít người biết rằng, từ 9 năm trước, cô bé đã rời xa sự chăm sóc của những người thân trong gia đình để sang Trung Quốc tập luyện. Vào cái tuổi lên 6, khi mà bạn bè cùng trang lứa chỉ biết ăn, ngủ và làm nũng cha mẹ, cô bé đã phải rèn từ sáng sớm đến đêm khuya với những bài chạy ép cân đẫm mồ hôi, những bài tập đè dẻo đau đớn, để rồi có một kỳ SEA Games 23, cô bé giành luôn hai huy chương vàng về cho Tổ quốc.

Điều Hạnh phúc giản dị

Trở về từ Philippines, với ông không chỉ có niềm vui chiến thắng, niềm vui của đoàn quân vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Tổ quốc giao phó, mà còn có những giọt nước mắt. Các VĐV đã đổ bao mồ hôi và nước mắt trên sàn tập, chịu đựng những cuộc điều trị chấn thương đau đớn, họ hy sinh cả thời tuổi trẻ, thậm chí cả hạnh phúc riêng và tính mạng của mình để giành lấy vinh quang cho Tổ quốc. Nhưng rồi đây, những con người chấp nhận một tuổi thơ không được học hành đầy đủ, họ sẽ đi về đâu, sẽ làm nghề gì để kiếm sống?

Cuộc đời khắc nghiệt của VĐV thể thao thành tích cao theo ông thường chỉ kéo dài 6-10 năm và sẽ vắt kiệt sức lực của họ. Chia sẻ với họ nên mỗi lần phải đứng trước hàng ngàn VĐV vừa hân hoan sau thắng lợi SEA Games 23 để nói về những điều phải làm sắp tới, nước mắt ông lại trào ra! Biết nói gì đây khi ông không thể đủ sức lo cho những VĐV mà ông coi như con cháu khi chúng rời sàn đấu! Rồi ông lại nghĩ tới ngã rẽ số phận các VĐV cả khi nhớ đến tác phẩm "Núi đồi và thảo nguyên" của Aimatov. Có những người lính sau chiến tranh trở về với tấm huy chương lấp lánh, những cũng có hàng triệu người khác trở về khi thân thể không còn nguyên vẹn và trên ngực họ không hề có một ánh lấp lánh nào. Biết giúp gì  khi họ cũng đổ bao mồ hôi, chịu đựng bao mất mát sau trận đấu? Khi phải làm cán bộ quản lý hàng ngàn con người, đã có lúc ông Vụ trưởng mê đọc sách và luôn có một cây đàn guitar trong căn phòng bề bộn tài liệu, phải hoang mang tự hỏi: Mình đang làm gì và đang dẫn họ đi đâu đây? Vẫn biết rằng họ tập luyện là để mang vinh quang về cho Tổ quốc, vẫn biết rằng ông đã cùng họ đã nếm trải dư vị ngọt ngào của chiến thắng;  nhưng câu hỏi về đoạn sau cuộc đời VĐV ngắn ngủi vẫn là một điều day dứt mãi không thôi!

Dường như ông Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam là người cả nghĩ. Ông không khỏi đau lòng trước dư luận về sự đắn đo giữa màu cờ sắc áo và tiền thưởng của đội truyển bóng đá nam Việt Nam tại SEA Games 23. Không thể chấp nhận chuyện người đánh xe cứ treo củ cà rốt trước mặt con lừa để thúc nó chạy nhanh hơn. Với tư cách là người lãnh đạo đoàn thể thao quốc gia, ông chưa bao giờ treo tiền thưởng cho bất kỳ VĐV nào trước kỳ thi đấu. Nhưng đúng là, có những sai lầm nằm ngoài tầm kiểm soát của vị Trưởng đoàn dày dạn kinh nghiệm.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau mỗi kỳ thi đấu, điều hạnh phúc nhất với ông có lẽ chưa hẳn là vòng hoa hay lời chúc mừng chiến thắng của những người ra đón. Ông thực sự cảm thấy sung sướng khi mỗi buổi ghé vào hàng phở ăn sáng, có ai đó tới vỗ vai chúc mừng thành tích hay than phiền điều gì đó về kết quả thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam. Hạnh phúc của ông là khi có những VĐV mà ông coi như con cháu trong nhà cùng đồng thanh gọi "Bố Minh". Hạnh phúc của ông còn là gia đình nhỏ được vun đắp trong ngôi nhà chung của thể thao.

Con đường đi của thể thao Việt Nam

"Chúng ta không được phép nghĩ thể thao Việt Nam không thể vươn kịp thành tích thể thao thế giới!" Đó là lời khẳng định chắc nịch của ông Trưởng đoàn thể thao Việt Nam. Năm 2002, tại ASIAD ở Pusan, Hàn Quốc, chúng ta đạt 4 huy chương vàng và đứng thứ 18/43 nước tham dự. Ông Nguyễn Hồng Minh với tư cách Trưởng đoàn đã mạnh dạn đưa ra vấn đề thể thao Việt Nam lên tầm khu vực châu Á. Cùng với việc dốc sức chuẩn bị cho các kỳ SEA Games, chúng ta đã bắt đầu hình thành những nội dung thi đấu có khả năng giành huy chương ở đấu trường châu Á.

Ngay sau SEA Games 23, 280 VĐV ưu tú sẽ bước vào tập luyện cho ASIAD 2006, trong đó sẽ có 40-50 VĐV chuẩn bị cho Olimpic Bắc Kinh 2008. Những dấu hiệu khả quan cho đoàn thể thao Việt Nam đang ngày càng lộ rõ với lực lượng VĐV của 18 môn thi đấu với 70-100 người có khả năng đạt thành tích thi đấu. Tại sao chúng ta không hy vọng khi VĐV Bùi Thị Nhung bất ngờ phá kỷ lục nhảy cao khu vực châu Á. Khi chúng ta có VĐV Trần Hiếu Ngân với huy chương bạc Olimpic đã đưa Việt Nam lên vị trí 71 trong số gần 200 nước tham dự. Đến ASIAD 2006, đoàn thể thao Việt Nam đang quyết tâm cải thiện vị trí với 6-8 huy chương vàng. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hy vọng chiếc huy chương vàng đầu tiên tại Olimpic Bắc Kinh 2008. Với  nhiệt huyết dành cho thể thao nước nhà, chúng ta tin lắm một ngày, ngọn cờ Việt Nam sẽ được giương cao trên khắp đấu trường khu vực và thế giới

Thanh Loan - Quỳnh Nga
.
.
.