“Câu chuyện của Nem” - cậu bé mắc chứng tự kỷ

Thứ Sáu, 09/05/2014, 12:48
Ban Hành động vì Sự phát triển Hòa nhập (IDEA) phối hợp cùng Trung tâm Kinh tế và Phát triển Cộng đồng (ECCO), nhóm phụ huynh trẻ Tự kỷ đã tổ chức lễ khai mạc Trưng bày tranh và ảnh “Câu chuyện của Nem” tại Trung tâm KAI Art, 342 Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội.

“Câu chuyện của Nem” giới thiệu những tác phẩm do Nem tên thật là – Hà Đình Chí sáng tác, em mắc hội chứng tự kỷ từ khi lên một tuổi. Nem gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân và giao tiếp qua lời nói, cử chỉ, hành động. Tuy nhiên, em có thiên khiếu hội họa nảy mầm từ rất sớm đã cho em khả năng khắc họa lại thế giới màu sắc và đa dạng của mình bằng những bức tranh đầy cảm xúc, qua thời gian, hội họa đã trở thành phương tiện duy nhất để Nem tư duy và giao lưu với thế giới bên ngoài.

Anh Hà Đình Long, bố của bé Nem đang giải thích cho khách thăm quan những bức tranh ngộ ngĩnh do em vẽ.

Nem dường như không có nhu cầu chia sẻ và chơi với bạn nhưng em có nhu cầu chơi với những nét vẽ trên tờ giấy trắng. Anh Hà Đình Long, bố của Nem đã phát hiện ra em có những dấu hiệu lạ khi một tuổi, mọi vận động tinh và thô dều rất chậm, hay khóc như một đứa trẻ vài tháng tuổi và rất khó nuôi. Đặc biệt là sự khởi đầu năm 2010, khi Nem lên năm tuổi em vẽ và viết bằng tay trái rất đẹp, từ đây phát triển được thiên khiếu hội họa. Mỗi bức tranh do Nem vẽ đều là cách để Nem cảm nhận và giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Chị Lan Phương, mẹ bé Nem chia sẻ: “Nem say sưa hàng tiếng đồng hồ với những hình ảnh muôn hình muôn vẻ trong đầu của bạn ý, gia đình khuyến khích Nem theo đuổi đam mê của mình với múc đích để cho con luôn vui và thoải mái”.

Khu triển lãm ngoài trời trưng bày các hoạt động của Nem (ảnh: Ngọc Hiền).

Mỗi trẻ em là một tiểu thế giới và Nem là một người đại diện cho những trẻ tự kỷ khác thể hiện cuộc sống của mình thông qua tranh. Nem thiên về vẽ các nét rất tốt, vẽ màu em thường không kiên nhẫn, tuy nhiên những bức tranh của Nem đều rất hồn nhiên vô tư, không bị gò bó, những bức tranh đều phản ánh được cuộc sống hiện tại muôn màu muôn vẻ. Qua các tác phẩm của Nem, khán giả còn được ngắm nhìn một thế giới qua nhãn quan hoàn toàn khác biệt, một trí tưởng tượng rất riêng. Mọi người được tiếp cận với thế giới thực của trẻ tự kỉ và qua đây các bậc phụ huynh sẽ học hỏi được rất nhiều điều có ích cho việc giáo dục và tiếp cận với con cái mình, đặc biệt là tính kiên nhẫn. Chị Lan Phương chia sẻ kinh nghiệm với các bậc phụ huynh khác về cách giao tiếp với trẻ tự kỷ: “Bố mẹ là nhân tố quan trọng nhất để kết nối con cái với thế giới bên ngoài, nên giao lưu với cháu nhiều hơn và phải hiểu được nhu cầu của con cái cần gì”.

Cũng như trẻ bình thường khác những trẻ khuyết tật có tiềm năng riêng đều có mưu cầu hạnh phúc. Theo Chiến lược phát triển Giáo dục 2011 – 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra mục tiêu là giáo dục và hòa nhập được thực hiện ở tất cả các cấp để đến năm 2020, có 70% trẻ khuyết tật đi học.

Những bức tranh phong cảnh phong phú và sinh động do Nem vẽ.

Thực tế cho thấy, số lượng trẻ khuyết tật được đi học cấp mầm non và tiểu học ngày càng tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ người khuyết tật, trong số đó có trẻ khuyết tật, tốt nghiệp tiểu học thấp khoảng 38%. Năm 2010, khoảng 35% người khuyết tật trên 16 tuổi không biết đọc biết viết, tỷ lệ người khuyết tật có trình độ từ trung học chuyên nghiệp trở lên là dưới 3%.

Cộng đồng vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong việc giáo dục trẻ khuyết tật và về khả năng phát triển của trẻ khuyết tật khi được giáo dục. Bà Nguyễn Hồng Oanh, Trưởng Ban IDEA chia sẻ: “Câu chuyện của Nem được kỳ vọng tạo nên nhiều thay đổi về nhận thức và quan trọng hơn hết, là sẽ mang đến cho trẻ khuyết tật cơ hội để sống và thể hiện tiếng nói của chính mình

Ngọc Hiền
.
.
.