Câu chuyện cảm động về vợ chồng khuyết tật “vàng” của thể thao Việt Nam

Thứ Hai, 22/01/2007, 09:57
Số phận đã vô tình lấy đi của họ những thứ quý giá, khiến họ không thể sống như bao người bình thường khác, thế rồi số phận lại giúp họ có được niềm tin vượt qua mọi thử thách. Đó là trường hợp của cặp vợ chồng khuyết tật Tạ Đình Hán và Vũ Hoài Thanh.

Tuổi thơ của anh Tạ Đình Hán cũng hạnh phúc như bao đứa trẻ bình thường khác được vui chơi, được cắp sách tới trường. Nhưng đến năm 10 tuổi Hán thấy mắt mình ngày một mờ dần, nhìn vật từ xa rất khó thấy. Mọi người trong gia đình tưởng Hán bị cận thị nên bảo "để lớn tý nữa cho đeo kính".

Tuổi thơ khốn khó

Thế nhưng sang năm học lớp 4 mắt Hán mờ hẳn, đi đường rất hay bị vấp ngã, do vậy trong hai năm học lớp 4 và lớp 5 Hán liên tiếp bị đúp. Thấy tình cảnh của con ngày càng nghiêm trọng, bố Hán - ông Tạ Đình Thắng - quyết định xin cho Hán thôi học để chữa mắt.

Ông Thắng đã cùng Hán đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, và cuối cùng được bác sĩ kết luận "Hán bị thoái hóa sắc tố võng mạc trung tâm nên không thể cứu chữa được đôi mắt".

Không muốn tin vào kết luận của bác sĩ, ông Thắng lại ngược xuôi lên Hòa Bình, Hà Tây, Hưng Yên… lấy thuốc nam với hy vọng cứu vãn được đôi mắt của con mình, nhưng kết quả vẫn chỉ là con số không.

Biết được đôi mắt của mình không thể nào sáng lại, Hán sinh ra chán nản, tuyệt vọng. Những ngày tháng đen tối thật sự đến với Hán khi trong sinh hoạt đời thường Hán luôn cần sự giúp đỡ của mọi người.

"Mỗi lúc muốn đi đâu đó cũng phải người dẫn đi, thấy bạn bè hàng xóm đọc được sách báo, xem ti vi mà mình không đọc, không xem được tôi thấy mình thật vô dụng" - Hán nhớ lại.

Năm 2000, Hán xin vào sinh hoạt trong Hội Người mù quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tại đây, Hán được học chữ nổi, được học các môn văn thể như xoa bóp, bấm huyệt… giúp Hán có được sự tự tin và dần quên đi sự mặc cảm.

Đường chạy - đường hạnh phúc

Có thể nói bước ngoặt của cuộc đời Hán thật sự bắt đầu vào năm 2002, khi Hán tham gia môn điền kinh dành cho người khuyết tật của Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Hà Nội. Đối với Hán, những ngày đầu trên đường chạy là cả một thách thức to lớn về lòng kiên trì.

"Nhiều lúc chạy bị vấp ngã, tôi nản chí muốn bỏ không chạy nữa nhưng rồi lại tự đấu tranh với chính mình rằng, không được đầu hàng số phận và cố gắng luyện tập" - Hán tâm sự.

Năm 2003, trong Đại hội Thể thao người khuyết tật toàn quốc, Hán đã xuất sắc giành 3 Huy chương bạc và được tập trung vào đội dự tuyển quốc gia tham gia Paragames 3.

Mặc dù kết quả đạt được không như ý muốn nhưng với Hán điều đó không quan trọng, mà quan trọng hơn đến với đường chạy anh có được sức khoẻ, sự đồng cảm cũng như niềm tin vào một tương lai tươi sáng đang chờ anh phía trước.

Hán nói: "Nhờ có thể thao mà hôm nay, tôi đã là một con người hoàn toàn khác, không phải là một kẻ luôn mặc cảm trước số phận".

Cũng tại đây, Hán đã gặp nữ vận động viên Vũ Hoài Thanh. Chị bị một tai nạn giao thông khủng khiếp năm 16 tuổi. Sự cố đó đã cướp đi của Thanh một phần chân phải.

Trong những buổi giao lưu giữa CLB sinh viên khuyết tật với đoàn vận động viên khuyết tật Hà Nội, vận động viên Bạch Quang Thái đã nhìn thấy ở Thanh có tố chất của một vận động viên đầy triển vọng và khuyên cô nên chơi thể thao.

Những ngày đầu tham gia tập chạy trên sân vận động Hàng Đẫy, Thanh và Hán đã quen nhau và trở thành đôi bạn tốt. Rồi tình cảm đó phát triển dần cho đến một ngày, Thanh nhận được lời cầu hôn của Hán…

Như có thêm động lực trong cuộc sống, Thanh nhanh chóng khẳng định được khả năng của mình khi liên tiếp đạt thứ hạng cao dành cho người khuyết tật ở các giải thể thao trong nước và khu vực môn cầu lông, mà thành quả là 2 chiếc Huy chương vàng ở Đại hội Thể thao người khuyết tật toàn quốc, 1 Huy chương vàng và 2 Huy chương bạc ở Paragames năm 2003.

Ước mơ về một mái ấm gia đình đã trở thành hiện thực đối với đôi bạn trẻ khi tháng 3/2006, Hán và Thanh đã quyết định tổ chức đám cưới.

"Lúc đầu cả hai gia đình đều không đồng ý, vì sợ cả hai không thể nuôi sống nhau được, nhưng rồi trước những quyết tâm của Thanh và Hán, mọi người đã chấp nhận. Thật như một giấc mơ, trước kia chúng em nghĩ mình không thể làm cha làm mẹ, nhưng giờ thì điều đó đang trở thành hiện thực" - Thanh nói trong hạnh phúc.

Với họ cuộc sống giờ đây đang tràn ngập niềm vui, niềm tin và hạnh phúc khi cả hai đang trông chờ sự hiện diện của đứa con đầu lòng vào mùa xuân tới.

Mặc dù đã mở phòng xoa bóp bấm huyệt tại nhà và tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh như mình, nhưng vợ chồng Hán vẫn hy vọng một ngày gần nhất sẽ mở rộng hơn nữa phòng xoa bóp của mình để có thể chữa trị một số bệnh không cần thuốc cho mọi người.

Hán cho biết, dù công việc thật sự bận rộn nhưng Hán vẫn không quên đến đường chạy vào mỗi buổi sáng hàng ngày, bởi lẽ với anh thể dục, thể thao là liều thuốc bổ ích nhất để duy trì sức khoẻ. Còn với Thanh, dù sắp sinh con, nhưng chị vẫn đang rất bận với việc làm luận văn bảo vệ lớp Liên thông, khoa Kế toán của Trường Đại học Thương mại

Nguyễn Hưng - Hoài Nam
.
.
.