Câu chuyện bóng đá: Sự đảm bảo của Liên đoàn

Thứ Hai, 12/05/2014, 10:51
Điều duy nhất khiến người ta "tạm thời tin tưởng" vào một HLV ít tên tuổi, ít thành tích như tân HLV trưởng ĐT Việt Nam Toshyia Miura đó là ông có sự đảm bảo về chất lượng của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản. "Sự đảm bảo của Liên đoàn" mà với nó nhiều người lại nhớ đến một trường hợp khiến bóng đá Việt Nam từng ôm hận: Thầy "rởm" Letard!

Để chuẩn bị cho kỳ SEA Games 22 trên sân nhà, năm 2002, VFF từng đưa cả một chùm thầy ngoại vào "chung kết" rồi chốt lại với cái tên Letard. Tại sao lại là Letard, chứ không phải những cái tên A, B, C nào khác? Tại vì thứ nhất, Letard đưa ra một mức lương "coi được", và thứ hai, quan trọng nhất: Letard có sự bảo đảm của Liên đoàn Bóng đá Pháp. Thậm chí, Giám đốc kĩ thuật của Liên đoàn Bóng đá Pháp lúc ấy, người từng dẫn dắt ĐT Pháp đoạt chức vô địch Word Cup 1998 Aime Jacquet đã đảm bảo chất lượng của Letard. Sự đảm bảo khiến cho cái ý tưởng "cần phải thử việc" mà VFF từng đặt ra cũng lập tức bị dẹp sang một bên.

Ngay sau khi ký hợp đồng và nhận nhiệm vụ giúp ĐT U.23 Việt Nam có huy chương tại SEA Games 22, Letard đã soạn ra những bài test để chọn quân cho ĐT ở hai miền Nam - Bắc, nhưng khi "thị sát" những bài test này thì chính các chuyên gia bóng đá Việt Nam đã phải thốt lên: "Nó đơn giản, bình thường đến không tưởng". Đến khi Đội tuyển thành hình và Letard bước vào những buổi thị phạm đầu tiên thì một trợ lý của Letard đã chia sẻ với báo chí: "Ông ấy đề nghị họp hành suốt ngày, và càng lúc càng cho thấy mình chỉ là một... chuyên gia lý thuyết". Sau đó, khi ĐT U.22 của Letard dự cúp bóng đá TP Hồ Chí Minh và càng đá càng khiến người hâm mộ bị khủng hoảng niềm tin thì VFF đã buộc phải làm cái việc chẳng đặng đừng là cách chức Letard trước thời hạn.

HLV trưởng ĐT Việt Nam Toshyia Miura (trái) và TTK VFF Lê Hoài Anh.

Phần còn lại của vụ việc như thế nào, Letard đã kiện VFF lên Tòa án thể thao quốc tế ra sao, và bóng đá Việt Nam đã phải bấm bụng trả Letard một khoản tiền đền bù kỷ lục ra sao là điều mà tất cả đều đã rõ. Nhắc lại trường hợp thầy "rởm" Letard không phải để cứa thêm một nỗi đau vào quá khứ, mà để làm sáng lại một bài học luôn có tính thời sự: Đối với một HLV, sự đảm bảo chất lượng từ Liên đoàn bóng đá ở quê hương ông ta, thậm chí là sự đảm bảo của những nhân vật uy tín vốn là đồng hương của ông ta cũng không phải là sự đảm bảo tối cao.

Có lẽ hiểu rõ điều này mà trong cuộc tuyển thầy của VFF vừa qua, cựu PCT chuyên môn VFF, cựu thành viên Hội đồng HLV QG Lê Thế Thọ đã đề xuất phương án: thầy ngoại cần phải được thử việc. Ông Thọ cho biết, hiện tại, VFF có sẵn  ĐT U.16 QG đang tập trung dài hạn ở trung tâm bóng đá trẻ, và chỉ cần xem thầy ngoại "cầm" ĐT U.16 QG khoảng vài tuần là những chuyên gia như ông có thể đưa  những cảm nhận bước đầu về họ. Tuy nhiên, đề xuất của ông Thọ đã không được áp dụng. Những mong muốn về một cuộc tuyển thầy với nhiều cái tên, nhiều chọn lựa trước khi đưa ra một phương án cuối cùng cũng đã không được áp dụng.

Bộ phận chuyên môn VFF đã sớm "để mắt" tới HLV Toshyia Miura, và sau một buổi làm việc kéo dài 10 tiếng tại Hà Nội đã tức thì ký hợp đồng với nhà cầm quân có một hồ sơ công việc khiêm tốn đến ngỡ ngàng này.

Có thể cũng giống như những người đã chọn HLV Letard ngày xưa, những người chọn HLV Toshyia Miura bây giờ đang đặc biệt tin tưởng vào cái dấu "đảm bảo chất lượng" của liên đoàn bóng đá vốn là quê hương của Miura.

Mà không chỉ có sự đảm bảo chất lượng của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản, bây giờ thì ông Miura còn có sự đảm bảo của chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đó là đảm bảo sẽ không cách chức, không sa thải, bất chấp ĐT Việt Nam và ĐT Olypmic Việt Nam do ông dẫn dắt có thể không có thành tích trong suốt thời gian 2 năm tới đây của bản hợp đồng.

Xem ra, ông Miura sướng thật!

Hiếu Hà
.
.
.