Cậu bé mù trở thành đại sứ âm nhạc

Thứ Hai, 02/04/2007, 18:35
Chỉ một sợi dây mong manh của cây đàn bầu, đôi bàn tay kỳ diệu của người nghệ sĩ đã lay chuyển bao trái tim người yêu nhạc. Từ một cậu bé khiếm thị vì nhiễm chất độc dioxin, Nguyễn Thanh Tùng đã trở thành biểu tượng sống của con người biết vượt lên nỗi đau.

Giấc mơ không bằng phẳng

Nguyễn Thanh Tùng sinh ngày 20/10/1979 tại Hà Nội. Cha anh là Nguyễn Thanh Sơn, cựu chiến binh. Những năm tháng khốc liệt ở chiến trường Trường Sơn, ông bị nhiễm chất độc dioxin.

Di chứng đã khiến đứa con gái đầu của ông bị câm điếc, mù, bại liệt toàn thân và thiểu năng tuần hoàn não. Còn Nguyễn Thanh Tùng bị khiếm thị bẩm sinh, một mắt chỉ thấy lờ mờ. Để gia đình có điều kiện chăm sóc đứa con bại liệt, ông nội đưa Tùng về nuôi lúc chỉ mới vừa tròn 8 tháng tuổi.

Năng khiếu âm nhạc bộc lộ từ khi Tùng lên 4. Cậu thường ngấu nghiến các chương trình âm nhạc trên sóng phát thanh. Khi nghe được một bản nhạc độc tấu bằng đàn bầu, cậu đã bị mê hoặc.

Để vui lòng cháu, ông nội làm cho Tùng một cây đàn từ nửa thân cây luồng, một khúc tre, một cái lon sữa và một cái ruột của phanh xe đạp. Được chạm vào cây đàn, niềm đam mê âm nhạc trong Tùng bùng lên dữ dội. Cậu ấp ủ một ngày nào đó chính mình sẽ chơi được các bản nhạc từ cây đàn bầu.

Nhưng khi Tùng đến tuổi đi học thì không trường nào nhận. Nỗi thất vọng vỡ òa trong tâm hồn của cậu bé mù lòa. Hai ông cháu về nhà mày mò tự học qua các câu chuyện. Ông nội vừa học, vừa chỉ cho Tùng chơi guitar.

Năm 1986, Cung Thiếu nhi Hà Nội mở cuộc thi đơn ca và kể chuyện lần I, Tùng đã tham gia. Câu chuyện Sự tích chùa Một Cột của Tùng đã đoạt giải đặc biệt, còn tiết mục đơn ca Tiếng chày trên sóc Bombo, vừa hát vừa đệm guitar, thì giành huy chương vàng. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Tùng.

Tùng được trường PTCS Vân Hồ nhận vào học lớp 1 nhưng với điều kiện "phải biết đọc, biết viết". Hai ông cháu mừng vui khôn xiết. Ông hì hục viết các chữ cái, các dấu thanh, các con số lên một tấm bìa để Tùng nhận diện và học theo.

Qua 3 tháng, Tùng được nhận vào lớp 1, lúc đó đã 8 tuổi. Một buổi học văn hóa ở trường, một buổi Tùng học kể chuyện và đàn bầu ở Cung văn hóa Thiếu nhi. Cứ thế, cậu miệt mài nhích từng bước để mong một ngày chạm tới ước mơ...

Nhưng cuối học kỳ I năm lớp 6, một biến cố lớn xảy ra. Khi Tùng đang ngồi học thì đầu óc quay cuồng, mắt tối sầm lại. Kể từ đó, cuộc sống của Tùng hoàn toàn là bóng đêm... Ông nội đến trường Nguyễn Đình Chiểu mượn sách và đồ dùng học tập về kèm cho Tùng học bằng phương pháp chữ nổi.

Khi Nhạc viện Quốc gia Hà Nội mở lớp học thí điểm cho trẻ khuyết tật tại trường, Tùng được tuyển chọn. Bằng đam mê và nỗ lực phi thường, cậu học hết sơ cấp, trung cấp, sau đó học tiếp khoa Âm nhạc truyền thống của Nhạc viện Quốc gia Hà Nội. Tùng phải nhờ ông nội đọc các tài liệu chuyên môn để tự chuyển qua chữ nổi. Sau này các bạn cùng khoa tình nguyện đọc giúp Tùng.

Cứ thế, Tùng miệt mài như con tằm rút ruột nhả tơ trong suốt quá trình học của mình. Một ngày đều đặn 4 lần ông chở Tùng đi học trên chiếc xe đạp cà tàng.

Năm 1996, Tùng được mời lưu diễn ở TP.HCM. Thời gian này, Tùng bị một cơn đau mắt dữ dội. Các bác sĩ khuyên anh phải nghỉ học, nghỉ chơi đàn một thời gian. Đây là một việc quá khó. Anh tâm sự: "Có thể bắt tôi hy sinh một cái gì đó trong cuộc sống nhưng nghỉ chơi nhạc thì không thể".

Trong một buổi học về lịch sử âm nhạc thế giới, cô giáo giảng về Beethoven và bản giao hưởng Định mệnh, viết khi ông vừa trải qua một cú sốc lớn trong cuộc đời: bị hỏng thính giác. Định mệnh sau đó đã trở thành một tác phẩm vĩ đại, hút người nghe từ nốt nhạc đầu tiên đến nốt nhạc cuối cùng.

Tùng nghiệm ra rằng, tiếng gõ cửa của định mệnh có thể đến với bất kỳ ai và bất cứ thời điểm nào. Nhưng quan trọng là sau tiếng gõ cửa đó người ta sẽ tiếp tục sống như thế nào.

Cuộc giao tranh giữa niềm đam mê và nỗi đau thể xác kéo dài đằng đẵng. Năm 1997, Tùng quyết định phải bước lên một bước bằng việc thi vào khoa Lý luận sáng tác và Chỉ huy của nhạc viện. Sau đó anh tiếp tục học thêm piano.

Đại sứ âm nhạc

Tốt nghiệp đại học loại giỏi, Tùng được mời đi biểu diễn nhiều nơi trong và ngoài nước. Hội nghị thượng đỉnh APEC cuối năm 2006 tổ chức ở Hà Nội, Tùng cũng vinh dự được mời biểu diễn.

Trước đó, năm 2005, trong cuộc vận động quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ở VN, Tổ chức Vietnam les enfants de la dioxin đã mời Tùng qua Pháp biểu diễn. Từ đó, anh liên tục được mời đi diễn ở Đức, Bỉ, Hà Lan...

Ở những nơi đó, người ta dàn dựng cho Tùng một chương trình riêng và mong muốn được thưởng thức âm nhạc truyền thống VN qua tiếng đàn bầu của anh. Nhưng Tùng thường biểu diễn ba mảng: dân ca VN, tác phẩm của các nhạc sĩ VN soạn cho đàn bầu và chơi các bản giao hưởng kinh điển của Mozart, Brahms, Schubert, Beethoven... đã được chuyển thể.

Trước mỗi buổi hòa nhạc, Tùng đều nói lên mục đích chuyến đi của mình. Ngoài việc giới thiệu âm nhạc truyền thống VN, Tùng kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế với nạn nhân chất độc da cam VN. Thật kỳ diệu, tiếng đàn của Tùng đã đi vào lòng người một cách trọn vẹn.

Sau những buổi hòa nhạc, khán giả không chỉ ký tên ủng hộ mà còn nhận hồ sơ của từng người. Họ trao học bổng, mua sắm các nhạc cụ, máy thêu, máy may, máy vi tính... Thấy ai có năng khiếu về cái gì thì họ tập trung ủng hộ để các em có điều kiện phát triển.

Tùng tâm sự rằng, bản thân anh cũng chỉ mới bắt đầu, chưa có điều kiện để giúp các em về vật chất. Tùng muốn thông qua âm nhạc để nói với bạn bè quốc tế về nỗi đau da cam VN.

Và một điều nữa, Tùng muốn thay đổi cách nhìn của mọi người về các nạn nhân. Họ không phải là đã tàn phế. Có những người vẫn tiếp tục sống, tiếp tục làm việc. Với phần sức khỏe còn lại, họ cố gắng tiếp cận tri thức để làm người có ích cho cuộc đời.

Khi Tùng chơi những tác phẩm âm nhạc kinh điển bằng đàn bầu, khán giả châu Âu rất đỗi ngạc nhiên. Họ không ngờ đàn một dây của VN lại chơi được nhiều thứ nhạc như vậy.

Tùng nói rằng đó là kết tinh rất nhiều đời của dân tộc VN. Anh thường mang những làn điệu "Ru con" sang làm quà cho bạn bè quốc tế. Đối với anh, ru con là tiếng hát đầy đặn nhất của người mẹ dành cho con, dù đứa con sinh ra lành lặn hay khiếm khuyết.

Hiện tại, Nguyễn Thanh Tùng đã cho ra đời một số tác phẩm có giá trị như Tự sự viết cho violon; Ánh xuân viết cho violon và piano hòa tấu... Và tác phẩm Sông trăng viết cho tam thập lục và bộ gõ đã đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi sáng tác do Nhạc viện Quốc gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu âm nhạc VN và Quỹ Phát triển văn hóa phối hợp tổ chức năm 2004.

Nguyễn Thanh Tùng và ông nội - Ảnh: Thanh Niên.

Tùng kể rằng, Sông trăng ra đời trong một đêm anh mất ngủ vì bị cơn đau hành hạ. Nằm nhớ lại những ngày thơ ấu được ông nội dắt đi bên bờ sông mát rượi dưới một đêm trăng vằng vặc.

Qua lời ông mô tả, anh tưởng tượng ánh trăng sóng sánh dát bạc trôi trên mặt sông êm đềm. Và anh nghĩ cuộc đời mình cũng giống như dòng sông, phải trải qua bao bão tố, thác ghềnh mới có được những phút bình yên...

28 năm qua, mỗi bước chân Tùng đi đều có sự dìu dắt của ông nội. Ông là người thầy đầu tiên, là người đồng hành với Tùng trong cuộc chinh phục niềm đam mê.

Đã 82 tuổi nhưng trông ông rất tráng kiện. Râu tóc bạc phơ, da hồng hào, mắt sáng, trán cao. Ông sẽ tiếp tục đồng hành để Tùng làm tròn vai trò một đại sứ âm nhạc mà cuộc đời đã giao phó

Theo Bảo Thiên (Thanh Niên)
.
.
.