“Cầu Long Biên - Cây cầu Nghệ thuật”

Thứ Hai, 19/05/2014, 10:10
Ngày 18/5 triển lãm tranh, ảnh về cầu Long Biên nhân kỷ niệm 15 năm Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố Vì Hòa Bình do Ngôi nhà Nghệ thuật Hà Nội (Maison des Arts) tổ chức, diễn ra trong tháng 5 và tháng 6, 2014 tại Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Mỹ Đình.

Cây Cầu Nghệ thuật

Cầu Long Biên, cây cầu vắt qua 3 thế kỷ, đã từng chứng kiến 3 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam và trở thành biểu tượng của Hà Nội - thủ đô anh hùng, thành phố vì Hòa Bình.

Những bức tranh về Cầu Long Biên do nhiều họa sĩ vẽ ở mọi góc độ khác nhau

Được ví như tháp Eiffel ngả mình trên sông Hồng, Long Biên là cây cầu thép lớn nhất nhì thế giới, do người Pháp thiết kế và thi công trên sông Hồng, dài 3.186m, gồm 19 nhịp dầm thép, 20 trụ, xây dựng từ năm 1899 đến năm 1902 với 6,2 triệu franc Pháp, 3.000 công nhân Việt Nam, 40 kỹ sư, chuyên gia Pháp, 30.000m3 đá hộc, 6.000 tấn thép, gang, chì; đánh dấu một thời kỳ rực rỡ của kiến trúc sắt thép. Cầu Long Biên là nàng thơ, là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ sáng tạo. Hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật đầy tâm huyết và độc đáo về cây cầu Long Biên đã được thể hiện qua nhiều cuộc triển lãm hội họa, qua những tác phẩm văn học và thi ca.

Bà Nguyễn Nga cho biết: “ Tổ chức hơn 100 bức tranh, chưa đủ chỗ nhưng chúng tôi sẽ sắp xếp trên giá để đủ 112 bức tranh về cầu Long Biên tương trưng cho 112 tuổi của cây cầu Long Biên.

Tác phẩm Viêt Nam xanh của nhà điêu khắc của Họa sĩ Tần Đức Quỷ có tám cái đầu và tám mươi tám cái chân biểu tượng cho sự đồng thuận của người dân Việt Nam, tượng trung cho mẹ âu cơ và một trăm người con.

Nhân kỷ niệm 15 năm Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố Vì Hòa Bình, trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng suốt 112 năm gắn bó với Thủ đô của cây cầu Long Biên huyền thoại. Ngôi nhà nghệ thuật Hà Nội (Maison des Arts) triển lãm 112 tác phẩm hội họa và 112 tác phẩm ảnh của hơn 50 nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế (đến từ Mỹ, Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Hàn Quốc), thể hiện những khía cạnh  khác nhau về cây cầu của lịch sử, của tình yêu, của chiến tranh và hòa bình, của hi vọng và của những ước mơ.

Bảo tồn Cầu Long Biên

Những tác phẩm này chủ yếu được sáng tác trong thời điểm chuẩn bị và tổ chức hai kỳ Festival nghệ thuật cầu Long Biên từ năm 2008 đến 2010, nhằm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Lễ hội đã thành công vang dội, cho thấy sự gắn bó của người dân Hà Nội với cây cầu Long Biên, một cây cầu mang tính quốc tế đã nổi tiếng và được thừa nhận.

Với vai trò lưu giữ ký ức của một thời đại, tương lai cầu Long Biên là sự quan tâm của các nhà sử học, các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý cũng như toàn xã hội với nhiều ý kiến đóng góp để việc “bảo tồn cầu Long Biên” gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: “Đây cũng sẽ là điều kiện để giúp tạo ra “thương hiệu” của Hà Nội, rất cần thiết cho tiếp thị đô thị, một loại hoạt động quan trọng trong quản lý đô thị hiện đại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị, khiến Hà Nội sớm trở thành một đô thị toàn cầu; góp phần xây dựng Hà Nội thành đô thị sinh thái - đang là xu hướng trong đô thị học hậu hiện đại hướng đến phát triển đô thị bền vững”.

Bà Nguyễn Nga kiến trúc sư về quy hoạch đô thị và cũng là người tổ chức triển lãm.

 “Khả năng thu hút của Di tích luôn phải đổi mới. Tính sáng tạo sẽ cho phép kết hợp sức mạnh của dân tộc và linh hồn dân tộc với hơi thở của tuổi trẻ, thời đại và thế giới. Do vậy, cần bảo tồn để cầu Long Biên thành một trong những thương hiệu đặc thù và sống động của Hà Nội và Việt Nam.” Bà Tôn Nữ Thị Ninh.

Cùng với triển lãm “Cầu Long Biên – Cây cầu của Nghệ thuật” là các buổi tọa đàm nghệ thuật về giải pháp trong bảo tồn, tôn tạo để gắn với phát triển bền vững của di sản nghệ thuật cầu Long Biên này

Ngọc Hiền
.
.
.