Cao hơn mâm cỗ

Thứ Năm, 17/08/2006, 14:00

Người có văn hóa là người biết chào người khác trước. Tôi từng đọc ở đâu đó câu viết này của một nhà văn nổi tiếng. Đọc lời vàng ý ngọc của danh nhân rồi và không thể nói là không hiểu nhưng tại vì sao, tại vì sao ta ít làm được điều đó nhỉ?

Tôi nhớ mãi câu thơ của Lê Đình Cánh viết về bà mẹ nông thôn ra Hà Nội thăm con:

Lên thang chẳng dám bước dài
Vào khu tập thể gặp ai cũng chào

Câu thơ lục bát giản dị mà rất cảm động đó nói lên cái chất hiền lành, đến độ rụt rè và đức tính trọng người của bà con mình ở vùng quê. Tôi vẫn tin rằng chẳng phải riêng gì bà mẹ đáng kính của Lê Đình Cánh có cách ứng xử nền nã như thế mà mẹ tôi, mẹ các bạn, những người phụ nữ nông thôn Việt Nam đoan trang, đôn hậu khi ra đường cũng đều cởi mở "gặp ai cũng chào".

Thỉnh thoảng tôi về quê, ra đường gặp người làng là gặp câu chào gần gũi, thân mến. "Chào chú", "Chào anh"... hay "Chú (hoặc anh) mới về đấy à!"... Có những người ta chưa từng gặp, chưa biết họ là ai hoặc đã gặp, đã biết nhưng lãng quên mất vẫn đon đả chào hỏi mình. Chớ nghĩ rằng bà con, anh em thấy người sang bắt quàng làm họ mà phải nói rằng với người thôn quê dãi nắng dầm sương thì cái câu "lời chào cao hơn mâm cỗ" đã ngấm vào máu thịt, tâm hồn.

Sống ở thành phố nhiều năm, tôi nhiễm phải cái lối làm cao vớ vẩn nên khi về miền thôn quê hay đi vùng sâu, vùng xa thường bị lố. Lố là bởi theo thói quen thị dân thường hay dè xẻn lời chào, nụ cười. Sống ở phố xá, nếu không mang tiếng là hâm thì chào ai, chào lúc nào cũng phải cân nhắc. Làm việc cùng cơ quan, thế mà nhiều khi gặp nhau cũng chẳng thèm chào hỏi một câu cho tử tế.

Lúc đầu, khi mới ở tỉnh lẻ ra tôi hồn nhiên "gặp ai cũng chào" nhưng lắm lúc hứng phải cái sự trớ trêu là người ta chẳng biết cố tình hay vô ý không đáp lại hoặc mở to mắt nhìn mình như người từ sao Hỏa tới. Thế thì thôi nhé, ta hãy biết sống chung với môi trường "thiếu lễ độ" như nhân dân đồng bằng sông Cửu Long sống chung với lũ. Lâu dần thành quen, thành nếp sống "hiện đại" cho nên khi về thôn quê, ra đường bao giờ mình cũng là kẻ chào sau người khác.

Người có văn hóa là người biết chào người khác trước. Tôi từng đọc ở đâu đó câu viết này của một nhà văn nổi tiếng. Đọc lời vàng ý ngọc của danh nhân rồi và không thể nói là không hiểu nhưng tại vì sao, tại vì sao ta ít làm được điều đó nhỉ?

Vừa qua, tôi ra đảo Cồn Cỏ. Rừng, biển đẹp mê hồn nhưng dân cư thưa thớt. Chủ yếu là bộ đội, thanh niên xung phong và bà con ngư dân. Khi ra đường, gặp ai tôi cũng thấy họ cất tiếng chào trước rất thân tình. Mặc dù mình là khách mới ra đảo, chưa từng gặp họ. Ngư dân vốn là những người thô tháp, quen ăn sóng nói gió thế mà sao lời chào vẫn mau mắn và ấm áp làm vậy.

Đồng hành với lời chào là nụ cười. Một cuộc sống sẽ nặng nề và bức bối biết bao khi ta toàn gặp những khuôn mặt cau có hoặc vênh vang. Cuộc sống sẽ nhẹ nhõm thân thiết hơn rất nhiều khi con người ta bớt đi sự xa cách, lạnh lùng và quá dè xẻn nụ cười như bây giờ. Gần đây có một tờ báo đưa tin: Trên 80% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam không trở lại lần hai.

Một trong mấy lý do làm họ không muốn trở lại Việt Nam là khi tiếp xúc với các nhân viên ở cửa khẩu, sân bay... du khách thấy hiếm hoi những nụ cười cởi mở quá. Trước đây, tôi thấy du lịch nước ta có biểu tượng vô cùng ấn tượng là nụ cười duyên dáng của cô gái Việt Nam. Bây giờ, người ta thay thế bằng một lôgô khác cô đọng và khái quát hơn nhưng phải nói rằng sức truyền cảm của nó rất hạn chế.

Tôi không bàn chuyện lôgô của ngành Du lịch ở đây, chỉ mong sao nụ cười Việt Nam luôn không thiếu vắng ở mọi nơi để cho bạn bè năm châu khi tạm biệt đất nước này còn lưu luyến muốn trở lại nhiều lần nữa và chính chúng ta cũng cảm thấy yêu hơn cuộc sống. Một cuộc sống mà ở đâu ta cũng có thể gặp những nụ cười thân thiện và lời chào cao hơn mâm cỗ

Nguyễn Hữu Quý
.
.
.