Du ca Hà Nội – nét đẹp văn hóa đường phố

Thứ Năm, 22/01/2015, 20:08
Ra đời từ những năm 1960, du ca đã từng là một hoạt động nghệ thuật được đông đảo quần chúng yêu nhạc đón nhận. Thời gian gần đây, một nhóm các bạn trẻ ở Hà Nội đã mang phong trào du ca quay trở lại một cách mới mẻ, gần gũi và đầy ngẫu hứng.

Phong cách biểu diễn mộc mạc, gần gũi

Nhen nhóm từ năm 1966 tại miền Nam Việt Nam, phong trào “Du ca Việt Nam” do Nguyễn Đức Quang và Đinh Gia Lập thành lập nhằm mục đích kêu gọi và củng cố tinh thần yêu nước của thanh niên thời bấy giờ. Dù vậy, phải đến những thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, du ca mới chính thức “làm mưa làm gió” trên khắp mọi nẻo đường đất nước. Với cây guitar mộc mạc cùng giọng ca truyền cảm, nhóm “Du ca Đồng Nội” của nhạc sĩ Trần Tiến đã mang âm nhạc chạm đến trái tim mỗi người một cách nhẹ nhàng và lắng đọng. Thế nhưng qua thời gian, phong trào du ca dần vắng bóng và bị mai một.

Nhạc sĩ Trần Tiến và nhóm “Du ca Đồng Nội” đã làm thổn thức biết bao trái tim người yêu nhạc thời bấy giờ.

Lấy ý tưởng từ đây, một nhóm các bạn trẻ ở Hà Nội đã quyết tâm mang phong trào du ca trở lại vào cuối năm 2011 với cái tên mới: “Du ca đường phố”. Sau hơn 3 năm hoạt động, số lượng thành viên của nhóm hiện nay đã lên tới hàng trăm người. Trong đó, phần đông là sinh viên đại học, những người đã đi làm, công nhân viên chức và cả lao động tự do ở Hà Nội.

Đến hẹn lại lên, cứ vào chiều chủ nhật hàng tuần tại tượng đài Lý Thái Tổ và khu vực quanh Hồ Gươm, chỉ cần vỏn vẹn chục cây guitar cùng với trống cajon và kèn harmonica, những tiếng đàn hát lại được các thành viên cất lên, tạo nên một dàn đồng ca, hát bè đầy ngẫu hứng, tự nhiên và mộc mạc.

Những buổi du ca cuốn hút người xem bằng tiếng guitar mộc mạc, đằm thắm và phong cách thể hiện bình dân, có chút gì đó "rất bụi và ngẫu hứng".

Anh Hiếu Orion (tên thật là Trần Chí Hiếu), người sáng lập nhóm đã chia sẻ rằng: “Mục đích của phong trào hoàn toàn phi lợi nhuận. Âm nhạc đường phố không phụ thuộc vào nội dung hát, không phụ thuộc vào trình độ thể hiện nhưng nó phải khiến người ta cảm thấy gần gũi hơn, có thêm cảm xúc hơn. Điều quan trọng nhất là truyền được tinh thần cho người nghe bằng chính sự say mê của người biểu diễn.”

Chỉ với chiếc guitar đơn giản, họ đã truyền cảm xúc chân thành tới cho người nghe.

Và đúng như tinh thần đó, Tiến Dũng (sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền), một thành viên tích cực trong nhóm du ca, tâm sự: “Sau mỗi tuần học tập căng thẳng, em lại tham gia du ca cùng mọi người để thư giãn và giải tỏa áp lực. Cảm giác ôm đàn guitar và nghêu ngao hát hát các giai điệu mà mình ưa thích mang lại niềm phấn khởi cho em vào mỗi dịp cuối tuần. Hơn nữa em cảm nhận mình đang mang lại niềm vui cho những người xung quanh”

Lan tỏa tình yêu âm nhạc

Với khẩu hiệu: không ồn ào, không phô trương, những buổi du ca hàng tuần thu hút hàng trăm người đủ mọi lứa tuổi tham gia, nhập cuộc một cách tự nhiên. Trong đám đông vây quanh nhóm du ca, có những người đơn giản chỉ là hiếu kì đứng lại xem, nhưng cũng không ít người người cùng hòa nhịp, hò reo, lắc lư theo điệu nhạc.

Chính sự ngẫu hứng trong cách biểu diễn lại chính là chất keo gắn kết những con người xa lạ lại với nhau.

Gắn bó với du ca gần một năm, ông Nguyễn Văn Thành, làm nghề lái xe ôm gần khu vực Hồ Hoàn Kiếm, cho biết: “Tôi tham gia hát như thế này rất lâu rồi, cảm giác thanh thản hơn, quên đi những nỗi buồn, nỗi lo cơm áo gạo tiền trong cuộc sống”.

Mặt khác, loại hình nghệ thuật mới mẻ này không những đã thổi hồn tạo nên một không gian nghệ thuật sống động, mà còn đem lại một cái nhìn thiện cảm và đậm nét văn hóa bản địa đối với các vị khách quốc tế. Ông Colins, khách du lịch người Mỹ chia sẻ: “Không giống như ở Việt Nam, ở các thành phố lớn tại Mỹ có nhiều nghệ sỹ đường phố nghèo biểu diễn ghi-ta và vi-ô-lông tại các ga tàu điện ngầm hoặc những nơi công cộng để kiếm sống. Người ta thường trả 2 đô la cho mỗi phần trình diễn này. Tại đất nước của các bạn, tôi thấy rất thú vị khi có rất nhiều người đủ mọi lứa tuổi cùng nhau ca hát rất vui vẻ”.

Những buổi du ca thường bắt đầu vào lúc 3h chiều tại tượng đài Lý Thái Tổ và kết thúc khi thành phố đã lên đèn.

Quả thực, trong nhịp sống hiện đại hối hả, có lẽ người ta cần sống chậm lại, lắng lòng mình để trở về với những thanh âm hồn nhiên, mộc mạc nhất. Du ca đường phố vừa là một cách thức giải trí lành mạnh, vừa là nơi để mọi người thưởng thức, sẻ chia và hòa điệu bằng chính chất liệu âm nhạc.

Khánh Linh
.
.
.