Dầm mưa đi lễ hội tri ân Đức Thủy tổ nước Nam

Chủ Nhật, 08/03/2015, 09:48
Vào những ngày mưa xuân trắng trời, tại Thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, nhiều lượt người áo mưa chùm kín, tay che ô, men theo bờ đê sông Đuống xuống đền thờ Kinh Dương Vương – Đức Thủy tổ khai sinh mở nước để hành lễ, tỏ lòng biết ơn, hướng về nguồn cội dân tộc.

Lễ hội Kinh Dương Vương năm nay diễn ra từ ngày 4 đến ngày 8/3 (tức ngày 14-18 tháng Giêng) với các nghi thức tế lễ và rước kiệu, trọng tâm là ngày 16, 17 và 18 tháng Giêng. Ngoài ra, lễ hội còn có rất nhiều trò chơi dân gian nhằm tái hiện lại không gian văn hóa lễ hội làng quê Kinh Bắc.

Ông Ngô Đắc Tâm – Ban tổ chức lễ hội cho biết: “Năm nay, do thời tiết không thuận lợi, nên lượng khách đi lễ có giảm so với mọi năm. Tuy nhiên, số lượng người “đội mưa” đi lễ cũng không hề nhỏ. Nhiều đoàn có hàng  trăm người đến lễ hội Kinh Dương Vương, họ ở cả ngày ở đền để đi lễ, rồi vãng cảnh sông nước hữu tình nơi đây”.

Dù mưa gió, khu lăng mộ của Thủy tổ Kinh Dương Vương lúc nào cũng đông nghẹt người lễ vái, thắp hương.

Trời mưa lạnh, nhưng nhiều bãi đỗ xem liên tục có khách: có nhiều lượt xe ô tô, xe máy ra vào. Đặc biệt, lượng người đi xe máy tới lễ hội khá đông. Phần nhiều họ là những người dân trong tỉnh.

Nhiều người không quản ngại mưa gió đến Lễ hội Kinh Dương Vương thể hiện tấm lòng hướng về nguồn cội dân tộc.

Bác Tâm (Tiên Du, Bắc Ninh) cùng chồng ướt lướt thướt khi đến Lễ hội Kinh Dương Vương chia sẻ: “Năm nào, một trong ba ngày hội chính vợ chồng tôi cũng về thắp hương mộ Thủy tổ. Mưa gió này, càng phải đi để chứng tỏ lòng thành với Đức Thủy tổ.”

Làng Đồng Đoài rước ba kiệu Tam Công Đại Vương vào đền Kinh Dương Vương.

Nhóm các bạn trẻ cũng “dầm mưa” đi lễ hội cùng nhau. Sau khi lên thắp hương mộ Thủy tổ, làm lễ Cung tả, Cung hữu, nhiều bạn nô nức đi dạo dưới mưa bụi, thưởng thức không gian linh thiêng.

Nghĩa – một bạn trẻ trong nhóm 12 người hào hứng: “Bọn mình xem rước kiệu, rồi lên lễ Đức Thủy tổ. Thời gian còn lại trong ngày, bọn mình sẽ đi ngắm cảnh, chọn góc chụp ảnh, và sang xem các trò chơi dân gian thú vị như vật, cờ tướng, chơi đu, đập niêu… Mình rất tò mò về trò leo cột mỡ ở hội lần này, nhưng mưa gió này, hình như không có ai chơi.”

Người dân trong thôn, xã che ô, mặc áo mưa trật kín đê xem rước kiệu.

Lễ hội Kinh Dương Vương được cho là một trong số ít những lễ hội trên đất Kinh Bắc còn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh giàu truyền thống. Tuy nhiên, Lễ hội Kinh Dương Vương chưa được nhiều người biết đến xứng với tầm của nó.

Theo truyền thuyết và các tài liệu, thư tịch cổ, năm 2879 trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi, lập nên nhà nước Xích Quỷ (tên một vì sao sắc đỏ trong số 28 vì sao sáng trên bầu trời), nhà nước sơ khai độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta. Kinh Dương Vương kết duyên với Thần Long sinh ra Lạc Long Quân. Sau đó, Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các vua Hùng. Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương từ lâu được các triều đại phong kiến Việt Nam xếp vào loại miếu thờ các bậc Đế vương, và được Bộ văn hóa – Thông tin công nhận và cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993.
Nguyễn Quỳnh
.
.
.