Người góp phần làm phong phú cho làn điệu Sình ca

Thứ Tư, 21/01/2015, 15:32
Cả cuộc đời, ông Sầm Văn Dừn giành thời gian để nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng nét văn hóa, cái chữ cho đồng bào dân tộc Cao Lan ở Sơn Dương, Tuyên Quang. Hơn thế, già làng ngày đêm miệt mài sáng tác mới để làm phong phú thêm làn điệu Sình ca, nhiệt tình hướng dẫn người trẻ học hát Sình ca, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Kho “văn hóa sống” của người Cao Lan

Ông Sầm văn Dừn quê ở thôn Mãn Hóa, (xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Đến nay, đã bước qua tuổi 70 nhưng ông Dừn vẫn luôn náu náu một tâm nguyện là làm sao để truyền vào lớp trẻ một tình yêu văn hóa Cao lan cùng làn điệu Sình ca. Ông muốn mọi người hiểu sâu hơn về làn điệu Sình ca để bản sắc văn hóa của dân tộc không bị mai một, đồng thời được nhiều bạn bè, dân tộc biết đến hơn.

Làn điệu Sình ca được xem như cánh cửa để mở ra kho tàng văn hóa Cao Lan. Vậy nên, những ai đam mê văn hóa Cao Lan trước hết phải tường tận về làn điệu Sình Ca của người dân nơi dây. Với người dân Cao Lan ở Tuyên Quang, Sình ca được xem như linh hồn của văn hóa dân tộc. Trong ngôi nhà nhỏ chỉ chừng 20m2 của già làng Sầm Văn Dừn bao phủ một kho tàng sách về làn điệu Sình ca. Cách đây ít năm, ngôi nhà còn để trống không nhưng sau đó ông đã sử dụng làm nơi lưu trữ sách cổ cùng những sáng tác mới của ông về làn điệu Sình ca. Những giá sách, bộ sách cổ khắc bằng gỗ được xếp ngăn nắp theo trình tự nhất định vừa có tác dụng trang trí thêm cho căn phòng vừa tạo thêm giá trị cho ngôi nhà.

Hiện tại, ông Dừn lưu giữ gần 30 bộ sách cổ viết về văn hóa Cao Lan, làn điệu Sình ca. Những bộ sách cổ được viết bởi chữ nho (chữ Hán), có những bộ sách quý có từ hơn 500 trước nên được khắc bằng chữ gỗ quý. Trong đó, có 1/3 số bộ sách có từ cách đây hàng trăm năm trước được truyền qua các đời con cháu và lưu truyền đến ngày nay. Phần lớn những bộ sách nói chi tiết về nét văn hóa của người dân Cao Lan nơi đây và khởi nguồn của những làn điệu Sình ca.

Bên cạnh đó, già làng cũng luôn cố gắng để sáng tác nên những làn điệu Sình ca mới. Với mong muốn đưa văn hóa Cao Lan đến với nhiều đồng bào, ông đã dịch những cuốn sách cổ từ tiếng Hán sang tiếng Việt sau đó giới thiệu đến nhiều nơi.

Ngồi trong ngôi nhà với bao quanh là sách, già làng tỉ mỉ kể cho chúng tôi biết về bản sắc văn hóa của dân tộc Cao Lan theo thứ tự logic nhất định. Nói đến dân tộc Cao Lan người ta hay nói đến làn điệu Sình Ca với những câu hát đơn giản, mộc mạc, mang tính chất hương đồng gió nội. Làn điệu Sình ca được mỗi người dân tộc Cao Lan yêu quý như chính mạng sống của họ. Bởi đó không chỉ là “hồn cốt” của dân tộc mà nó còn mang lại sự độc đáo, nét đặc trưng trong văn hóa hóa Cao Lan. Từ lâu, trong ký ức thời thơ ấu của mỗi người dân Cao Lan đều gắn với làn điệu sình ca, nó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc. Đôi khi, trong cuộc sống người dân nghĩ về làn điệu Sình ca để được khơi gợi những ký ức về tuổi thơ.

Sình ca là lối hát giao duyên. Ban đầu người hát bằng tiếng Cao Lan sau đó hát lại bằng tiếng phổ thông nhưng không có nhạc. Hát Sình ca được tổ chức theo từng nhóm người, cho một nhóm nam và một nhóm nữ  đứng đối diện và hát giao duyên với nhau. Vào mùa lễ hội như mùa gặt, mỗi đêm thường có các đôi nam nữ đứng lên hát đối giao duyên để ăn mừng ngày hội mùa bội thu. Các bài hát thường được ghi lại bằng chữ Hán Nôm, chia thành nhiều phần hát trong khoảng 12 đêm.

Các bài hát cũng được sắp xếp theo thứ tự, thường phần mở đầu là hỏi thăm, làm quen; phần thứ hai giới thiệu bản thân; phần thứ ba đố chữ tên; phần bốn giao duyên, trao đổi tâm tư tình cảm và kết thúc bằng phần lời chúc tốt đẹp cho nhau. Cứ như vậy, mỗi phần có sự tiếp nối nhau tạo nên sự hấp dẫn cho người nghe, hai bên thường hát đối đáp đến tận sáng hôm sau mới về.

Ông Sầm Văn Dừn .

Mong Sình ca được lưu truyền cho lớp trẻ

Theo ông Dừn, mỗi độ mùa lễ hội người dân thường được nghe những làn điệu Sình ca từ các cặp đôi trai gái nhưng giờ ở đây chỉ có người già hát và lũ trẻ hay lẩm nhẩm mỗi khi trên đường đi học về. Điệu hát Sình ca rất thân thuộc, gần gũi với cuộc sống đời thường của bà con nơi đây. Trước kia, làn điệu Sình ca là một phần không thể thiếu trong mỗi độ cưới hỏi và cũng giúp nhiều đôi trai gái nên duyên vợ chồng nhưng giờ làn điệu Sình ca đang bị lớp trẻ lãng quên dần.

Mỗi ngày trôi qua ông Dừn vẫn miệt mài ngồi bên cánh cửa sổ để sáng tác thêm những bài Sình ca, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc Cao Lan. Tuy nhiên, ở cái tuổi xưa nay hiếm nên già làng luôn nau náu một điều không biết có thể truyền lại nét văn hóa của dân tộc Cao Lan cho lớp trẻ được bao lâu.

Theo thời gian, tình yêu văn hóa Cao Lan đã lan truyền từ già lang Sầm Văn Dừn sang không chỉ người cao tuổi mà trong cả giới trẻ. “Nhờ có sự hướng dẫn, góp phần công sức từ già làng Sầm Văn Dừn, người dân ở đây đã học được cách yêu, trân trọng làn điệu sình ca hơn trước. Phong trào văn hóa văn nghệ của bản cũng vì thế mà phát triển sôi nổi dần lên. Đến nay, Sình ca là một điệu hát đang dần quen thuộc trở lại với người Cao Lan” – bà lê Thị Hừng, (Mãn Hóa, Đại Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang) tâm sự.

Để có thời gian làm những công việc mà người đời gọi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, không thể không kể đến tình yêu thương, những lời cỗ vũ, động viên từ người vợ đảm đang. Được xem là trụ cột trong đình thuần nông nhưng phần lớn mọi việc dạy con, đồng áng, chăn nuôi do một tay người vợ của ông đảm nhận – bà Trần Thị Núi.

“Gần hết đời người nhưng nhiều đêm tôi thức giấc thấy chồng mình cặm cụi sáng tác sình ca bản thân là vợ tôi cũng thương lắm nhưng phải tôn trọng tình yêu bản sắc dân tộc của ông ấy. Tôi và các con tâm niệm mình không giúp được gì cho chồng thì không được làm phiền hay cản trở để chồng hoàn thành tốt công việc yêu thích” – bà Trần Thị Núi tâm sự.

Ông Dừn luôn mong muốn được truyền đến lớp trẻ nhiều hơn nữa những làn điệu Sình ca, điệu hát du dương để Sình ca luôn là một phần trong cuộc sống dân bản. Các đội Sình ca do ông lập ra và truyền dạy đến nay cũng được nhiều lớp tốt nghiệp và đi biểu diễn ở nhiều nơi. Công việc mang tính nhân văn của già làng tâm huyết luôn được các cấp, ngành văn hóa trong tình ủng hộ nhiệt tình, khuyến khích. Hơn thế, ông già làng đã vinh được thủ tướng chính phủ tặng bằng khen vì có công giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ông cũng nhiều lần được UBND tỉnh Tuyên quan tuyên dương già làng tiêu biểu có công giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Lê Kiên- Hải Châu
.
.
.