Năm Ất Mùi hăm hở đi xem chọi dê

Thứ Sáu, 20/02/2015, 17:10
Đến với cao nguyên đá Hà Giang những ngày đầu năm Ất Mùi, du khách sẽ được đắm mình trong không gian lễ hội văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, du khách có dịp được tận mắt chiêm ngưỡng lễ hội chọi dê “độc nhất vô nhị” tại đây. Một nét đẹp trong văn hóa lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đến với cao nguyên đá Hà Giang ngày đầu xuân, du khách có dịp hòa mình trong nét văn hóa của người Pà Thẻn, Mông, Giáy, Cờ Lao, Lô Lô… cùng các lễ hội chọi dê gắn liền với lễ hội truyền thống như lễ Gầu Tào, Lồng Tồng của người Mông.

Lễ hội chọi dê "độc nhất vô nhị"

Mỗi độ xuân về, người dân trên khắp cao nguyên Đồng Văn lại hăm hở đi xem chọi dê ở Hoàng Su Phì. Dê chọi được đem đến từ đàn dê của người Mông, Dao, Tày chăn thả tại các xã Bản Luốc, Bản Phùng, Nậm Ty, Sán Sả, Thông Nguyên hội ngộ để tham gia đấu ở trung tâm huyện Hoàng Su Phì. Hội chọi dê là nét đặc sắc chỉ có tại một số vùng như nguyên cao đá Hà Giang và một số vùng lân cận như Hàm Yên (Tuyên Quang).

Để chuẩn bị cho lễ hội chọi dê hằng năm, người nuôi phải chọn và cách ly dê chọi trước ba tháng. Những chú dê sau khi được lựa chọn sẽ phải trải qua 3 tháng huấn luyện.Tất cả "đấu sĩ" dê được tham gia vào sới chọi đều phải qua kiểm dịch thú y xã để đảm bảo không mang mầm bệnh đến với mọi người và đồng loại. Dê chọi phải từ 3 tuổi trở lên có nguồn gốc rõ ràng và sống tại địa phương. Sới chọi được quây thành vòng nhỏ khoảng 40 – 50 m² nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và khách tham quan.

Quang cảnh lễ hội chọi dê.

Sau khi đăng ký dự thi, các “đấu sĩ” sẽ được chủ nhân đăng ký cân nặng để xếp vào hạng cân phù hợp sau đó nhận số báo danh. Trong mỗi cuộc thi, ban giám khảo thường phân chia thành các hạng cân tùy thuộc vào số lượng đấu sĩ dê tham gia sới chọi.

Năm nay, có hơn 40 "đấu sĩ" dê đăng ký tham gia đấu trí ở 3 hạng cân khác nhau. Hạng cân thứ nhất là cuộc tranh tài giữa các “đấu sĩ” trẻ từ 25 kg – 32 kg, cuộc đấu được cho là đem lại nhiều điều thú vị, kỳ thú với người xem.Cuộc đấu thứ hai diễn ra giữa các “đấu sĩ” từ 33 kg – 39 kg, không kém phần gây cấn. Tuy vậy, cuộc đấu được mong đợi nhất là các cặp “đấu sĩ” đến từ hạng cân 40 kg - 45 kg. Với cách ra đòn thuần thục và kinh nghiệm chinh chiến dày dặn hơn hai mùa giải, "đấu sĩ" dê ở hạng cân này luôn đưa ra những miếng đòn khiến đối thủ phải gục ngã bất ngờ ngay tại chỗ.

Từng đạt giải nhất trong mùa giải trước, "đấu sĩ" dê mang số hiệu 34 (42 kg) bước vào trận đấu trong tư thế khiêm nhường, cẩn trọng ngó nghiêng rồi lao vào húc chính diện móc cổ đối thủ hất ngược lên, khiến đối phương ngã lăn quay.

Những "đấu sĩ" già dặn hơn sử dụng thuần thục màn móc sừng, khóa sừng rồi chớp lấy cơ hội hất văng đối phương ra xa chỉ trong chốc lát.

Tuy nhiên, cuộc đấu ở hạng cân dưới không vì thế mà kém phần gay cấn. Các "đấu sĩ" dê bước vào trận đấu với tư thế nghiêng mình ngẫm đối thủ một lúc rồi ra những miếng đòn trong tư thế cẩn trọng.

Bên cạnh đó, những "đấu sĩ" dê ở hạng cân dưới luôn trong khí thế hùng hục, đưa ra những miếng đòn đá lên, hung hăng húc chính diện đối phương.

Hai con dê đang thi đấu trong lễ hội.

Dê chọi không chỉ để thịt

Các "đấu sĩ" dê bước vào cuộc chiến hung hăng là vậy nhưng phần lớn chỉ bị trầy xước da. Lớp da dày cùng đôi sừng vểnh lên hơi nghiêng về phía sau để bảo vệ "đấu sĩ" dê không bị thương quá nặng.

Việc khó xảy ra đổ máu trong những cuộc chiến khiến cho cuộc đấu càng về sau càng trở nên quyết liệt hơn. Những "đấu sĩ" dê nếu không được can thiệp sẽ liều mình chiến đấu với đối thủ đến cùng.

Nét đẹp riêng của lễ hội chọi dê trên cao nguyên đá là dù "đấu sĩ" dê thua hay thắng cuộc đều được đối xử như nhau và không bị xẻ thịt như lễ hội chọi trâu, chọi ngựa hay chọi bò.

Với những chú dê thắng trận có dịp biểu dương sức mạnh và tham gia phối giống cho lứa dê tiếp theo để giữ nguồn gien quý.

Sau những màn thi đấu trí đầy kịch tính, các đấu sĩ dê lại lẻo đẻo theo chân chủ về chuồng nghỉ ngơi và trở lại vai trò “thủ lĩnh”, ngày ngày dẫn “đại gia đình dê” đến những ngòn đồi có cỏ non xanh biếc.

Người dân ở đây nuôi dê với hai mục đích. Phần lớn số dê trong đàn được nuôi để lấy thịt nhưng sau quá trình trưởng thành những chú dê khỏe mạnh, dũng mãnh, hung hăng sẽ được chọn lọc để huấn luyện thành “võ sĩ”.

Mỗi chú dê chỉ thi đấu được ba đến bốn mùa giải. Trước khi lên võ đài, các "đấu sĩ" dê phải chịu cảnh huấn luyện cực khổ nhưng bù lại được chăm sóc với chế độ đặc biệt, ăn phần ngon hơn.

Trong quá trình huấn luyện, người chủ phải thường xuyên gần gũi chải lông cho các “đấu sĩ” và cho chúng tập luyện đều mỗi tuần. Tùy từng chú dê mà quá trình tập luyện để được lên võ đài có thể kéo dài từ nhiều tháng đến một vài năm.

Những chiếc sừng luôn là tâm điểm trong các trận đấu nên từ thức ăn, đến cách vuốt ve, lau sừng đều được chăm chút một cách tỉ mẩn. Khi ra sân, "đấu sĩ" dê nào có sừng sắc nhọn, bóng loáng tức là “đấu sĩ” ấy có chủ huấn luyện rất chu đáo và trở thành đối thủ đáng gờm.

Để đào tạo được một "đấu sĩ" dê việc đầu tiên cần làm là tách đàn đúng tuổi. Sau đó, vỗ béo cho dê một thời gian rồi đưa vào chế độ luyện tập, ăn uống riêng.Trước thời gian diễn ra lễ hội khoảng 2 tháng, dê phải được chạy liên tục để cơ bắp đùi được hoạt động liên tục, săn chắc trở lại. Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần cho dê tham gia làm quen một số trận đấu với đối thủ để làm quen và học cách ra đòn thuần thục hơn.

Duy trì tổ chức hội chọi dê mỗi năm là một cách để người dân mở rộng mô hình nuôi dê, phát triển đàn dê cả về số lượng và chất lượng, góp phần xóa đói giảm nghèo. Lễ hội cũng là sân chơi bổ ích với người dân trong ngày đầu xuân, tạo nên nét mới mẻ trong hoạt động văn hóa, phát huy giá trị văn hóa của vùng địa đầu tổ quốc để thu hút khách thập phương.

Hải Châu- Lê Kiên
.
.
.