Cánh diều vàng 2010: Số phim tranh giải phong phú nhiều thể loại

Thứ Năm, 24/02/2011, 11:35
Cánh diều vàng năm nay sẽ "tung bay" vào tối 13/3, tại TP HCM và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 và VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng với việc trao giải cho các tác phẩm xuất sắc, lễ trao giải Cánh diều vàng - tâm điểm của Ngày Điện ảnh Việt Nam năm nay - sẽ có phần tôn vinh thành tựu trọn đời của các cố đạo diễn: NSND Nguyễn Văn Thông, NSND Trần Vũ và Nguyễn Ngọc Quỳnh. Đó là thông tin được bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết trong cuộc họp báo ngày 23/2.

Dự Cánh diều vàng năm nay có phim của các hãng phim Nhà nước, tư nhân và các nhà làm phim độc lập, cả Việt kiều làm phim từ nước ngoài mang về Việt Nam. Hạng mục được quan tâm nhiều nhất là phim truyện nhựa, có 11 phim tham gia: Tây Sơn hào kiệt, Vượt qua bến Thượng Hải, Nhìn ra biển cả, Vũ điệu đam mê, Cánh đồng bất tận, Giao lộ định mệnh, Cô dâu đại chiến, Thiên sứ… 99, Long thành cầm giả ca, Khát vọng Thăng Long, Hoa đào.

Ngoài ra, dự giải Cánh diều vàng 2010 còn có 19 phim truyện video, 41 phim ngắn, 9 phim hoạt hình, 5 phim khoa học và 37 phim tài liệu (cả nhựa và video), 4 công trình nghiên cứu - lý luận phê bình điện ảnh.

Lý giải về sự có mặt của "Giao lộ định mệnh" tại giải Cánh diều vàng năm nay, trong khi có nghi vấn "đạo" ý tưởng của một phim nước ngoài, Hội Điện ảnh cho biết: Cho đến nay, hội chưa nhận được văn bản nào về việc bộ phim này vi phạm bản quyền, nên "Giao lộ định mệnh" vẫn có quyền dự giải vì đáp ứng đủ 2 yêu cầu mà giải đặt ra là phim nói tiếng Việt và do người Việt làm.

Còn với sự vắng mặt của "Bi, đừng sợ", bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết: Hội rất muốn "Bi, đừng sợ" sẽ dự tranh giải Cánh diều vàng 2010 và đã liên lạc với đạo diễn Phan Đăng Di, nhưng đạo diễn cho biết, bản quyền bộ phim thuộc về nước ngoài, nên việc quyết định tham gia giải hay không, đạo diễn không có quyền.

Cảnh trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải".

Công tác chuẩn bị cho lễ trao giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam khoa học và chu đáo hơn, với việc công khai danh sách các Ban giám khảo (BGK) của Cánh diều vàng cùng số điện thoại di động của từng người tại cuộc họp báo.

Sẽ có 7 BGK: BGK phim truyện nhựa có 13 thành viên, số lượng đông nhất từ trước đến nay, do PGS.TS. Trần Luân Kim làm Trưởng ban. Thành phần của BGK này gồm cả đạo diễn, diễn viên, biên kịch, đủ cả đại diện các thế hệ: nhà văn Chu Lai, diễn viên Hồng Ánh, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, nhạc sĩ Phó Đức Phương, biên kịch Đinh Thiên Phúc…

BGK phim truyện video do nhà biên kịch Lê Ngọc Minh làm Trưởng ban; BGK phim ngắn do biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát làm Trưởng ban. NSND Bùi Đình Hạc làm Trưởng BGK phim tài liệu khoa học, NSƯT Đặng Hiền làm Trưởng BGK phim hoạt hình và TS. Ngô Phương Lan làm Trưởng BKG công trình nghiên cứu - lý luận - phê bình.

Giải Cánh diều vàng năm nay sẽ gồm Cánh diều vàng, Cánh diều bạc và Bằng khen cho các tác phẩm xuất sắc nhất ở mỗi thể loại. Ngoài ra, năm nay, sẽ tiếp tục có giải báo chí - phê bình điện ảnh cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất năm 2010 do các nhà báo bầu chọn.

Giải Cánh diều vàng cá nhân sẽ chỉ trao cho người Việt Nam (kể cả người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài và người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam), tham gia thực hiện các phim do Việt Nam sản xuất, gồm các thành phần chính sáng tác phim truyện nhựa: biên kịch, đạo diễn, diễn viên nam và nữ chính v.v...

Tuy nhiên, giải do khán giả bình chọn sẽ không có trong giải Cánh diều vàng năm nay, do không đủ người để bao quát nên lo ngại sự thiếu chính xác, là nguyên nhân được bà Nguyễn Thị Hồng Ngát lý giải. Tuy nhiên, việc có hay không giải Cánh diều vàng ở hạng mục phim truyện nhựa, phụ thuộc vào chất lượng phim và do BGK bầu chọn, chứ hiện BTC chưa thể biết.

Lễ trao giải Cánh diều vàng do NSƯT Trịnh Lê Văn, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh làm đạo diễn, sẽ là tâm điểm của Ngày Điện ảnh Việt Nam năm nay, nhằm tôn vinh các tác phẩm và người làm phim xuất sắc, khích lệ lao động nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình cả nước và quảng bá Điện ảnh Việt Nam tới công chúng.

Ngoài ra, còn nhiều hoạt động khác: chiếu miễn phí một số phim truyện nhựa và tài liệu tiêu biểu qua các thời kỳ tại Hà Nội, có thể tổ chức giao lưu giữa nghệ sĩ, người làm phim với khán giả tại các buổi chiếu; tổ chức hội thảo "Điện ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống" tại TP HCM

Thanh Hằng
.
.
.