Cần tạo dựng một thiên hướng tốt đẹp

Thứ Sáu, 26/05/2006, 13:32

Nhà thơ Nga vĩ đại Xergây Exênin đã có hai câu "Nếu không là nhà thơ/ Tôi đã thành trộm cướp", thoạt nghe có vẻ gần gần với ý kiến "nhàn cư vi bất thiện", song thực chất Exênin đề cao thiên hướng con người. Con người sinh ra, sống trong trời đất, phải tạo dựng cho mình một thiên hướng tốt đẹp. Đó sẽ là động lực tập trung thu hút mọi tinh túy của con người.

Có một thực tế không thể phủ nhận là: Trong vài thập kỷ trở lại đây, chưa bao giờ tình trạng thanh, thiếu niên hư hỏng lại trầm trọng như bây giờ. Chỉ cần lướt qua vài trang báo là ta có thể bắt gặp những cái đầu lâu nhâu, những gương mặt non choẹt bị gạch những đường chéo đen. Chịu khó lần xuống hàng chữ nhỏ li ti bên dưới, lại càng rùng mình ghê sợ vì tội danh của chúng: hoặc giết người cướp của, hoặc hiếp dâm...

Dẫu rằng kẻ gây án đã bị tống giam, đã bị tuyên phạt, và cao nhất - có kẻ đã bị tử hình, song vẫn còn lởn vởn đây đó trong tâm trí chúng ta một nỗi lo về sự ngày càng rạn vỡ của nền tảng đạo đức, về gánh nặng của việc chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ tương lai.

Nhưng sẽ chẳng ngạc nhiên trước những hiện tượng nêu trên, khi mà các băng hình có nội dung sa đọa, kích động bạo lực vẫn ngang nhiên được chiếu nhằm thu hút khách tại các quán xá, nhà hàng, các ấn phẩm với những tranh bìa rặt một màu máu me, những pha đâm chém đang ngập tràn trên thị trường sách báo. Rồi các loại đồ chơi với những kiểu vũ khí ngày càng "tân tiến" bán đầy hè phố...

Hơn thế, đây là điều quan trọng không thể không nhắc tới: ấy là tâm lý, nhận thức của con người những tháng năm này. Trải qua một thời gian dài mà sự mơ mộng phần nào bị trả giá, con người có ý thức sống cao đẹp nhiều khi phải hứng chịu phần thua thiệt, không ít người đã quay ngoắt lại đường hướng trước đó của mình, "đổi mới tư duy" cho kịp với "tốc độ phát triển của thời đại" và kiểu sống thực dụng, thực dụng một cách trắng trợn đã ngày càng ngự trị con người họ.

Việc giáo dục con cái bị xem nhẹ, thậm chí họ còn phó mặc cho thời cuộc. Tôi từng được nghe hai bà bạn láng giềng tâm sự với nhau "Ôi dào, hơi đâu mà dạy dỗ bảo ban gì cho mệt. Đứa nào có khôn đứa ấy khắc sống. Vả chăng, cứ để mặc nó với đời, nó sẽ tìm ra phương kế, có khi lại nhiều tiền, sung sướng chẳng bằng mấy đứa có học mà thất nghiệp ấy à? Đấy, bà xem cái con gà con mới mở mắt nhìn đời đã biết nhúc nhắc kiếm ăn, nào có ai dạy bảo, chỉ đường mách nước gì cho nó đâu?". Dân gian ta đã đúc kết "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà" tôi cho là cũng có cơ sở.

Cổ nhân từng nói "nhàn cư vi bất thiện". Có người dựa vào đó để cắt nghĩa cho những hành vi phạm pháp của tụi trẻ, xem việc chúng lêu lổng không có công ăn việc làm là tất cả nguyên nhân đẩy chúng vào con đường tội lỗi. Tôi cho rằng chưa hẳn là như thế. Thực tế không ít người vẫn "giấy rách giữ lấy lề", hoặc "đói cho sạch, rách cho thơm". Cũng như việc các cô gái làm tiền giải thích lý do hành nghề của mình bằng cách kêu rên mình thất nghiệp, chúng ta cũng nên tin vừa phải và chia sẻ có mức độ, vì thực tế có rất nhiều trường hợp đoàn thể hoặc cá nhân đã cứu vớt các cô khỏi vũng bùn tội lỗi, tạo điều kiện cho các cô có công ăn việc làm chân chính, song đại đa số các cô vẫn chứng nào tật ấy, "ngựa quen đường cũ", không chịu từ bỏ con đường ăn chơi sa đọa, kiếm tiền nhanh dễ như vậy.

Nhà thơ Nga vĩ đại Xergây Exênin đã có hai câu "Nếu không là nhà thơ/ Tôi đã thành trộm cướp", thoạt nghe có vẻ gần gần với ý kiến "nhàn cư vi bất thiện", song thực chất Exênin đề cao thiên hướng con người. Con người sinh ra, sống trong trời đất, phải tạo dựng cho mình một thiên hướng tốt đẹp. Đó sẽ là động lực tập trung thu hút mọi tinh túy của con người.

"Sẽ không có cái ác nếu con người luôn ý thức về điều thiện!". Rất tiếc là hiện nay không nhiều những ông bố, bà mẹ chịu đầu tư công sức, đặc biệt là tâm trí nhằm nuôi dưỡng, giáo dục và gợi mở cho con cái có một thiên hướng nhằm sau này góp phần làm đẹp, làm trong sạch thêm đời sống xã hội và làm phong phú cho đời sống của chính bản thân chúng. "Trẻ cậy cha, già cậy con" - một khi các bậc phụ huynh sao lãng việc giáo dục con cái thì cũng có nghĩa là họ đã không lo đến "hậu vận" của mình. Sự đời ngẫm vậy cũng công bằng: Người nào gieo gió thì ắt gặt bão

Hà Khải Hưng
.
.
.