Trao đổi sau Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII

Cần sự lắng đọng của thời gian

Thứ Tư, 11/05/2005, 07:32

Biển nhân sinh cũng như biển văn chương vốn rộng lớn và biến đổi vô cùng, nên xưa nay chưa ai dám cho rằng mình nói đủ, nói đúng, mà chỉ là cái sự luận bàn đôi chút thôi.

Công việc văn chương của ta hiện nay, bên cạnh lĩnh vực sáng tác với những thành tựu và yếu kém này nọ như báo cáo trong Đại hội Nhà văn Việt Nam lần VII gần đây đã chỉ rõ: Lĩnh vực đi cùng với nó tạm gọi là phê bình văn học, đang lâm vào tình trạng vừa yếu kém vừa ồn ào, các đợt tranh cãi vô bổ về cuốn này cuốn nọ, việc này việc nọ, giữa các báo chí và các cây viết xăng xái, thậm chí vi phạm cả văn hóa tranh luận, văn hóa phê bình. Các quy phạm tiêu chí này nọ bị cắt xén, hoán đổi. Các chức danh tối thiểu trong lĩnh vực tinh tế này cũng lắm nhầm lẫn. Đâu là sản phẩm báo chí tân văn giới thiệu văn học, đâu là giáo trình, giáo án có dẫn chứng bằng thực tế văn học, đâu là bài nghiên cứu, nghị luận, đâu là bài phê bình đích thực dày công và có bản sắc ở sự đóng góp của các cá nhân...

Bạn đọc thấy rối rắm, ồn ào ở một vài cây viết, một vài tờ báo, mà không tìm thấy không khí và dư vị bổ ích của văn học. Có thực trạng đáng quan hoài trên là do từ hai nguyên nhân của sự "chưa tới và sự lạm dụng", trong giới gọi là phê bình văn học.

Hai tiếng "Nhà văn" đích thực hiểu theo nghĩa rộng thiết nghĩ đã gói đủ các hoạt động văn học nói trên. Xin những người viết ở các mặt sáng tác và hoạt động văn học thông qua sáng tác, đừng nghĩ là mình thua thiệt danh hiệu này nọ. Đó là những người được bạn đọc và xã hội tin cậy giao cho việc làm "thư ký" của cuộc sống như sách vở xưa nay vẫn nói, với những phẩm chất, yêu cầu mà chỉ riêng những người này mới có. Viết ra cái hay, cái dở và bình luận cho người đời thấy được cái dở, cái hay đều được cuộc sống gọi là văn nhân, là nhà văn.

Hiểu biết, sáng tạo và rung cảm, đó như là yêu cầu chung của loại công việc này, loại người này. Từ đó mà định ra yêu cầu của từng công việc, từng loại sản phẩm. Viếát một bài tân văn báo chí thì trước hết cần ở sự cập nhật. Đi sâu hơn một mảng văn, đời văn thì trước hết cần sự công phu ở tư liệu. Nêu ra những cái căn bản thì cần sự nghiên cứu. Giáo án có đề cập đến thực tế và thời sự văn học đó là sản phẩm của các giáo sư, thầy giáo văn.

Thiết nghĩ, không nên gói những bài báo giới thiệu văn học, những bài nghiên cứu sâu hơn một chút, những trang giáo án trích đăng báo rồi tự xưng là phê bình lý luận văn học. Thực tế làng văn, làng báo của ta vừa qua có quá nhiều trường hợp bài viết và cá nhân người viết ngộ nhận như vậy dẫn đến hiện tượng một nền văn loạn chuẩn, thùng rỗng kêu to, thanh la não bạt phê bình tứ tung chẳng còn biết đâu mà lần. Chỉ khổ cho bạn đọc và người yêu văn học.

Nói vậy không có nghĩa coi phê bình lý luận văn học cao hơn, oách hơn hoặc nằm ngoài những việc làng văn kể trên. Làng có nhiều việc, việc nào cũng cho văn, cũng là đáng quý. Nhưng xác định một cây phê bình văn chương, một giọng điệu phê bình đáng nhớ đòi hỏi nhiều yếu tố, cần có thẩm định của thời gian. Văn học nước ta xưa nay có nhiều thí dụ. Hoài Thanh là một thí dụ. Tất nhiên, trước và cùng thời với ông còn có một số tác giả phê bình văn học nữa, nhưng được nhắc đến và tôn vinh thì lại là một chuyện khác.

Cảm nhận ban đầu ở đời văn và thao tác văn ở những nhà phê bình đích thực là độ lùi vào thời gian, độ sâu phẫu thuật tác phẩm và cái "thần", "cái "duyên" ở thi pháp. Bài của họ rõ ràng không phải là bài báo đấm đá hoặc mấy khảo cứu nặng nề khô khan. Có thể các vị khởi đầu từ nhà báo, rồi giáo sư văn chương. Nhưng để hành trình đến lý luận phê bình lại là thứ lý luận phê bình có bản sắc, họ không chỉ ầm ầm binh mã tri thức, sự sắc sảo của ý thức như cuộc đấu đá (mà điều này các nhà báo hay gặp phải)... mà đã lùi xa lùi sâu, đã hóa thân, đã thăng hoa đến mức kỳ diệu. Kỳ diệu cho đến lúc tự mình nhặt được hạt vàng lấp lánh từ tác phẩm mà người khác chưa hoặc không nhận ra.

Phê bình đã vậy, lý luận mỹ học lại càng như vậy. Bài báo tư liệu, khảo cứu nói đến cùng chỉ là thực tế văn học. Thực tế phải thế nào đó mới bật ra được lý luận. Lý luận phải thế nào đó mới là bản sắc của một "nhà riêng" có tiếng nói không thể lẫn. Thực ra mọi tên gọi chỉ là tương đối. Phê bình hoặc lý luận gì cũng vậy. Cái gì thuộc về văn học viết ra trên giấy cũng đều là văn bản văn học, bài nào in lên báo cũng gọi là bài báo, đó là tên gọi, còn thực chất sản phẩm thì rất xa nhau.

Thao tác công việc sáng giá trên phải chăng là sự công phu, nhuần nhuyễn, trí tuệ và cảm xúc, không hề vội vã hấp tấp, một đòn chết ngay, cốt giành phần thắng. Trước một tác phẩm, cần chờ sự lắng lại của thời gian. Rồi phải lùi xa khách quan để tìm cho được bản chất nhân văn lịch sử sâu xa, cái "nhân" của vấn đề

Phan Cung Việt
.
.
.