Cần quan tâm tới văn hóa

Chủ Nhật, 17/07/2011, 17:40
Thành phố Hà Nội vừa làm nóng lại với quyết tâm rất cao vấn đề giãn dân phố cổ, một dự án ra đời từ năm 1998 nhưng gặp nhiều vướng mắc, đến nay vẫn chưa triển khai được. Ở góc độ của mình, bài báo chỉ bàn một khía cạnh, đó là phải chú ý tới các yếu tố văn hoá khi thực hiện dự án này...

Theo kế hoạch này, thành phố sẽ chi 43.000 tỷ đồng để từ quí I-2012 đến 2020, di chuyển theo hình thức giãn dân 26.200 người, tương ứng với 6.550 hộ để hạ mật độ dân cư khu phố cổ xuống còn 500 người/ha thay cho 840 người/ha như hiện nay. Đây là một chủ trương lớn nhằm giải tỏa những bức xúc về mật độ dân số, môi trường sống, bảo vệ di tích lịch sử - văn hoá, cải tạo và bảo tồn các di sản kiến trúc, phát triển du lịch… khu phố cổ của Hà Nội lâu nay.

Để làm được điều này, UBND quận Hoàn Kiếm và chính quyền TP Hà Nội sẽ tiến hành đồng thời nhiều việc từ cơ chế pháp luật, chính sách; nguồn vốn; quĩ đất; lực lượng thi hành v.v… Không ít khó khăn đang chờ đợi nhưng nếu có quyết tâm cao, biện pháp phù hợp, nhất định sẽ giải quyết được. Ở góc độ của mình, bài báo chỉ bàn một khía cạnh, đó là phải chú ý tới các yếu tố văn hoá khi thực hiện dự án này.

Phố cổ, đó là gì? Trong mọi mô tả mang tính quản lý đô thị về phố cổ Hà Nội, bao giờ cũng có phần nói về văn hóa nhưng bao giờ phần này cũng chiếm một vị trí phụ, nếu không nói là rất phụ. Khi bàn về phố cổ, người ta hay nhấn mạnh đến các biến thiên lịch sử, mật độ dân số, thực trạng kiến trúc, cuộc sống của các cư dân hiện nay mà ít chú ý tới một vấn đề có tính cốt lõi nhất, đó là nếp sống của người phố cổ. Nếp sống của người phố cổ chính là nếp sống của người Tràng An, nếp sống Hà Nội gốc ít bị pha tạp nhất, thể hiện tinh hoa của Hà Nội mà chúng ta vẫn nói đến.

Cùng với nếp sống là phong tục, quan niệm về tâm linh, truyền thống nghề nghiệp, cảnh quan môi trường trong đó có kiến trúc, tập quán ẩm thực, thời trang, ngôn ngữ… nói ngắn gọn là văn hóa phố cổ.

Bởi vậy, nói đến phố cổ, trước hết không phải là kiến trúc (mặc dù kiến trúc là cái đầu tiên giúp ta nhận biết về phố cổ) mà là con người phố cổ, cuộc sống phố cổ. Đó là cuộc sống và các mối quan hệ xã hội trong các ngôi nhà ống. Là tiếng rao quà đêm khuya các nẻo phố rêu phong. Là mùi cà phê mỗi sớm bên người bạn tâm tình ở một vỉa hè nọ. Là màu lá bàng đỏ thẫm chiều đông. Là quán rượu thuốc không có chỗ chen chân trong ngõ hẹp. Mất đi những thứ như thế, không còn phố cổ nữa.

Người phố cổ cũng thà hy sinh đi nhiều thứ, chấp nhận sống chật chội, bất tiện chứ không rời xa môi trường quen thuộc này. Phải chăng, chính điều này đã khiến cho rất nhiều kế hoạch giãn dân, chỉnh trang, bảo tồn phố cổ gặp khó khăn, không thể thực hiện được.

Chúng ta đã từng tiến hành nhiều chủ trương lớn như định canh định cư, xây dựng kinh tế mới… từ hàng chục năm trước. Những chủ trương này tốn kém rất nhiều nhưng kết quả còn hạn chế mà nguyên nhân của những hạn chế này có phần vì chưa chú ý tới đời sống và văn hoá của bà con. Người Việt ở nông thôn, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số có cuộc sống gắn bó với  tâm linh, làng xã, dòng họ, mồ mả ông bà, nghề truyền thống sâu sắc qua nghìn đời.

Cũng như vậy, đời sống của người dân phố cổ Hà Nội là sự kết hợp của lối sống đô thị, lối sống đặc thù của người phố cổ Hà Nội và lối sống của người Việt Nam hiện đại. Những cội nguồn đó hoà quyện trong mỗi con người, tạo nên xu hướng, kinh nghiệm nghề nghiệp; phong tục tập quán; lối sống; quan hệ xã hội thậm chí cả thói quen, đời sống tâm linh. Nếu nơi ở mới có một cuộc sống tương tự như phố cổ (thuận tiện việc thờ cúng, thăm nom bạn bè; chợ búa, tiện ăn uống, đi lại, kiếm sống bằng nghề và nhiều điều khác nữa) người ta sẽ yên tâm ở lại. Nếu không có môi trường sống như cũ hoặc hơn cũ thì dù vất vả, bất tiện họ cũng tìm cách trở về, không có biện pháp hành chính nào ngăn cản thật hiệu quả. Về mặt qui hoạch, kiến trúc cũng cần lưu ý.

Một trong những bất cập hiện nay phải giải quyết là những nhà cao tầng không thích hợp với nghề kiếm sống của người dân, các trung tâm thương mại không thay thế được các chợ cóc hay vỉa hè, các cửa hàng lớn không thay thế được những tủ kính bày hàng ở những "cửa hiệu" chỉ có vài mét vuông. Vậy không phải việc đầu tiên là nghĩ đến các giải pháp hạn chế nguồn giãn dân trở về hay ngăn chặn việc mua bán cả diện tích người trong diện giãn dân vừa rời đi mặc dù điều này cũng cần.

Cái cần hơn là làm sao người ta tự nguyện rời đi và đã đi thì không muốn về nữa (một cuộc thăm dò gần đây với gần 1.000 hộ thì chỉ có hơn 26% số hộ được hỏi sẵn sàng rời nơi ở cũ, một tỷ lệ rất thấp). Làm sao để việc đi lại giữa phố cổ với khu giãn dân thật dễ dàng. Làm sao để tuy không nệ cổ, bê nguyên lối sống, điều kiện sống phố cổ đến nơi mới nhưng người chuyển khỏi phố cổ vẫn thấy như mình vẫn ở phố cổ. Làm sao để người chuyển về những khu đô thị mới cũng có niềm tự hào về chỗ định cư của mình không thua gì nơi cũ. Làm sao để cuộc sống ở nơi mới tiện nghi hơn nơi cũ mà nhà nước không quá tốn kém. Những điều đó và nhiều điều khác đang đặt ra, đòi hỏi cả xã hội cùng chung tay, không chỉ vật chất mà bằng trí tuệ, tầm văn hoá của mình

Vĩnh Thy
.
.
.