Cần đánh giá khoa học về loại hình “lên đồng”

Thứ Sáu, 25/02/2011, 10:46
Thay vì phải "lén lút" diễn ra tại các điện thờ tư nhân hay những đền miếu tự phát, lần đầu tiên, các "thanh đồng" đã đường hoàng trình diện giữa trung tâm Thủ đô, trong khuôn khổ Hội thảo "Lên đồng, bảo tàng sống của văn hóa Việt" do Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam phối hợp với L'Espace tổ chức vào tối 23/2 vừa qua.

Có minh họa diễn xướng hầu đồng với các giá tiêu biểu (trong tổng thể 36 giá đồng): Ba giá Mẫu, Trần Triều, Quan Đệ Tam, Quan lớn Tuần Tranh, Chầu Đệ Nhị, Chầu Bát, Chầu Bé, Chầu Thác Bờ, Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười, Cô Cam Đường, Cô Bơ Thoải, Cô Bé…, nên Hội thảo đã thu hút được số lượng khán thính giả đông ngoài dự đoán của nhà tổ chức.

"Bảo tàng sống của văn hóa Việt" hồi sinh mạnh mẽ

GS Ngô Đức Thịnh, người đã bỏ nhiều năm để nghiên cứu về Đạo Mẫu, diễn giả chính tại Hội thảo, khẳng định "Lên đồng là nghi lễ tiêu biểu, điển hình nhất trong tục thờ Mẫu, một hành trình của thần linh và số phận", ẩn chứa đặc trưng nội tâm rõ rệt của người Việt. Bản chất tôn giáo của lên đồng chính là "sự nhập hồn nhiều lần của thần linh Tứ phủ vào thân xác ông đồng, bà đồng, nhằm trị bệnh, cầu sức khỏe, tài lộc, may mắn".

Theo biến thiên lịch sử, lên đồng từng bị coi như điều cấm kỵ, một ví dụ hùng hồn của hủ tục mê tín dị đoan cần loại bỏ khỏi đời sống xã hội. Dù vậy, mặc những dè bỉu và lên án trong tư duy một thời, lên đồng vẫn tồn tại, là hình thức diễn xướng dân gian, một nghi lễ không thể thiếu trong Đạo Mẫu, tín ngưỡng riêng của người Việt, tôn thờ nữ thần, người Mẹ, như đấng tối cao có "quyền năng sáng tạo, che chở cho con người, đáp ứng khát vọng của con người về Phúc, Lộc, Thọ".

Từng trực tiếp tham dự nhiều buổi "hầu đồng", GS Ngô Đức Thịnh cũng phải công nhận, diễn tiến của mỗi lần trình diễn lên đồng cực kỳ phong phú, đa dạng, và có tính khu biệt, độc đáo nhất định ở mỗi vùng, miền khác nhau. Đó cũng là kết tinh của đời sống tinh thần vốn mang đậm bản sắc nền văn minh lúa nước, được nhân dân Việt Nam truyền lại tự bao đời.

Trong hầu đồng, văn học truyền miệng, âm nhạc mà điển hình nhất là thể loại chầu văn, cùng với nhảy múa, điêu khắc, hội họa… được tích hợp, làm nên trò diễn xướng dân gian mê đắm, có một không hai.

GS Thịnh nhấn mạnh: "Lên đồng lắng đọng tinh túy, là bảo tàng sống của văn hóa Việt bởi: Các nhân vật lịch sử sống lại và nhập hồn vào thanh đồng (trong mỗi buổi lên đồng, người đứng giá hầu được gọi là "thanh đồng", nam xưng "cậu", nữ xưng "cô, bà") qua quần áo, điệu múa chứ không phải những bức tượng.

Đồng thời, từ âm nhạc và các động tác nhảy múa của mỗi giá chầu, tính đa văn hóa, sự bình đẳng giữa các dân tộc được biểu hiện mạnh mẽ. Hơn nữa, tín ngưỡng thờ Mẫu là minh chứng tiêu biểu của truyền thống đề cao giá trị gia đình, như vốn quý ngàn đời của người Việt chúng ta".

Một cảnh lên đồng. Ảnh: Trang Dũng.

Lên đồng chưa thành di sản nhân loại, vì thiếu kiểm soát

Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, lên đồng là một bảo tàng sống động. Người Việt đã triển lãm nền văn hóa Việt Nam cho người Việt và người nước ngoài. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý nhà bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hóa Việt Nam.

Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam, mà chúng đang dần bị nhạt nhòa đi trong đời sống xã hội hằng ngày, chỉ còn hiện diện trong điện thần của Đạo Mẫu", TS. Frank Proschan - Chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhận định.

Tụng ca lên đồng bằng những lời lẽ biểu cảm, sự đam mê cộng với nhiều năm dồn công sức tìm tòi, khám phá, nhưng GS Ngô Đức Thịnh lại khăng khăng bảo lưu ý kiến, chưa nên đề xuất UNESCO phong tặng lên đồng là "di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại". Dẫu đau lòng, GS Thịnh vẫn phải bày tỏ thái độ, hiện lên đồng chưa được nhìn nhận thực sự đúng mức ngay ở trong nước. Các nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, đồng thuận về lên đồng.

Cốt yếu hơn, GS Ngô Đức Thịnh tha thiết, lên đồng nhiều lúc bị gán cho "tội danh" mê tín dị đoan, cũng khởi nguồn từ chuyện, còn nhiều người lợi dụng nghi lễ tôn giáo này để làm những việc xấu. Hoạt động của một số thanh đồng thiên về bói toán, phán truyền, nhắm vào sự cả tin, nhẹ dạ của các "con nhang đệ tử" khiến cho lên đồng nhuốm màu sắc tiêu cực.

GS Ngô Đức Thịnh đúc kết, chỉ khi nào hình thức hầu đồng được chấn chỉnh theo nguyên bản như nó vốn có bao đời nay, và cả xã hội cùng đồng tình, nhìn nhận ra bản chất tốt đẹp của lên đồng, thì khi ấy, tự thân lên đồng sẽ thành di sản nhân loại

Khánh Bằng
.
.
.