Ca khúc ‘Thành phố lại bình yên’ của nhạc sĩ Hồng Đăng:

Cảm xúc vỡ òa từ một vụ phá án

Thứ Sáu, 07/08/2015, 08:49
Trong số các ca khúc về lực lượng Công an, “Thành phố lại bình yên” của nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác năm 1999 đã khá phổ biến nhiều năm qua. Tới đây, trong đêm giao lưu-nghệ thuật “Những bước chân lặng lẽ” do Công an TP Hà Nội tổ chức tối 7/8 tại Hà Nội, khán giả sẽ một lần nữa được thưởng thức tác phẩm này.

Nhân dịp 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng nhạc sĩ Hồng Đăng về một trong số không nhiều tác phẩm âm nhạc viết về lực lượng Công an thành công.

PV: Thưa nhạc sĩ, ông có thể cho độc giả biết được hoàn cảnh ra đời của ca khúc được không?

Nhạc sỹ Hồng Đăng: Có thời điểm, an ninh trật tự của Hà Nội khá phức tạp, thậm chí, có thể nói là không bình yên. Điều này dễ dàng cảm nhận trên từng con phố, khi người dân đi lại với tâm trạng đầy cảnh giác và lo âu. Lúc đó, đã xảy ra vụ bắt cóc cháu bé người Nhật ở làng Việt Nhật làm chấn động dư luận cả nước. Khi ấy, tôi đang đi vắng, nhưng vụ việc được các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật, phản ánh kịp thời, nên tôi vẫn dõi được sát sao. Như mọi người, tôi cũng vỡ òa cảm xúc khi cháu bé được giải cứu. Thật khó nói hết tâm trạng khi ấy và một tia chớp cảm hứng đã bất ngờ bật ra, để tôi viết ca khúc rất nhanh và khi tôi về tới Hà Nội, thì ca khúc đã kịp hoàn thành trọn vẹn.

Nhạc sỹ Hồng Đăng.

PV: Khác những ca khúc thường có xuất xứ trữ tình, ngược lại, bài hát này lại có cảm hứng từ một …vụ án, nhưng vẫn đầy cảm xúc và sự lãng mạn?

Nhạc sỹ Hồng Đăng: Nghe giai điệu ngọt ngào của ca khúc, dường như ai cũng cảm thấy được không gian yên bình và lãng mạn, nên rất ít người biết ca khúc được ra đời từ cảm hứng sau một vụ án bắt cóc con tin, được phá thành công, cháu bé được trở về trong vòng tay mẹ. Bởi tôi tập trung khai thác về tình người, tình bạn của các chiến sỹ Công an trong cuộc sống và chiến đấu. Sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ Công an cho cuộc sống bình yên của nhân dân không thể đong đếm, nói hết bằng lời. Những đêm mưa rét căm căm, họ lao mình vào màn đêm và những bữa cơm là lúc mỗi gia đình đoàn tụ, thì họ thường vắng mặt; những khó khăn gian khổ, họ bao giờ cũng là người đầu tiên xuất hiện… Những hình ảnh bình dị nhưng đẹp đẽ ấy phần nào phản ánh được hy sinh của họ và tôi đã dùng những giai điệu nhẹ nhàng, ca từ giản dị để nói hộ tấm lòng các chiến sĩ Công an.

PV: Đề tài về người chiến sĩ Công an vốn được coi là khó sáng tác trong văn học nghệ thuật. Vậy mà ông lại có thể đưa vào âm nhạc –điều không mấy người có thể làm…

Nhạc sỹ Hồng Đăng: Giới sáng tác nhạc chúng tôi cũng vẫn thường nói với nhau rằng, viết về lãnh tụ và lực lượng vũ trang là khó, đặc biệt là viết cho hay thì càng vô cùng khó. Bởi thế, nhiều người muốn viết, đã viết, nhưng không phải ai cũng thành công. Nhưng nếu biết cách lựa chọn những chi tiết đắt, và thể hiện một cách nhẹ nhàng, đi sâu vào trái tim, tình cảm của con người, thay vì lên gân, khoa trương, sẽ tìm được sự đồng cảm để có sức lan tỏa. Trong “Thành phố lại bình yên”, tôi viết: “Chúng tôi lại băng trên đường. Ấm bàn tay đồng đội. Những bạn bè rất yêu thương” để người nghe có thể cảm nhận được thật rõ tình đồng chí, đồng đội thân thương, ruột thịt của những chiến sĩ Công an dành cho nhau, khi cùng chung mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ. Tình cảm yêu thương của đồng đội, của nhân dân chính là nguồn động viên mỗi chiến sĩ luôn sẵn sàng vì nhân dân phục vụ trong mọi hoàn cảnh.

Khi cái tình thấm vào trong tim, thì người nghe mới cảm nhận được cái hay cái đẹp của câu hát, để đồng hành cùng tác giả trên những chặng đường. Bài hát nào cũng đều cần sự may mắn và cả sự nâng đỡ kịp thời của truyền thông để ca khúc có thể phổ rộng. Ca khúc của tôi là một món quà tinh thần gửi tới lực lượng Công an, nhưng tôi vẫn mong muốn, nó được vươn rộng hơn nữa tới với công chúng.

PV: Ông có nghĩ mình sẽ tiếp tục sáng tác về đề tài lực lượng Công an, như đã từng?

Nhạc sỹ Hồng Đăng: Thực ra, người nhạc sỹ rất khó để quyết định việc mình sẽ tiếp tục sáng tác hay dừng lại, bởi cảm xúc thường đến bất ngờ như một cái duyên của số phận và sự lóe lên bất ngờ ấy có khi lại thành công, còn sự cố ý thì chưa chắc. Thông thường, ai cũng muốn sáng tác nhưng nhiều khi lại không viết nổi, diễn tả nổi tâm trạng mình. Với người nhạc sĩ, có một ca khúc được nhiều người biết đến, đã là niềm hạnh phúc thiêng liêng mà chúng tôi luôn trân trọng.

PV: Cảm ơn ông!

Quế Hà
.
.
.