Cái giá của "Còi vàng"

Thứ Bảy, 06/10/2007, 10:18
Ngày 6/10, những danh hiệu "Còi vàng", "Cờ vàng" của mùa giải 2007 sẽ được trao cho các chủ nhân. Năm thứ hai giới "cầm cân, nảy mực" trên sân cỏ được tôn vinh, nhưng cái danh hiệu cao đó của làng trọng tài Việt đã thực sự quý?

Chiếc còi vàng đầu tiên được trao cho trọng tài Dương Mạnh Hùng ở mùa trước. Thế nhưng, nghiệt ngã thay cái thời kỳ "hậu còi vàng" của ông Hùng lại là... còi tịt. Cả một mùa giải 2007, ông "vua sân cỏ" này đứng ngoài cuộc chơi bởi thi đi, thi lại cũng không qua nổi kỳ sát hạch thể lực để đủ điều kiện làm nhiệm vụ. "Đen" hơn, gần đây, lá đơn xin đi học làm giám sát trọng tài của ông Hùng cũng bị bác bởi chưa đủ tuổi nghề.

Phần chìm đằng sau cái sự "ngồi chơi, xơi nước" của ông Hùng trong mùa giải vừa qua, có nhiều tranh cãi, thậm chí là khẩu chiến của những người trong cuộc. Tuy nhiên, nó cũng phần nào cho thấy cái danh hiệu "Còi vàng" chưa hẳn đã là... vàng mười.

Ông Hùng đã đăng quang trong một cuộc bầu chọn mà giới truyền thông dồn phiếu cho ông trong mắt nhìn về một hình mẫu chống tiêu cực, còn giới chuyên môn thì bất phục vì cho rằng, năng lực chuyên môn của ông Hùng không xứng. Nói như dân làng bóng thì, "Còi vàng" năm đó là chiếc còi ai thổi người ấy nghe.

Năm nay, không còn "nhân vật điển hình" chống tiêu cực, số lượng phiếu dành cho các "cử tri" thuộc giới truyền thông cũng giảm xuống, thì "Còi vàng" sẽ giàu tính chuyên môn hơn chăng?

Người ta không rõ, chỉ biết rằng, khác với lần trước, cuộc bầu chọn năm nay diễn ra thật êm ả. Trước giờ trao giải, chẳng có cãi vã, cũng chẳng có scandal và cũng chẳng có chuyện người nhà lôi nhau lên báo để vạch áo cho người xem lưng như năm trước.

Dẫu vậy, nhìn vào những cái tên trong danh sách đề cử, người ta lại thấy khá phổ biến những ông vua từng bị các cầu thủ, CĐV phản ứng trong quá trình điều hành mùa giải vừa qua. Hơn thế, có cơ sở để cho rằng, khả năng "Còi vàng" rơi vào tay một trong số những gương mặt này là cực cao.

Tất nhiên, không phải mọi sự phản ứng đối với các trọng tài này đều đúng. Thậm chí, không ít người cầm còi còn trở thành nạn nhân của những trò đổ vấy để bao biện cho thất bại, cũng như những trận đấu bốc mùi khét. Thế nhưng, không có lửa làm sao có khói. Cái sự bất phục trọng tài đó, những tiếng kêu than về tiếng còi oan sai của các đội, cũng phần nào nói lên chất lượng đội ngũ "cầm cân, nẩy mực" mùa này nói chung, cũng như chất lượng "Còi vàng" năm nay nói riêng.

Còn nhìn ở góc độ của trọng tài, liệu cái giá của "Còi vàng" có là quá đắt bởi để có được nó, người ta đã phải hứng chịu nhiều sự cay đắng, dè bỉu của cái nghiệp "làm dâu trăm họ" nơi đấu trường, sân cỏ? Chẳng lẽ cứ phải tai tiếng và tai nạn mới có thể trở thành "Còi vàng" sao? Hỏi mà ngậm ngùi thay cho cái danh hiệu lẽ ra phải vừa cao vừa quý đúng nghĩa với sự tôn vinh một nhân tố làm nên cuộc chơi sân cỏ

Bảo Hân
.
.
.